Xây dựng đảo thành điểm du lịch sinh thái biển đảo tầm cỡ quốc tế
Quy hoạch chung xây dựng Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2045 đang được nghiên cứu điều chỉnh để đáp ứng yêu cầu trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của vùng, tạo cơ sở triển khai các dự án đầu tư và quản lý xây dựng theo quy hoạch.
Mới đây Bộ xây dựng vừa tổ chức hội nghị thẩm định đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2045. Tham dự hội nghị có đại diện Văn phòng Chính phủ, các bộ, hội, hiệp hội chuyên ngành; lãnh đạo UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Tại hội nghị, đơn vị tư vấn (Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia - VIUP) đã báo cáo tóm tắt đồ án "Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2045".
Theo báo cáo, phạm vi quy hoạch là toàn bộ ranh giới hành chính huyện Côn Đảo, tổng diện tích đất nổi khoảng 7.578,87ha và phần khai thác không gian biển khoảng 140ha. Thời hạn quy hoạch ngắn hạn đến năm 2030, dài hạn đến năm 2045.
Mục tiêu điều chỉnh quy hoạch Côn Đảo nhằm xây dựng đảo thành điểm du lịch sinh thái biển đảo và văn hóa-lịch sử-tâm linh chất lượng cao, tầm cỡ khu vực và quốc tế. Đồng thời, quy hoạch còn đáp ứng các yêu cầu mới trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội vùng TP.Hồ Chí Minh và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, đáp ứng nhu cầu về phát triển dân cư, du lịch, bảo tồn di tích, văn hóa, bảo vệ tài nguyên và an ninh quốc phòng. Phát triển Côn Đảo trở thành khu du lịch có thương hiệu, sức cạnh tranh cao kết hợp với các khu đô thị xanh, thông minh, làm cơ sở triển khai các dự án đầu tư và quản lý xây dựng theo quy hoạch.
Đồ án dự báo dân số Côn Đảo đến năm 2030 đạt khoảng 31.000 người, trong đó dân số quy đổi khoảng 16.500 người, đến năm 2045 đạt khoảng 45.800 người, trong đó dân số quy đổi khoảng 20.400 người. Dự báo quy mô khách du lịch đến năm 2030 đạt khoảng 1,5 - 1,7 triệu khách/năm, đến năm 2045 đạt khoảng 2,0 - 2,3 triệu khách/năm.
Về định hướng không gian và thiết kế đô thị, khu vực sinh thái tự nhiên và Vườn Quốc gia Côn Đảo phải tuân thủ nghiêm túc các quy định bảo vệ rừng và giữ nguyên hệ sinh thái tự nhiên, đảm bảo không làm biến đổi địa hình và không gây thiệt hại môi trường. Đối với đảo nhỏ, sẽ kiểm soát chặt các hoạt động giao thông và du lịch biển, thiết kế các công trình dịch vụ du lịch với kiến trúc xanh, sử dụng vật liệu địa phương thân thiện môi trường.
Đối với vùng phát triển đô thị - du lịch tập trung bảo tồn khu trung tâm Côn Đảo theo Quy hoạch tổng thể, cải tạo kiến trúc hiện hữu và hạ tầng khu phố, không phát triển thêm các công trình cao tầng (tối đa 7 tầng nổi, 2 tầng hầm). Xây dựng biệt thự du lịch thấp tầng (1 - 5 tầng) ven biển Tây Nam, khu đô thị du lịch hiện đại và mở rộng mặt nước gắn với cảnh quan sinh thái và nông nghiệp.
Tại hội nghị, các chuyên gia thành viên Hội đồng nhận định hồ sơ Đồ án đã đảm bảo đầy đủ căn cứ pháp lý; thành phần hồ sơ, trình tự thủ tục thẩm định tuân theo đúng quy định; các định hướng quy hoạch được đề xuất trên cơ sở nghiên cứu, phân tích đầy đủ những yếu tố liên quan, tính khả thi cao. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng Đồ án, đơn vị tư vấn cần phối hợp chặt chẽ với UBND huyện Côn Đảo và các sở, ngành tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu rà soát cơ sở khoa học của dự báo dân số, tập trung xử lý rác thải và bổ sung giải pháp thu hồi rác. Cần củng cố quy hoạch sử dụng không gian ngầm, khai thác tiềm năng du lịch Hòn Cau, tránh khai thác nước ngầm quy mô lớn và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị quốc phòng an ninh.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn, đồ án cần nêu rõ những khó khăn, hạn chế trong định hướng phát triển Côn Đảo, đặc biệt là khó khăn về giao thông, điện, đất đai hạn chế… từ đó đề xuất những giải pháp phát triển hợp lý, khắc phục hiệu quả những khó khăn, bất lợi này. Phân tích, làm rõ hơn khả năng dung nạp của Côn Đảo, từ đó định hướng phát triển du lịch một cách phù hợp. Quan tâm công tác an ninh quốc phòng, bảo vệ môi trường; chú trọng bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa trên đảo; chú trọng khai thác, phát huy giá trị không gian mặt biển.
Cuối cùng, Thứ trưởng đề nghị đơn vị tư vấn và UBND huyện Côn Đảo nghiên cứu tiếp thu đầy đủ ý kiến góp ý của đại diện Văn phòng Chính phủ, các bộ, hội, hiệp hội chuyên ngành, tập trung hoàn thiện hồ sơ Đồ án, đặc biệt là Dự thảo Tờ trình và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, để UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trình Thủ tướng Chính phủ xem xét theo quy định.