MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

World Bank "bắt bệnh" về ưu đãi của Việt Nam cho doanh nghiệp FDI

Dù được đánh giá là tương đối thành công trong việc thu hút FDI giai đoạn vừa qua, Việt Nam đang đứng trước những câu hỏi về FDI thế hệ 2, cũng như giải quyết các vấn đề tồn đọng của đầu tư nước ngoài.

Nhiều thách thức đã được phía Chính phủ Việt Nam nhận diện, theo ông Wim Douw, chuyên gia cao cấp về Chính sách đầu tư, Nhóm Ngân hàng Thế giới.

Việt Nam trong nhiều năm đã thu hút được dòng vốn đầu tư nước ngoài nhờ nguồn lao động dồi dào, giá rẻ, các ưu đãi về thuế. Tuy nhiên, ở giai đoạn mới, vấn đề đặt ra cho FDI thế hệ 2 là phải chuyển dịch đầu tư sang các lĩnh vực khoa học công nghệ, có tính chuyển giao kỹ thuật, hàm lượng kiến thức. Việc đầu tư cần hướng đến yếu tố bền vững.

Những ưu đãi đầu tư cho FDI thế hệ F1 dường như không còn phù hợp, ông Wim Douw cho biết.

Ưu đãi ở Việt Nam có hai dạng: ưu đãi đầu tư về địa bàn và ưu đãi hành vi. Ưu đãi về địa bàn là các chính sách nhằm thu hút đầu tư vào một quốc gia còn đối với ưu đãi hành vi, là việc thúc đẩy nhà đầu tư thực hiện một hành động nhất định.

Ông Wim Douw cho biết, trong tương lai, Việt Nam cần phải tái cân bằng ưu đãi địa bàn và hành vi, trong đó, tập trung nhiều hơn vào các ưu đãi hành vi, nhằm thúc đẩy nhà đầu tư thực hiện những hoạt động mà Việt Nam mong muốn.

Hơn nữa, chi phí cho những hoạt động ưu đãi cần phải được đánh giá kỹ. Ưu đãi đầu tư, theo chuyên gia của Ngân hàng thế giới, không phải là giải pháp cho mọi khó khăn.

Các quốc gia, một khi chọn Việt Nam là điểm đến, vấn đề họ đặt ra là so sánh môi trường kinh doanh. Như vậy, Việt Nam phải tạo được môi trường thuận lợi, nhấn mạnh vào yếu tố cạnh tranh.

Mặt khác, khung ưu đãi đầu tư cũng cần thiết thay đổi. Đây phải là khung hạn chế, đảm bảo không ảnh hưởng đến các yếu tố khác như doanh thu cho Chính phủ, không làm thâm hụt ngân sách Nhà nước, hạn chế được biến dạng kinh tế...

Trong bối cảnh dòng vốn FDI ngày càng thu hẹp, sự cạnh tranh trên toàn cầu ngày càng gay gắt buộc Việt Nam cần có cơ chế lựa chọn, nhắm mục tiêu một cách chính xác để đạt hiệu quả tối đa.

Tuy nhiên, đến nay, theo khảo sát, Việt Nam vẫn chủ yếu dựa vào ưu đãi tài chính phổ biến dưới dạng miễn giảm thuế, ưu đãi về đất đai...

"Chính sách của Việt Nam vừa dàn trải vừa đa dạng khiến cho kết quả không được rõ ràng", ông Wim Douw bình luận.

Việc phụ thuộc tương đối nặng nề vào biện pháp miễn thuế có thời hạn, trong khi công cụ này bộc lộ nhiều vấn đề khiến cho FDI vào Việt Nam chưa thực sự đạt kết quả mong đợi.

Do vậy, chuyên gia của World Bank cho rằng Việt Nam cần phải xem xét đến cơ chế khuyến khích dựa trên hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, thay vì ưu đãi dựa trên lợi ích, như trước đây.

Bên cạnh đó, không phải tất cả lĩnh vực FDI đều cần ưu đãi. Việt Nam cần nhìn nhận những mục tiêu cụ thể, từ đó, chỉ tập trung vào một số ngành, lĩnh vực. Chính phủ cũng cần hoàn thiện cơ chế điều tiết chính sách ưu đãi. Những cơ chế ưu đãi này theo đó được thống kê đầy đủ, công khai, minh bạch. Ngoài ra, Việt Nam cần phải có cơ chế đánh giá, giám sát, đảm bảo có thể đo lường được hiệu quả của ưu đãi cho dòng vốn FDI.

Nam Dương

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên