Xây dựng đường sắt TP.HCM - Cần Thơ: Đã có nhà đầu tư quan tâm
Ông Nguyễn Thành Phong đã chia sẻ như trên khi đề cập đến dự án đường sắt TP.HCM – Cần Thơ trong buổi làm việc với Bộ Giao thông vận tải (Bộ GTVT) vào ngày 10/7.
- 11-07-2017Chủ tịch UBND TP HCM đề nghị triển khai nhanh đường sắt TP HCM - Cần Thơ
- 06-07-2017Cần 5 tỷ USD đầu tư xây dựng đường sắt nối TPHCM và Cần Thơ
- 02-07-2017Khởi động tuyến đường sắt 3,6 tỷ USD nối TP.HCM -Cần Thơ
Còn rất nhiều bước phải làm
Ông Nguyễn Thành Phong cho biết, trước những đòi hỏi thực tế vừa qua TP có tổ chức cuộc họp với lãnh đạo các tỉnh dự kiến có tuyến đường sắt đi qua.
Theo ông Phong, dù đây chỉ là những bước đầu tiên và còn rất nhiều việc phải làm, nhưng cách thông tin đã phần nào khiến dư luận hiểu chưa đúng.
“Tuyến đường này đã có thiết kế từ trước đây, vì TP không thể đứng một mình mà chỉ có thể phát triển trên cơ sở gắn với các tỉnh Miền Đông, Miền Tây Nam bộ, trước hết là về vấn đề giao thông. Do vậy TP đã chủ động mời các tỉnh tới để thảo luận. Thông tin ban đầu là có nhà đầu tư quan tâm, còn phương thức như thế nào sẽ bàn sau” – ông Chủ tịch cho hay.
“Việc này tôi cũng chưa báo cáo với Thường trực Thành ủy. Dự kiến sẽ còn phải qua nhiều bước, trong đó TP sẽ đăng ký làm việc với Bộ GTVT trước khi báo cáo Thủ tướng. TP cũng phải biết trên biết dưới chứ đâu phải tự tiện như vậy” – ông Phong tiếp tục.
Nói về tầm quan trọng của dự án, ông Nguyễn Thành Phong khẳng định “TP rất cần”.
“Trước hết là để vận chuyển hàng hóa, thứ hai là để công nhân từ các tỉnh có thể đi làm tại TP.HCM vào buổi sáng và trở về nhà vào buổi chiều, từ đó giảm áp lực dân số, áp lực giao thông cho TP” – ông chia sẻ.
Trong khi đó, Phó chủ tịch UBND TP Lê Văn Khoa thông tin rằng qua cuộc họp với các tỉnh có “nổi lên câu chuyện điều chỉnh hướng tuyến”.
“Xem xét lại thì thấy cần phải điều chỉnh, do đó TP đề nghị Bộ giúp phê duyệt lại các tuyến. Dù đây là tuyến đường kết nối TP.HCM và các tỉnh nhưng vai trò của Bộ trong điều phối chung là không thể thiếu” – ông Khoa cho hay.
Đáp lại đề nghị này, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa đồng tình rằng “nếu có được tuyến đường sắt này thì quá tốt”, bởi TP có điều kiện khai thác nguồn tài nguyên từ các tỉnh lân cận mà không phải tăng dân số cơ học.
Cũng theo ông, dù đã được xem xét trước đó nhưng vào năm 2013 thì Bộ dừng. Tuy vậy về mặt quản lý nhà nước thì trách nhiệm thuộc Bộ, và với nhu cầu hiện nay thì cần nghiên cứu để thực hiện lại.
Ông cũng nói vui rằng: “Hôm trước đề là TP.HCM “khởi động dự án” khiến dư luận không hiểu thế nào cả”.
Hướng đi dự kiến của tuyến đường sắt.
Theo tính toán dự kiến, tuyến đường này sẽ bắt đầu từ ga Tân Kiên (huyện Bình Chánh, TP.HCM) và đi qua các tỉnh Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long và Cần Thơ (theo hướng đường cao tốc TP.HCM – Mỹ Thuận). Với chiều dài 134km, khổ đường 1.435mm, các đoàn tàu sẽ chạy vận tốc cao nhất lên đến 200km/h.
Dọc tuyến đường sẽ có 10 nhà ga, quanh những nhà ga này được quy hoạch các thành phố vệ tinh phát triển theo hướng công nghiệp sạch và nông nghiệp công nghệ cao. Tuyến đường dự kiến hoàn thành vào năm 2024 với tổng vốn đầu tư 3,6 tỷ USD.
Đã cắm mốc một phần tuyến đường sắt Trảng Bom – Hòa Hưng
Cũng tại buổi làm việc này, TP còn đề cập đến tuyến đường sắt nối Trảng Bom (Đồng Nai) với ga Hòa Hưng (quận 3, TP.HCM)
Theo TP, vào tháng 10/2016 Cục Đường sắt đã phê duyệt hồ sơ thiết kế cắm mốc của tuyến đường sắt này (đoạn qua địa phận quận Thủ Đức, TP.HCM), và hiện đã hoàn thành công tác cắm mốc ngoài thực địa và bàn giao mốc giới cho quận Thủ Đức.
Tuy nhiên do tuyến đường này còn đi qua nhiều quận, huyện khác của TP.HCM và Đồng Nai nên Sở GTVT TPHCM kiến nghị Bộ GTVT chỉ đạo Cục Đường sắt sớm triển khai các thủ tục cắm mốc giới ngoài thực địa đoạn tuyến còn lại trên địa bàn TPHCM, đồng thời bàn giao cho địa phương để thuận tiện trong công tác quản lý quỹ đất dành cho phát triển giao thông đường sắt.
Infonet