Xây dựng giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp FDI khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết: Các giải pháp của Việt Nam để thu hút đầu tư nước ngoài vẫn là dành các ưu đãi cho nhà đầu tư theo nguyên tắc phù hợp với chính sách thuế tối thiểu toàn cầu và các cam kết quốc tế khác mà Việt Nam tham gia.
- 06-05-2023Thu nhập của nhóm người giàu nhất ở TP.HCM và Hà Nội đã thay đổi ra sao trong 10 năm qua?
- 06-05-2023Tỉnh được Đài Loan (Trung Quốc) đầu tư nhiều nhất tại Việt Nam
Với mục tiêu phát triển kinh tế toàn cầu, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, đảm bảo tính công bằng của hệ thống thuế giữa các quốc gia và chống thất thu thuế, từ năm 2013, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã khởi xướng và được Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) thông qua Sáng kiến chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận với 2 nội dung: Phân chia quyền đánh thuế, thực hiện đánh giá về phân bổ lợi nhuận và các nguyên tắc phân bổ lợi nhuận. Đảm bảo tất cả các doanh nghiệp hoạt động quốc tế phải trả mức thuế tối thiểu.
Ngày 8/10/2021, Diễn đàn hợp tác toàn cầu về BEPS (IF) đã ban hành tuyên bố về “Khung giải pháp Hai trụ cột để giải quyết các thách thức phát sinh từ nền kinh tế kỹ thuật số”. Trong đó, Trụ cột I về phân bổ thuế đối với hoạt động kỹ thuật số và Trụ cột II quy định về Thuế suất tối thiểu toàn cầu.
Tính đến thời điểm hiện nay, 142 quốc gia thành viên đã đồng thuận việc triển khai Khung giải pháp Hai trụ cột, trong đó có Việt Nam - thành viên thứ 100 của BEPS từ năm 2017.
Thuế tối thiểu toàn cầu được xây dựng nhằm ngăn chặn “cuộc đua xuống đáy” về thuế suất ưu đãi giữa các quốc gia. Theo nguyên tắc áp dụng của thuế tối thiểu toàn cầu mà OECD/G20 công bố thì các nước thành viên, trong đó có Việt Nam không bắt buộc phải áp dụng các quy định của Thuế tối thiểu toàn cầu.
Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) nghiên cứu, xây dựng các giải pháp hỗ trợ tài chính, gồm cả trực tiếp và gián tiếp cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) bị ảnh hưởng sau khi Việt Nam giành quyền đánh thuế, thay đổi chính sách ưu đãi.
“Chúng tôi đang phối hợp với Bộ KH-ĐT cùng các bộ ngành liên quan để cụ thể hóa các chính sách này. Dự kiến có thể có một số chính sách hỗ trợ như tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng trong khu vực doanh nghiệp hoạt động, hỗ trợ đào tạo nhân lực, hỗ trợ nghiên cứu và phát triển trên lãnh thổ Việt Nam…”, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết đồng thời chia sẻ, các chính sách này sẽ phải phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam và cũng vừa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.
Dự kiến các chính sách này sẽ sớm được Bộ Tài chính, Bộ KH-ĐT cùng các bộ ngành liên quan báo cáo Chính phủ và các cơ quan thẩm quyền để Việt Nam chủ động trong chính sách, đảm bảo phù hợp điều kiện tài chính của Việt Nam, phù hợp quy tắc thuế mới và định hướng thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam.
Theo một số chuyên gia kinh tế, Việt Nam cần ban hành quy định thuế bổ sung thuế tối thiểu nội địa đạt chuẩn, như một cơ chế phản ứng nhanh để bảo vệ quyền đánh thuế thay vì nhường quyền đánh thuế cho các quốc gia khác.
TS Cấn Văn Lực - Viện Đào tạo và Nghiên cứu, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết: Về cơ hội, việc tham gia triển khai thuế tối thiểu toàn cầu góp phần tăng cường hội nhập quốc tế, cải cách hệ thống thuế theo hướng phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế. Việc tích cực tham gia, thực hiện các công cụ, khuôn khổ pháp lý của OECD sẽ góp phần cải thiện hình ảnh của Việt Nam trong mắt các đối tác, nhà đầu tư nước ngoài.
Điều này cũng sẽ góp phần hoàn thiện khung pháp lý về thuế của Việt Nam và thúc đẩy sửa đổi chính sách thu hút doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) theo hướng giảm ưu đãi về thuế và tăng cường cạnh tranh bằng môi trường đầu tư, kinh doanh, phát triển cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực... Bên cạnh đó, Thuế tối thiểu toàn cầu góp phần tăng nguồn thu từ thuế, hạn chế các hiện tượng trốn, tránh thuế, chuyển giá… của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam.
Để bù đắp một phần cho các đối tượng sẽ chịu tác động, TS Cấn Văn Lực cho biết: Việt Nam cần có chính sách, biện pháp ứng xử phù hợp đối với 2 nhóm nhà đầu tư: Đối với những nhà đầu tư FDI đang hoạt động tại Việt Nam (có thể có hỗ trợ về tiền thuê đất, cho phép tính một số khoản được khấu trừ thuế, đào tạo nguồn nhân lực, chi phí R&D, giải phóng mặt bằng, nhà ở công nhân...). Tuy nhiên, nên áp dụng mức độ khác nhau với nhóm nhà đầu tư, loại dự án khác nhau. Đối với những nhà đầu tư FDI sẽ vào Việt Nam từ đầu năm 2024 (có thể áp dụng một số chính sách hỗ trợ tương tự, thậm chí cao hơn đối với các lĩnh vực ưu tiên thu hút FDI).
Bên cạnh đó, Việt Nam cần sớm rà soát, cập nhật và thay đổi phù hợp qui định pháp luật liên quan (như Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật ngân sách Nhà nước, Luật đầu tư… ). Có thể xem xét một luật sửa nhiều luật. Đối với cơ chế, chính sách thu hút FDI theo hướng tập trung vào cải thiện mạnh mẽ, thực chất môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, nhất là các vấn đề về thể chế. Tuy nhiên, cần lưu ý chất lượng và thực thi thể chế, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, năng suất lao động, cải cách thủ tục hành chính, giảm mạnh chi phí không chính thức… thay vì áp dụng các ưu đãi về thuế như hiện nay.
Báo Tin tức