Xã hội kiểu 'Squid Game' và 'Parasite' ở Hàn Quốc: Người trẻ đổ lỗi cho chính phủ, tự coi mình là 'thế hệ bỏ cuộc'
Gen Y và gen Z Hàn Quốc tự gọi mình là "thế hệ bỏ cuộc" và coi đất nước của họ là "địa ngục Joseon" – ám chỉ một triều đại đã trị vì trong nửa thiên niên kỷ.
"Thực tế rất tàn khốc"
Trong nhiều thập kỷ, với những cửa hàng cũ kỹ và nhiều món ăn đường phố hấp dẫn, Chợ Trung tâm Seoul là nơi có nhiều người đã về hưu tìm kiếm quán ăn, quần áo và đồ gia dụng giá rẻ. Còn hiện tại, họ đang phải cạnh tranh với nhóm người trẻ sành điệu mở các tiệm café, nhà hàng đắt tiền.
Những đầu bếp mới đến và "doanh nhân" trẻ mới lập nghiệp – một số từ bỏ ý định làm việc ở các tập đoàn lớn, đang đẩy giá thuê mặt bằng tăng cao và biến những khu chợ này trở thành địa điểm cạnh tranh gay gắt.
"Phe" cũ bất bình với "phe" mới, lập luận rằng mình thành công phần lớn nhờ vào sự chăm chỉ và nhiều năm tiết kiệm, theo đó đã thúc đẩy nền kinh tế sau Chiến tranh Triều Tiên. Trong khi đó, nhóm người trẻ lại cho rằng những thay đổi này là do bộ máy lãnh đạo, khiến họ không có cơ hội để làm giàu và đang sống trong một xã hội như những bộ phim nổi tiếng "Squid Game" hay "Parasite".
Lee Young-jae (78 tuổi) đã vận hành một cửa hàng bán thiết bị nhà bếp cũ từ đầu những năm 1980. Ông cho biết: "Tôi ngày càng lo lắng về tương lai của Hàn Quốc. Họ phàn nàn rằng xã hội đầy bất công nhưng hãy quen với điều đó. Người trẻ chỉ đổ lỗi cho hệ thống mà không trân trọng những gì họ đang có."
Cách đó chưa đến 1km, nhân viên ngành truyền thông 33 tuổi – Choe Eun-byeol, chia sẻ quan điểm hoàn toàn khác với ông Lee. Cô nói: "Điều đó hoàn toàn vô nghĩa. Ở thời của ông ấy, người ta có thể mua được nhà, có được công việc ở công ty danh giá nếu học tập và làm việc chăm chỉ. Còn bây giờ, những điều đó chỉ là dĩ vãng."
Giá nhà ở khu Sindang gần chợ trung tâm Seoul tăng gấp đôi trong 5 năm qua.
Choe thuộc thế hệ MZ của Hàn Quốc – thế hệ millennial khoảng 30 tuổi và thế hệ Z khoảng 20 tuổi. Họ cho rằng, sự bất bình đẳng về kinh tế và xã hội ngày càng gay gắt. Một số người MZ tự gọi mình là "thế hệ bỏ cuộc" và coi đất nước của họ là "địa ngục Joseon" – ám chỉ một triều đại đã trị vì bán đảo trong nửa thiên niên kỷ.
Dù đây cũng là tình trạng chung của cả thế giới khi các chính sách tiền tệ được nới lỏng và cơn sốt bất động sản diễn ra đẩy giá nhà lên cao, thì sự bất mãn ở Hàn Quốc lại đặc biệt căng thẳng. Theo khảo sát của Pew Research mới công bố, khoảng 90% người trưởng thành Hàn Quốc cho biết những người ủng hộ các đảng khác nhau đều có sự xung đột gay gắt. Con số này cao nhất trong số 17 nền kinh tế phát triển tham gia khảo sát.
Tuy nhiên, quan điểm trung thành có thể sẽ suy giảm trước bối cảnh cuộc bầu cử tháng 3 sắp diễn ra để tìm người kế vị Tổng thống Moon Jae-in. Hàn Quốc có tỷ lệ hộ nghèo là 16,7%, đứng thứ 4 trong số 38 trong OECD. Ngoài ra, chênh lệch tiền lương giữa nam và nữ ở quốc gia này cũng cao, ở mức 32,5%.
Giá nhà ở Seoul – nơi có 1 nửa trong số 52 triệu dân sinh sống, đã tăng gấp đôi trong 5 năm qua, được thúc đẩy một phần bởi mức lương tăng 20%. Dù tỷ lệ thất nghiệp là khoảng 4%, nhưng con số này lại cao hơn gấp đôi đối với nhóm lao động dưới 30 tuổi.
Choe cho hay: "Thực tế ngày nay rất tàn khốc. Dù bạn làm việc chăm chỉ đến đâu cũng không đủ tiền mua một căn nhà ở Seoul. Hơn nữa, việc tìm một công việc tử tế cũng không hề dễ dàng, ngay cả khi bạn tốt nghiệp một trường đại học top đầu."
Tình trạng căng thẳng như trên đã được phản ánh trong các bộ phim như "Parasite", kể về một gia đình nghèo lên kế hoạch làm việc cho một gia đình giàu có bằng cách khoe bằng cấp giả. Một bộ phim khác cũng nói về vấn đề tương tự là "Squid Game", nói về hơn 400 người nợ đầm đìa tham gia 1 trò chơi sinh tồn, "mua vui" cho giới siêu giàu để giành số tiền khổng lồ.
Giới trẻ đi tìm sự công bằng hay chỉ là dễ bỏ cuộc?
Một số cử tri trẻ tuổi – nhóm đã nhiệt tình ủng hộ ông Moon Jae-in trước bê bối tham nhũng của bà Park Geun-hye. Ông Moon được coi là một nhân vật tinh hoa của thế hệ "586er" – những người học đại học vào những năm 1980 và ở độ tuổi 50 khi thuật ngữ này ra đời. Họ là một thế hệ đặc biệt, thực hiện các cuộc bầu cử dân chủ và tạo sự ảnh hưởng đến xã hội Hàn Quốc.
Từng là nhà hoạt động nhân quyền, ông Moon trước đây cũng cam kết sẽ giải quyết những thỏa thuận giữa chính phủ và các tập đoàn "chaebol". Thay vào đó, những cuộc cải cách doanh nghiệp của ông Moon lại rơi vào trạng thái đình trệ và chính quyền của ông cũng gặp nhiều khó khăn trước những vụ bê bối lạm dụng quyền lực, ví dụ như bộ trưởng tư pháp đưa con vào các trường đại học danh tiếng nhờ chức danh của mình.
Những vấn đề trên đã làm giảm niềm tin của các cử tri trẻ đối với đảng Dân chủ Đồng hành của ông Moon. Trong khi đó, theo một cuộc khảo sát của Realmeter, người trẻ Hàn Quốc ở độ tuổi 20-30 bày tỏ sự ủng hộ với đảng Quyền lực Nhân dân (PPP) .
PPP đã lựa chọn một ứng viên 36 tuổi, tốt nghiệp Đại học Harvard với ít kinh nghiệm chính trường làm lãnh đạo. Đó là Lee Jun-seok, ông chưa từng làm việc trong Quốc hội và được coi là một nhân tố hấp dẫn đối với thế hệ MZ Hàn Quốc.
Trong khi đó, Lee Do-yeah – nhân viên phúc lợi xã hội 58 tuổi, cho biết bà không có nhiều thiện cảm với thế hệ MZ. Bà nói: "Thế hệ trẻ ngày nay đang quá coi trọng chủ nghĩa cá nhân. Họ đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích cộng đồng và dễ dàng nản lòng rồi bỏ việc khi cho rằng lợi ích của mình bị xâm phạm."
Nhiều người thuộc thế hệ MZ Hàn Quốc đang lựa chọn không kết hôn, sinh con và mua nhà. Những người giống như Choe ở Chợ Trung tâm Seoul lập luận rằng việc tập trung chăm sóc bản thân là điều hợp lý hơn.
Choe chia sẻ: "Tôi có sự hoài nghi về vị tổng thống kế vị của Hàn Quốc dù đó là ai hay ông ấy đại diện cho đảng nào. Liệu họ có thể giải quyết vấn đề hiện nay hay không. Nhưng tôi mong ông ấy có thể sẽ cảm thông hơn và nỗ lực tạo sự công bằng hơn một chút cho xã hội này. Tôi sẽ bỏ phiếu cho người sẵn sàng đấu tranh vì điều đó."
Tham khảo Bloomberg