MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

WEF: Phát triển du lịch, hạ tầng phải đi trước!

Với lượng du khách được dự báo vẫn có xu hướng tăng trong tương lai, Việt Nam cần có những định hướng, chính sách phát triển hạ tầng du lịch phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững, đưa cơ sở hạ tầng từ chỗ có thể là trở ngại trở thành điểm tựa cho tăng trưởng của ngành du lịch.

Với lượng khách du lịch quốc tế đạt 1,4 tỷ trong năm 2018 – sớm 2 năm do với dự báo ban đầu – ngành du lịch và lữ hành sẽ tiếp tục thúc đẩy sự kết nối giữa các khu vực trên toàn cầu. Báo cáo năng lực cạnh tranh ngành du lịch năm 2019 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới cho thấy sự tăng trưởng này đạt được là do có sự cải thiện về năng lực cạnh tranh, hạ tầng hàng không, độ mở quốc tế và chi phí đi lại.

Tuy nhiên, báo cáo cũng cho thấy sự cần thiết phải phát triển cơ sở hạ tầng – vốn có thể không đáp ứng được nhu cầu 400 triệu lượt khách dự báo tăng thêm vào năm 2030. Dù những thách thức về cơ sở hạ tầng ở mỗi khu vực với trình độ phát  triển kinh tế là khác nhau, thất bại trong việc giải quyết các thách thức này có thể làm giảm năng lực cạnh tranh và gây tổn hại đến ngành du lịch.

Cơ sở hạ tầng – bao gồm dịch vụ hàng không, mặt đất, cảng và các dịch vụ du lịch như khách sạn hay thuê xe – đóng vai trò quan trọng trong khả năng cạnh tranh của ngành du lịch lữ hành.

Từ năm 2017, vận tải hàng không là một trong những mảng phát triển nhất, với sự tăng trưởng mạnh trên hầu hết các vùng và tiểu vùng khác nhau. Tuy nhiên, phần lớn kết quả này lại đến từ việc mở thêm các tuyến bay và vận hành các máy bay mới. Sự cần thiết của việc cải thiện chất lượng hạ tầng hàng không – dù đã trở nên ổn hơn từ năm 2017 – vẫn chưa thực sự được chú trọng.

Nhiều số liệu cũng dự báo rằng nhu cầu đi lại và tăng trưởng hàng không có thể sẽ vượt qua mức đáp ứng của hệ thống hạ tầng. Đến năm 2037, Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế dự đoán lượt khách hàng không có thể tăng gấp đôi, lên tới 8,2 tỷ.

Từ góc độ toàn cầu, báo cáo cũng chỉ ra chất lượng và hiệu suất của hạ tầng vận tải đường bộ vẫn còn ở mức trung bình, hầu như không có tăng trưởng. Với sự tăng trưởng dự kiến của ngành du lịch cũng như yêu cầu về cơ sở hạ tầng cần thiết để đáp ứng nhu cầu hành khách, cần có những tính toán cụ thể để khắc phục những khoản thâm hụt lớn trong đầu tư các dự án sân bay, cảng biển, đường sắt và đường bộ.

Đông Nam Á cũng ghi nhận mức tăng trưởng mạnh về du lịch trong những năm gần đây. Nhưng với hạ tầng du lịch chỉ ở mức trung bình, nhiều khả năng khu vực này sẽ gặp khó khăn trong việc đón nhận thêm những lượt khách mới mỗi ngày. Việt Nam, Indonesia hay Philippines đều có sự nhảy vọt trong ngành du lịch, nhưng dù đã có cải thiện, điểm số đánh giá hạ tầng du lịch ở các quốc gia này đều vẫn ở dưới mức trung bình.

WEF: Phát triển du lịch, hạ tầng phải đi trước! - Ảnh 1.

Cải thiện cơ sở hạ tầng ở mỗi quốc gia sẽ góp một phần quan trọng trong việc tăng khả năng cạnh tranh của ngành du lịch trong dài hạn. Ngay cả các quốc gia có hệ thống hạ tầng sân bay và đường bộ tiên tiến cũng có thể đối mặt với nhiều thách thức khi nhu cầu khách hàng ngày càng tăng. Điều này có thể dẫn đến các vấn đề liên quan đến chất lượng dịch vụ.

Những năm gần đây, cơ sở hạ tầng du lịch của VIệt Nam nói chung đều phát triển với sự xuất hiện của nhiều công trình tầm cỡ để phục vụ du khách như Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu khách du lịch Hạ Long…Nhưng so với nhu cầu thực tế, mỗi khi đến mùa du lịch thì những hình ảnh quen thuộc lại tái diễn: hàng không quá tải, đường bộ kẹt cứng, cảng biển phục vụ du khách thiếu hụt trầm trọng.

Số lượng khách sạn, cơ sở lưu trú đạt chuẩn có mức độ tăng trưởng chậm, chưa tương xứng với lượng tăng trưởng du khách. Chất lượng cũng không đồng bộ. Số lượng khách sạn từ 3 – 5 sao chỉ chiếm phần nhỏ tại Quảng Ninh, với hơn 50 cơ sở. Trong khi đó, trong năm 2018 tỉnh này đã đón trên 10 triệu lượt du khách.

Một vấn đề khác là hệ thống dừng nghỉ trên đường tới các địa điểm du lịch ở Việt Nam còn mang tính tự phát. Có một tâm lý chung là khi có một nhà mở nhà hàng, bán quà bánh thì những nhà khác cũng bắt chước theo để kiếm lợi trước măt. Việc thiếu cái nhìn tổng thể về bức tranh du lịch của khu vực sẽ dẫn đến nhiều dịch vụ, mặt hàng bị trùng lặp, thiếu đa dạng, khó gây ấn tượng được với du khách.

Với lượng du khách được dự báo vẫn có xu hướng tăng trong tương lai, Việt Nam cần có những định hướng, chính sách phát triển hạ tầng du lịch phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững. Cần đưa cơ sở hạ tầng từ chỗ có thể là trở ngại trở thành điểm tựa cho tăng trưởng của ngành du lịch.

Hoàng Linh

WEF/ Tổng hợp

Trở lên trên