MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

World Bank: Những xu hướng lớn nào trong tương lai sẽ khiến kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng?

Bất ổn ngày càng tăng trong thương mại toàn cầu, công nghệ mới, nợ toàn cầu gia tăng hay căng thẳng xã hội ở nhiều quốc gia là những thách thức mà Việt Nam cần xem xét, theo World Bank.

Trong báo cáo gần đây của World Bank, tổ chức này đã chỉ ra một số xu hướng lớn có thể tác động đến kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.

Thứ nhất là xu hướng giảm về thương mại và tài chính toàn cầu, bắt đầu từ năm 2010 và trầm trọng hơn do căng thẳng thương mại thế giới.

World Bank cho biết dù kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng nhanh so với các nước khác trên thế giới và khu vực Đông Á, nhưng cũng chỉ tăng 9% trong năm 2019 (và 3% ở các thị trường ngoài Mỹ), phù hợp với xu hướng giảm trên toàn thế giới.

Theo đó, có thể giả định rằng cơn gió thuận chiều toàn cầu, vốn đã thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam trong ba thập kỷ qua, có thể sẽ yếu dần trong những năm 2020. Trong khi những bất ổn gia tăng có thể tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến dòng thương mại và đầu tư, có thể xuất hiện một cơ hội khác nhờ đa dạng hóa sản phẩm và thị trường.

Ví dụ, thương mại dịch vụ dự kiến sẽ tăng một phần nhờ vào công nghệ kỹ thuật số và dịch chuyển con người, khiến nhiều dịch vụ trở nên dễ thực hiện hơn, mặc dù rào cản đối với thương mại dịch vụ vẫn còn cao, đặc biệt là ở châu Á.

Tốc độ tăng trưởng nhanh của dịch vụ du lịch là một minh họa rõ ràng về năng lực của Việt Nam trong việc điều chỉnh theo xu hướng mới.

Về thị trường, Việt Nam có thể phát triển thương mại trong khu vực ASEAN, nơi có tổng giá trị GDP trên 2,7 nghìn tỷ USD. Trở thành trung tâm của khu vực năng động này có thể giúp bù đắp sự suy giảm chung, đặc biệt là ở những thị trường truyền thống hơn tại các nền kinh tế phát triển.

Trong mọi trường hợp, World Bank cho rằng nền kinh tế Việt Nam cũng không thể tách biệt hoàn toàn khỏi các cú sốc bên ngoài. Trên thực tế, tăng trưởng xuất khẩu ròng giảm 5% sẽ làm tăng trưởng GDP giảm khoảng 1,5% trong ngắn hạn.

Không chỉ khu vực xuất khẩu của Việt Nam dường như đang phải đối mặt với những bất ổn đang gia tăng trong nền kinh tế toàn cầu, việc thay đổi mô hình thương mại toàn cầu và công nghệ đột phá trong sản xuất công nghiệp cũng tạo ra những cơ hội và rủi ro mới.

Hiện nay, xuất khẩu của Việt Nam tập trung nhiều vào sản xuất hàng công nghiệp (chiếm 2/3 tổng kim ngạch xuất khẩu) và một tiểu ngành (hàng điện tử, chiếm một nửa kim ngạch xuất khẩu của cả nước).

Các ngành công nghiệp này đã chứng kiến sự ra đời của trí tuệ nhân tạo và các công nghệ tiên tiến, điều này sẽ làm giảm tầm quan trọng của lao động giá rẻ, vốn là lợi thế so sánh chính của Việt Nam, khi các công ty đa quốc gia quyết định đặt vị trí.

Việt Nam có lợi thế nhân công rẻ so với cả Trung Quốc, nước hiện đang có chi phí lao động gia tăng nhanh. Trong những năm gần đây, các công ty sản xuất hàng công nghiệp của các nước thuộc Tổ chức OECD đã bắt đầu chuyển các hoạt động trở về nước của mình (back-shoring) hoặc đến một quốc gia láng giềng (near-shoring), một phần do chi phí giảm nhờ tiến bộ công nghệ.

Như vậy, Việt Nam đang đứng trước nguy cơ ngày càng tăng là FDI vào sản xuất có thể giảm dần, dẫn đến quá trình giải công nghiệp hóa có thể xảy ra trừ khi có thể tăng năng lực sản xuất bằng cách thích ứng và áp dụng các công nghệ mới này.

Ngoài bất ổn ngày càng tăng trong thương mại toàn cầu và công nghệ mới là hai trong số những xu hướng lớn quan trọng nhất có thể tác động đến nền kinh tế Việt Nam, cũng cần xem xét các xu hướng lớn khác.

Những thách thức khác bao gồm nợ toàn cầu gia tăng; ngân hàng trung ương ở các nền kinh tế có thu nhập cao mạnh tay nới lỏng tiền tệ (gây áp lực lên tiền tệ của các thị trường mới nổi) và căng thẳng xã hội ở nhiều quốc gia (bao gồm cả các nước thu nhập trung bình) trước những bất bình đẳng và thất vọng gia tăng ở tầng lớp trung lưu.

Cho đến nay, Việt Nam nhìn chung đã tránh được những cú sốc này khi tỷ lệ nợ công giảm khoảng 8% GDP từ mức cao nhất trong năm 2016 nhờ những nỗ lực củng cố tài khóa của Chính phủ.

Tương tự, thị trường vốn tại Việt Nam đã không đón được dòng vốn đầu tư nước ngoài lớn mặc dù đã phát triển tương đối mạnh trong những năm qua vì khuôn khổ pháp lý và thể chế vẫn còn nhiều hạn chế.

Nhờ kết quả ấn tượng đạt được trong xoá đói giảm nghèo trong hai thập kỷ qua, xã hội của Việt Nam tương đối ổn định trong những năm gần đây. Tuy nhiên, tình hình này không chắc chắn vì nền kinh tế Việt Nam vẫn có thể bị ảnh hưởng từ những cú sốc này (hoặc cú sốc khác) trong thời gian tới.

Tuy nhiên, World Bank cho rằng thị trường nội địa đang phát triển mạnh có thể là tin tốt cho Việt Nam. Thị trường này có thể bổ sung một phần hoặc thậm chí đối trọng với sự phụ thuộc voà xuất khẩu.

Bên cạnh đó, Trong tương lai, Việt Nam cũng sẽ cần lựa chọn hướng đi trong một bối cảnh đang thay đổi trên thị trường toàn cầu và trong nước, nơi mà sẽ phải quản lý được những áp lực ngày càng tăng đối với môi trường. Hiện các chi phí liên quan đến môi trường chưa được nhìn thấy rõ nhưng nếu không có sự quan tâm từ giờ, nguy cơ là tăng trưởng kinh tế hiện tại sẽ phải trả bằng chi phí của các thế hệ tương lai.

An Bình

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên