WHO xác nhận 'tình trạng khẩn cấp y tế nghiêm trọng nhất' khi làn sóng Covid-19 tái phát mạnh ở nhiều nước
Theo số liệu thống kê của Worldometers, tính đến sáng ngày 28/7, tổng số ca mắc Covid-19 trên toàn thế giới đã lên đến hơn 16,6 triệu trường hợp, trong đó hơn 650 nghìn trường hợp tử vong và cũng đã có hơn 10 triệu bệnh nhân được chữa khỏi.
- 27-07-2020Covid-19 tại Mỹ: “Quả bom” Florida phát nổ
- 27-07-2020Cuối tuần sóng gió, Trung Quốc ghi nhận số mắc Covid-19 trong cộng đồng cao kỷ lục kể từ đầu tháng 3
- 27-07-2020Thảm cảnh của Mỹ: Hàng chục triệu người có thể bị "trục xuất" khỏi nhà, báo động nguy cơ lây COVID-19
Theo tờ BBC đưa tin, ngày 27/7, Tổng giám đốc tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết ông sẽ triệu tập cuộc họp với Ủy ban khẩn cấp của WHO trong tuần này để xem xét lại cách đánh giá về đại dịch khi số ca nhiễm tăng mạnh trở lại ở nhiều nước Châu Á, Châu Âu. Trước đây đã từng có 5 lần tổ chức công bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu là dịch Ebola (2 đợt bùng phát), Zika, bại liệt và cúm lợn.
BBC dẫn lời ông Tedros, tổng số trường hợp xác nhận nhiễm Covid-19 đã tăng gần gấp đôi trong 6 tuần qua. Mặc dù thế giới đã nỗ lực rất nhiều trong việc chống lại dịch bệnh nhưng "chúng ta vẫn còn một chặng đường dài khó khăn phía trước". Trước tình hình hiện tại, Covid-19 có thể là "tình trạng khẩn cấp y tế nghiêm trọng nhất" từng được công bố bởi WHO.
"Khi tôi tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng khiến thế giới lo ngại vào ngày 30/1... chỉ mới có ít hơn 100 trường hợp bên ngoài Trung Quốc và không có trường hợp tử vong nào", ông Tedros nói.
"Covid-19 đã thay đổi thế giới của chúng ta. Nó mang mọi người, cộng đồng, quốc gia xích lại với nhau; nhưng cũng đẩy họ ra xa nhau".
Tại cuộc họp giao ban ngày thứ Hai (27/7) tại Geneva, Thụy Sĩ, WHO cũng cho biết việc hạn chế đi lại không thể là biện pháp đối phó dài hạn với dịch bệnh, mà các quốc gia phải làm nhiều hơn để ngăn chặn sự lây lan bằng cách áp dụng các chiến lược đã được chứng minh hiệu quả như: giãn cách xã hội và đeo khẩu trang.
Mike Ryan, giám đốc Chương trình khẩn cấp sức khỏe của WHO cho biết: "Sẽ gần như không thể để cho các quốc gia đóng cửa biên giới trong tương lai gần. Các nền kinh tế phải mở cửa, mọi người phải làm việc, thương mại phải tiếp tục".
Tuy nhiên, các quan chức của WHO thừa nhận rằng việc kéo dài thời gian đóng cửa biên giới ở các quốc gia đang trải qua các đợt bùng phát mới có thể là điều cần thiết, nhưng đưa ra kiến nghị nên áp dụng ngắn hơn và giới hạn ở một khu vực địa lý nhỏ hơn (ví dụ như đóng cửa theo từng địa phương).
"Chúng ta càng hiểu về virus thì càng có thể nhanh chóng kiểm soát nó", ông Ryan nói.
(Theo BBC)
Pháp luật và bạn đọc