World Cup ở Sài Gòn dễ thương như cách chú Ba đem ti vi ra vỉa hè cho người lao động cùng xem
Tối nào cũng vậy, chú Ba đem chiếc ti vi của nhà mình ra ngoài vỉa hè để phục vụ cho các chú xích lô, bác xe ôm, anh xe ba gác... cùng xem World Cup, cùng bàn luận về các cầu thủ, và cùng tận hưởng cái không khí bóng đá rất "Sài Gòn".
- 29-06-2018Xác định xong 16 đội tuyển giành vé vào vòng 1/8 World Cup 2018
- 28-06-2018[How they do] Trong khi cỗ xe tăng Đức gục ngã thì gã hàng xóm Bỉ lại đang tỏa sáng tại World Cup và đây là bí quyết của họ
- 28-06-2018World Cup quá hấp dẫn! VTV 'tranh thủ' tăng giá quảng cáo trận chung kết thêm 60% lên 800 triệu đồng/30s
"Chuyền banh đi! Chuyền đi... trời đất thiên địa, ông nội đá dở... ẹc!" - chú Ba vỗ đùi cái bép, tiếc hùi hụi.
Ông Bảy xích lô ngồi trên chiếc xe cà tàn, hưởng ứng: "Đá như dzầy là cho dzề nước hết!"
Anh Hải xe ôm quay qua cười: "Cha Bảy nói như đúng rồi!".
Người lao động cùng xem World Cup tại góc đường trước nhà chú Ba.
Từ đầu mùa giải World Cup tới nay, đêm nào góc đường nhỏ xíu này cũng rôm rả tiếng bàn luận của những bình luận viên "hè phố". Họ - người thì chạy xích lô, người thì chạy xe ôm, người thì lượm ve chai móc bọc... ôi thôi là đủ thứ ngành nghề chân tay ở cái khu lao động nghèo này, mà nghèo thì nghèo chứ World Cup 4 năm mới có 1 lần, đâu có bỏ được, uổng lắm à!
World Cup - lễ hội bóng đá lớn nhất hành tinh mang lại không khí rộn ràng ở từng góc đường hè phố.
Thành ra, tối nào chú Ba cũng kéo chiếc ti vi của nhà mình ra trước vỉa hè rồi để sẵn chồng ghế nhựa cho mấy anh, mấy chú tiện ngồi coi World Cup. Ghế để sẵn vậy chứ ít khi mấy ông lấy ghế ra ngồi, thường thì họ ngồi luôn trên xe của mình hay ngồi đại chỗ nào trống trống, để lỡ có khách kêu thì chạy đi cho lẹ. Làm gì thì làm chứ vui chơi không quên nhiệm vụ kiếm cơm.
Ở Sài Gòn, để tìm một quán cà phê hay quán nhậu có màn ảnh rộng chiếu trực tiếp bóng đá thì không hiếm, nhưng để tìm một quán bình dân cho người lao động thu nhập thấp thì không nhiều. Thế nên cái góc đường nhỏ xíu trước nhà chú Ba trở thành địa điểm thân thuộc cho những người đam mê bóng đá mà túi tiền hơi eo hẹp.
Bởi họ chẳng cần tốn đồng nào cũng có thể theo dõi trận đấu một cách đầy đủ và sống động nhất, không những vậy còn có dịp chém gió về mấy chuyện trên trời dưới đất, giải toả những vất vả của công việc bộn bề.
Mọi người tranh thủ vừa ăn vừa xem rồi đi làm đêm.
Tôi hỏi chú Ba sao lại nghĩ ra việc đem ti vi ra ngoài vỉa hè chiếu đá banh cho bà con coi, chú cười nói: "Nhiều nhà khó khăn không có nổi chiếc ti vi, mình có thì mình san sẻ, cũng có tốn thêm gì đâu vì mình cũng coi mà!". Thật ra chú Ba có thêm mấy chai nước ngọt với mấy bịch yaourt để bán, nhưng đó chỉ là bán thêm cho những ai thích chứ chú không ép mọi người đến phải mua. Rõ ràng không gian ở đây là miễn phí.
"Bồ biết không, trước đây không có World Cup thì tui đem ti vi ra mở thời sự hay mấy chương trình ca nhạc cho bà con coi. Mọi người cũng thích lắm, hồi trước là đứng đông quá trời đông" - chú Ba vừa kể vừa bấm điện thoại để cập nhật tỉ số trận đấu thứ 2, vì khung giờ này có 2 trận đá song song.
Anh Hải tài xế taxi tủm tỉm cười: "Trời ơi, con trốn vợ ra đây coi đá banh, vợ con mà biết chắc nó chửi thấy bà lun chú!". Mấy ông cười khoái chí: "Đội vợ lên đầu, sống lâu trăm tuổi!".
Đâu đó trong những khoảnh khắc bình dị hiếm hoi ở cái góc đường nhỏ xíu này bỗng nhiên thấy thương Sài Gòn hết sức.
Chú Ba năm nay 63 tuổi, không gia đình không vướng bận nên cuộc sống cũng thoải mái như những gì mà chú đang làm.
Trời về khuya, chú Ba giảm âm lượng trên chiếc loa để không làm phiền tới những ai cần nghỉ ngơi. Chốc chốc lại có chú xích lô chạy qua hỏi tỉ số trận đấu rồi lại tiếp tục chạy đi tiếp tục cuộc mưu sinh của mình. World Cup ở Sài Gòn bình dân vậy đó.
Trí thức trẻ