MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xăng, dầu liên tục tăng giá: Kinh doanh vận tải bên 'miệng vực'

Doanh nghiệp vận tải vừa đối mặt với việc không có khách, nay giá xăng, dầu lại tăng lần thứ 8 trong năm khiến đối mặt với nguy cơ phá sản, vỡ nợ…

Giá xăng dầu “dọa” sẽ tăng tiếp

Ngày 21/4, liên Bộ Công Thương - Tài chính điều chỉnh tăng giá xăng. Theo đó, xăng RON 95 tăng lên gần 28 nghìn đồng/lít; dầu diesel tăng lên mức giá 25.359 đồng/lít, dầu hỏa tăng với giá bán lẻ 23.828 đồng/lít...

Trao đổi với Tiền Phong, PGS TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, nguồn cung trên thế giới còn bất ổn khi Mỹ và châu Âu đang cố loại xăng dầu Nga ra khỏi thị trường. Đặc biệt, tình hình chiến sự tại Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, nên dự báo giá xăng dầu trong thời gian tới vẫn tiếp tục khó lường, ảnh hưởng đến giá cả thị trường trong nước.

Theo ông Long, dù thuế môi trường đã được giảm 2.000 đồng/lít và giá xăng dầu thế giới so với thời điểm 1-2 tháng trước đã hạ nhiệt hơn nhiều nhưng do cơ quan điều hành đang tăng trích lập dự phòng nên giá xăng dầu trong nước sẽ còn tiếp tục neo ở mức cao.

Nặng gánh chi phí, doanh nghiệp bỏ nghề vận tải

Ông Phạm Văn Thiện, Chủ tịch HĐQT Cty Cổ phần vận tải Thái Nguyên cho biết: “Xăng dầu chiếm đến gần 50% giá thành của vận tải. Với mức độ tăng liên tiếp như thế này, doanh nghiệp rất khó tồn tại. Hiện tại bến xe Thái Nguyên chỉ còn hơn 200 đầu xe chạy trong khi trước đây gần 400 xe. Có đến 30% nhà xe bỏ hẳn không chạy. Khách ít, những nhà xe còn lại chỉ duy trì chạy 50% số xe”.

Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Cty Vận tải Minh Hùng chia sẻ, với doanh nghiệp có khoảng 40 xe container chuyên chạy các tuyến đường dài, chỉ cần xăng dầu tăng giá vài trăm đồng sẽ chịu ảnh hưởng rất lớn tới giá đơn hàng trong khi các doanh nghiệp không thể tăng ngay giá cước vì phải đàm phán với chủ hàng.

Theo ông Thiện, suốt đợt tăng giá xăng dầu từ cuối năm 2021 đến nay, nhiều nhà xe không dám tăng giá vì không có khách. “Oái oăm hơn dù không có khách nhưng nhà xe tuyến cố định vẫn phải chạy theo quy định. Nhiều chuyến xe, khách chỉ có 1 người”, ông Thiện nói.

Nhiều nhà xe cho biết đang trong cảnh “tiến thoái lưỡng nan”, chạy cũng lỗ mà không chạy cũng gay go. Bởi tiền mua xe đều vay ngân hàng, không chạy xe, sẽ thiếu tiền trả nợ gốc và lãi.

Không chỉ xe khách, các doanh nghiệp vận tải hàng hóa cũng rơi vào thế rất khó khăn. Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Thạc, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Nam Định cho biết, hiện tại, các doanh nghiệp vận tải hành khách không tìm được khách hàng, trong khi lại phải đối mặt với xăng tăng giá. Một số doanh nghiệp vận tải hàng hóa vừa xin áp mức giá cước mới, xăng lại tăng giá khiến các đơn hàng đã ký trước đó có nguy cơ sạt nghiệp. “Nếu doanh nghiệp chạy theo giá cũ cầm chắc lỗ. Còn không chạy, xe để đó nhưng lại phải đối mặt với việc không biết xoay đâu để trả lãi ngân hàng. Chọn kiểu gì cũng chết”, ông Thạc nói.

Ông Thạc cho biết thêm, sau COVID-19, vận tải khách tuyến cố định, xe buýt, taxi đều phải cắt giảm tần suất; giảm số lượng xe xuất bến/tuyến với khoảng 60% số lượng phương tiện không được hoạt động. Cá biệt các đơn vị hoạt động vận tải hành khách bằng taxi hoạt động với 12-15% số lượng xe của đơn vị.

Ông Thạc tính toán, giờ doanh nghiệp vận tải còn chịu thêm áp lực khi mọi chi phí đều tăng, sắp tới phải tăng lương tối thiểu cho lái xe cũng sẽ là một cú bồi kiến nhiều doanh nghiệp không cầm cự, càng lún sâu hơn vào nguy cơ phá sản.

Theo Ngọc Mai-Dương Hưng

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên