MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xác định rõ trách nhiệm để ODA vượt trần 300.000 tỷ

Đoàn giám sát của Quốc hội đã đề nghị Chính phủ 4 nội dung liên quan đến việc để vượt trần 300.000 tỷ đồng tổng mức đầu tư từ nguồn ODA giai đoạn 2016 - 2020...

Chiều 9/8, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nghe báo cáo và thảo luận về kết quả giám sát việc thực hiện pháp luật về quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài giai đoạn 2011 - 2016.

Theo kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 tổng mức vốn đầu tư nguồn ngân sách tối đa là 2 triệu tỷ đồng, trong đó 300 nghìn tỷ vốn nước ngoài cấp phát từ ngân sách Trung ương.

Trước việc cung cấp số liệu không kịp thời và thiếu đầy đủ, tại kỳ họp cuối năm 2017, một số vị đại biểu đã đặt vấn đề và sau đó gửi chất vấn đến Thủ tướng là liệu có giữ được vay ODA giai đoạn 2016 - 2020 trong mức 300 ngàn tỷ đã được Quốc hội quyết định không, có giữ được trần nợ công không?

Tại một cuộc họp báo cuối năm 2017 khi nhận câu hỏi về tổng số vốn vay ODA ký kết hiện tại đã lên tới con số 600 nghìn tỷ đồng, vượt gấp đôi định mức Quốc hội cho phép (300.000 tỷ đồng), một vị quan chức của Bộ Tài chính cho biết Chính phủ đang giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư để giải trình với Quốc hội về việc nợ vay ODA lên tới 600 nghìn tỷ đồng.

Ở báo cáo gửi Quốc hội vào tháng 5/2018, Kiểm toán Nhà nước dẫn con số của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: nhu cầu vốn ngoài nước cần bổ sung thêm là 109.630 tỷ đồng, trong đó khoản phát sinh nhưng chưa có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn khoảng 72.680 tỷ đồng.

Thông tin từ Kiểm toán Nhà nước cho thấy các khoản giải ngân đã cao hơn dự toán trung hạn 36.950 tỉ đồng, dẫn đến vi phạm hạn mức vốn 300.000 tỷ đồng (bao gồm 10% dự phòng) đã được Quốc hội thông qua giai đoạn 2016-2020.

Theo Kiểm toán Nhà nước, khả năng giải ngân của các dự án sử dụng vốn ngoài nước đã được giao kế hoạch trung hạn (không bao gồm khoản bổ sung để quyết toán cho các dự án sử dụng vốn ngoài nước từ năm 2016 trở về trước) có thể đạt 306.950 tỉ đồng, vượt 36.950 tỉ đồng so với hạn mức đã giao 270.000 tỉ đồng (đã trừ 10% dự phòng), vượt 6.950 tỷ đồng so với hạn mức vốn trung hạn Quốc hội đã thông qua 300.000 tỷ đồng.

Trở lại báo cáo của đoàn giám sát, đề nghị thứ nhất được đưa ra với Chính phủ là Chính phủ cần chỉ đạo sơ kết, đánh giá toàn diện, khách quan 3 năm thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kkế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020, kế hoạch tài chính 5 năm, trong đó đánh giá  đầy đủ, chính xác về việc huy động, ký kết, giải ngân vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài, số vốn chưa đưa vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và đề xuất giải pháp tổng thể cân đối, điều hòa nguồn lực tài chính đã được Quốc hội quyết định trong những năm còn lại của kế hoạch 5 năm (năm 2019-2020) nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn, giữ vững kỷ luật tài chính báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2018).

Thứ hai, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan hữu quan khẩn trương đánh giá tình hình thực hiện giải ngân và hiệu quả của 1.155 dự án sử dụng vốn vay ODA theo điều 78, 80, 81 Luật Đầu tư công đối với những dự án chưa triển khai khi chưa xác định rõ hiệu quả thì có thể tạm dừng.

Những dự án đã triển khai, cần đánh giá nửa giai đoạn thực hiện, nhận diện những vướng mắc, bất cập để kịp thời khắc phục. Rà soát, đánh giá lại các dự án đang triển khai thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia, xác định lại tổng mức đầu tư trình cấp có thẩm quyền quyết định, thúc đẩy triển khai thực hiện dự án, hạn chế tối đa thiệt hại do kéo dài thời gian thực hiện dự án.

Những dự án đã kết thúc, cần đánh giá toàn diện hiệu quả thực tế của dự án. Từ đó khẩn trương triển khai các thủ tục điều chuyển vốn nước ngoài cấp phát từ ngân sách Trung ương từ dự án giải ngân thấp sang dự án có khả năng giải ngân cao hơn theo quy định hiện hành đồng thời xây dựng định hướng huy động, đổi mới nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài trong thời gian tới.

Thứ ba, đề nghị xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, đặc biệt trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu các cơ quan tổ chức khi để xảy ra các sai phạm và xử lý theo quy định.

Nghiêm túc nhìn nhận những tồn tại, hạn chế và kiên quyết xử lý các sai phạm, khắc phục triệt để những tồn tại, hạn chế trong các khâu huy động, đàm phán, ký kết, quản lý, sử dụng, giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi.

Thứ tư, bổ sung cho những dự án đã có trong kế hoạch đầu công trung hạn đang thực hiện có nhu cầu vốn để tiếp tục giải ngân vượt dự toán đã được giao. Bổ sung các dự án dự kiến sẽ hoàn tất thủ tục và ký hiệp định vay vốn thời gian tới vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Theo Nguyên Vũ

Vneconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên