Xã hội phi tiền mặt: Khoảng cách giữa kỳ vọng và thực tế
Cần nhiều nỗ lực trong hoạch định chiến lược và triển khai thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt.
Còn nhiều vướng mắc
Nhiều bằng chứng cho thấy việc áp dụng công nghệ thanh toán hiện đại làm tăng nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế tại các nước đang phát triển. Như Ấn Độ tiết kiệm 2 tỷ USD mỗi năm từ các khoản thất thoát trước đó; Tazania tiết kiệm 175 triệu USD tiền thuế mỗi năm, đóng góp thêm 1,8 tỷ USD vào GDP... Với Việt Nam, điều này cũng là kỳ vọng và mục tiêu được hướng tới. Song do thói quen, tiền mặt hiện được người Việt sử dụng chiếm tới 65% tổng phương tiện thanh toán.
Ông Phan Thanh Sơn, Phó tổng giám đốc Techcombank cho rằng, NH là kênh trung gian giúp Nhà nước quản lý, ban hành và thực hiện chính sách kinh tế vĩ mô, đảm bảo tính trọn vẹn và ổn định của nền kinh tế. Ở bất cứ quốc gia nào, NH luôn giữ vai trò trung tâm trong việc kết nối các thành phần kinh tế, cung cấp các dịch vụ, giải pháp tài chính (tiền gửi, cho vay, thanh toán...) đến từng cá nhân, DN.
Xã hội phi tiền mặt là mô hình nhiều quốc gia đang hướng tới
Những năm gần đây, rất nhiều chính sách, văn bản pháp luật được ban hành không nằm ngoài mục tiêu đẩy mạnh khả năng thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) trong dân cư. Nhưng trên thực tế, kết quả đạt được so với kỳ vọng đề ra còn khá khiêm tốn. Nguyên nhân thì có nhiều, cả chủ quan lẫn khách quan. Song có một điểm phải thừa nhận, nền kinh tế Việt Nam vẫn chủ yếu được vận hành bằng tiền mặt. Nguyên nhân chính của việc này không chỉ do thói quen mà còn do thu nhập của người dân Việt Nam hiện vẫn rất thấp so với các nước trong khu vực.
Trong một công bố hồi tháng 4/2016, Standard&Poor’s (S&P) dự báo GDP bình quân đầu người Việt Nam ở mức 2.200 USD/năm (49 triệu đồng), tương ứng mỗi tháng lương trung bình của người Việt vượt 4 triệu đồng. Năm 2015, GDP bình quân đầu người ước đạt 45,7 triệu đồng, tương đương 2.109 USD, tăng 57 USD so với năm 2014.
Các cơ quan, DN hiện nay gần như đều chuyển sang trả lương qua tài khoản. Nhưng thực tế hễ có lương vào tài khoản là các công nhân đều đến ATM để rút ra tiêu bằng tiền mặt. Thu nhập thấp, lưu lượng sử dụng tiền mặt cao cũng là một nguyên nhân khiến nền kinh tế Việt Nam vẫn vận hành theo hướng của nền kinh tế tiền mặt.
Một chuyên gia kinh tế chia sẻ thêm, trong nền kinh tế của Việt Nam còn có những mảng tối như: buôn lậu, tham nhũng, phạm pháp... Giao dịch tiền mặt là thứ gần như không để lại dấu vết nào. Để khuyến khích chuyện đưa nền kinh tế Việt Nam trở thành nền kinh tế phi tiền mặt có nhiều việc phải làm. Trong đó, quan trọng là mức sống của người Việt Nam phải được nâng cao hơn.
Mặt khác, trao đổi tại một diễn đàn về thanh toán mới đây, ông Bùi Quang Tiên, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) cho rằng, thanh toán điện tử trong thương mại điện tử còn thấp. Bán hàng qua mạng nhưng khi thanh toán vẫn chủ yếu bằng tiền mặt. Các NHTM tuy đã cố gắng tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, đa dạng hoá dịch vụ, mở rộng mạng lưới khách hàng...
Nhưng nhìn chung hạ tầng phục vụ thanh toán của các NHTM phát triển và phân bố chưa đều. Vẫn tập trung chủ yếu ở khu vực thành thị, chưa phát triển rộng ở địa bàn nông thôn, vì đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn. Thêm nữa, giá trị giao dịch thanh toán thẻ qua POS chưa nhiều, nhất là thanh toán thẻ nội địa qua POS. Vẫn còn tình trạng một số đơn vị bán hàng thu phụ phí khi khách hàng thanh toán bằng thẻ. Hay việc một số đơn vị bán hàng chưa mặn mà với việc thanh toán bằng thẻ do không muốn minh bạch doanh thu bán hàng... nên chưa góp phần được nhiều trong việc giảm thanh toán bằng tiền mặt.
Có cơ sở để hiện thực hoá?
Để hạn chế và tiến đến xoá bỏ đi thói quen thanh toán bằng tiền mặt của người dân, Chính phủ đã rất nỗ lực bằng nhiều giải pháp. Ngày 5/9/2016, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1726/QĐ-TTg phê duyệt Đề án nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ NH để góp phần nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ NH cơ bản phù hợp với nhu cầu, có chất lượng, có mức chi phí hợp lý đối với đại bộ phận dân cư ở độ tuổi trưởng thành và DN.
Hiện NHNN, cụ thể là Vụ Thanh toán đang khẩn trương hoàn thiện Đề án đẩy mạnh TTKDTM giai đoạn 2016 - 2020, trên cơ sở ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành liên quan. Đề án tập trung hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và hạ tầng thanh toán; đặc biệt phát triển thanh toán thẻ, chú trọng các giải pháp nhằm phát triển thanh toán điện tử đối với giao dịch bán lẻ.
Đại diện Vụ Thanh toán cho biết: Bên cạnh việc sớm trình Chính phủ ban hành Đề án TTKDTM giai đoạn 2016 - 2020, NHNN sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo các NHTM phát triển thanh toán thẻ qua POS. Mục tiêu để nâng cao số lượng, giá trị giao dịch thanh toán qua POS, thực sự góp phần vào thúc đẩy TTKDTM. Hiện nhận thức chung của xã hội về thanh toán thẻ qua POS, nhất là ở các tỉnh, thành phố lớn, một số tỉnh có lợi thế về du lịch đã có chuyển biến rõ nét và tích cực. Số lượng, giá trị thanh toán qua POS tăng nhanh, hiệu quả và chất lượng hơn.
Trong 9 tháng đầu năm 2016, cả nước đã có trên 250.000 POS được lắp đặt, số lượng giao dịch qua POS đạt gần 67 triệu giao dịch (tăng khoảng 71% so với cùng kỳ năm 2015) với giá trị giao dịch đạt gần 160 nghìn tỷ đồng (tăng 30% so với cùng kỳ năm 2015).
Lãnh đạo vụ chức năng cũng nhấn mạnh, việc NHNN sẽ quan tâm chỉ đạo phát triển thanh toán POS trên thiết bị di động (mPOS), ứng dụng công nghệ hiện đại với chi phí thấp, dễ sử dụng và đảm bảo an toàn bảo mật, mở ra khả năng mới để phát triển nhanh các điểm chấp nhận thẻ, tăng cường khả năng cung ứng dịch vụ cho khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa…
Kết quả thực hiện trên thực tế so với những kỳ vọng đặt ra chắc chắn sẽ có những độ vênh nhất định. Nhưng theo quan điểm của một tổng giám đốc NHTM, “TTKDTM giai đoạn 2016 - 2020 là một kỳ vọng lớn và dài hạn. Đặt ra một mục tiêu lớn, với nhiều thách thức, cũng là cách để toàn xã hội, trong đó có hệ thống NH thực sự phải nỗ lực, quyết tâm trong việc ban hành các chính sách cũng như trong thực hiện, triển khai công việc này”.
Theo Quyết định 1726/QĐ-TTg: Mục tiêu đến cuối năm 2020, tăng mạnh số người dân được tiếp cận các dịch vụ tài chính nói chung và dịch vụ thanh toán nói riêng tại Việt Nam. Nâng tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản tại NH lên mức ít nhất 70%; 30.000 máy ATM (khoảng 40 máy ATM/100.000 dân số trưởng thành); 300.000 thiết bị chấp nhận thẻ POS (khoảng 400 máy POS/100.000 dân số trưởng thành).
Thời báo Ngân hàng