MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

WHO công bố kết quả họp về kết thúc đại dịch COVID-19: Dữ liệu tử vong sốc

30-01-2023 - 23:20 PM | Tài chính quốc tế

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), số ca tử vong quá cao - hơn 170.000 ca trong 8 tuần qua, trong đó con số của tuần ngay trước phiên họp lên tới 40.000 - cùng nhiều yếu tố đáng ngại khác khiến COVID-19 vẫn phải được coi là một PHEIC.

Văn bản mà Báo Người Lao Động vừa nhận được từ WHO chiều 30-1 nêu rõ: "Tổng Giám đốc WHO đồng ý với lời khuyên của ủy ban liên quan đến đại dịch COVID-19 đang diễn ra và xác định sự kiện này tiếp tục tạo thành Tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng gây quan ngại toàn cầu (PHEIC)".

Trước đó, WHO đã nhóm họp nhóm chuyên gia từ Ủy ban khẩn cấp (EC) về Các quy định y tế quốc tế (IHR) liên quan đến COVID-19, đứng đầu bởi giáo sư Didier Houssin, nhằm cung cấp cho Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus lời khuyên về việc liệu có thể chấm dứt PHEIC COVID-19 hay chưa.

WHO công bố kết quả họp về kết thúc đại dịch COVID-19: Dữ liệu tử vong sốc - Ảnh 1.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus - Ảnh: REUTERS

Vào tháng 3-2020, WHO đã chính thức tuyên bố COVID-19 tạo thành một PHEIC, một động thái tạo cơ sở pháp lý cho các quốc gia và vùng lãnh thổ thành viên coi căn bệnh này như một đại dịch, một bệnh truyền nhiễm cực kỳ nguy hiểm, và có các động thái ứng phó phù hợp dựa trên khuyến nghị chung của WHO.

Trước đó, tiến sĩ Tedros đã kỳ vọng về một lời tuyên bố kết thúc PHEIC COVID-19 trong năm nay và cho rằng thế giới đang ở giai đoạn rất tốt để tiến tới vạch đích đó.

Tuy nhiên WHO cho biết: "Trong khi thế giới đang ở vị trí tốt hơn so với thời kỳ đỉnh điểm của đợt lây nhiễm Omicron một năm về trước, hơn 170.000 ca tử vong liên quan đến COVID-19 vẫn được báo cáo trên toàn cầu trong 8 tuần qua".

Trong bài phát biểu mở đầu cuộc họp hôm 27-1 mà WHO gửi đến báo giới, tiến sĩ Tedros nêu rõ chỉ trong tuần trước khi bắt đầu phiên họp lần thứ 14 của EC IHR COVID-19 này, WHO nhận được báo cáo về hơn 40.000 ca tử vong do COVID-19, hơn một nửa trong số đó đến từ Trung Quốc.

Một số trở ngại khác cho việc kết thúc PHEIC cũng được WHO nêu rõ, bao gồm việc các hệ thống y tế đang quá tải với sự bùng phát COVID-19 đồng thời với nhiều bệnh hô hấp khác như cúm và RSV, khiến nhân viên y tế mệt mỏi. Phản ứng trước dịch bệnh vẫn còn lúng túng ở nhiều nơi khiến các công cụ cứu mạng như vắc-xin, thuốc điều trị... không thể tiếp cận được các đối tượng nguy cơ một cách đầy đủ.

WHO khuyến nghị các quốc gia và vùng lãnh thổ thành viên duy trì đà tiêm chủng; cải thiện việc báo cáo dữ liệu giám sát COVID-19 cho WHO bao gồm việc giải trình tự gien để truy tìm các biến thể mới; tăng cường và đảm bảo sẵn có các biện pháp đối phó với căn bệnh bao gồm vắc-xin, xét nghiệm và thuốc điều trị; duy trì năng lực ứng phó đối với các làn sóng trong tương lai, tránh xảy ra chu kỳ hoảng loạn, lơ là; tiếp tục hỗ trợ nghiên cứu vắc-xin cải tiến; tiếp tục điều chỉnh các biện pháp liên quan đến thông thương quốc tế...

Theo Anh Thư

Người Lao động

Trở lên trên