Xây dựng nhiều Disneyland, đầu tư sân golf, giao tư nhân làm bảo tàng... là cách hút khách cho du lịch Việt Nam
Các sản phẩm du lịch còn nghèo nàn là một trong những yếu tố khiến cho du lịch Việt Nam kém sức cạnh tranh.
Hạ tầng dịch vụ du lịch của Việt Nam đang đứng thứ 113/136, được xem là minh chứng cho thấy các sản phẩm của du lịch còn nghèo nàn. Trong khi đó, đây được xem là "mỏ vàng" buộc mỗi đầu khách phải chi tiêu nhiều hơn.
TS. Lương Hoài Nam, chuyên gia trong lĩnh vực hàng không, du lịch đã đưa ra một số góp ý, làm phong phú thêm các sản phẩm du lịch.
Theo ông Nam, trước mắt có thể nhìn thấy tiềm năng đầu tư công viên chủ đề dạng Disneyland, Universal Studios ở khu vực Hà Nội và khu vực TP Hồ Chí Minh phục vụ cho cả du lịch nội địa và du lịch quốc tế.
Việc thu hút đầu tư nước ngoài vào các dự án công viên như thế, ông Nam cho rằng không khó, chỉ cần nhà nước có chủ trương, quy hoạch đất đai, chính sách ưu đãi đầu tư và chọn nhà đầu tư thực sự biết nghề và có tiềm lực tài chính.
Phân tích của ông cho thấy một công viên chủ đề thành công có thể giúp "giữ chân" du khách quốc tế được 0,5-1,0 ngày, tăng chi tiêu của du khách tại địa phương thêm trên dưới 10% (chưa kể tiền khách sạn tăng thêm nhờ thời gian lưu trú lâu hơn).
Đối với hệ thống bảo tàng, vốn luôn trong tình trạng nhiều số lượng, nghèo chất lượng, ông Nam góp ý rằng cần có một cuộc rà soát, đánh giá thực trạng. Theo đó, giảm đi số lượng và tang chất lượng bằng cách mạnh dạn giao cho tư nhân làm.
Tương tự như công viên chủ đề, ông Nam cho rằng một bảo tàng hấp dẫn cũng có thể giúp "giữ chân" du khách được 0,5 ngày, tăng chi tiêu du lịch của du khách nội địa, quốc tế.
Việt Nam còn có lợi thế phát triển mảng du lịch chiến tranh, theo ông Nam do có rất nhiều địa danh chiến tranh (battle sites) nổi tiếng thế giới, với những trận đánh được nói đến trong các tài liệu nghiên cứu lịch sử, văn học, điện ảnh quốc tế.
Ông cho biết ở mảng du lịch này, ngành du lịch còn có nhiều khoảng trống để phát triển, bao gồm cả tăng chất lượng, tính chuyên nghiệp các dịch vụ du lịch tại các địa danh chiến tranh đang được khai thác du lịch và bổ sung thêm các địa danh khác.
Việt Nam cũng có thể đầu tư phát triển mạnh hơn ở mảng du lịch chơi golf (golf tourism). Thông qua đó, nhắm đến đối tượng du lịch nhà giàu, với mức chi tiêu trong các chuyến du lịch cao.
Lợi thế của Việt Nam trong phân khúc này là các sân golf ở Việt Nam hoạt động quanh năm, trong khi các nguồn khách phổ biến là ở Đông Bắc Á, châu Âu, Mỹ, Úc - những nơi các sân golf ngừng hoạt động vào mùa đông. Các sân golf ở Việt Nam cũng được đánh giá là đẹp và có tính chuyên nghiệp cao.
Vị chuyên gia này cũng nhận định Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển các loại hình du lịch hoạt động ngoài trời, kể cả ở các khu vực biển đảo và các khu vực rừng núi, nhưng còn thiếu kinh nghiệm xây dựng sản phẩm trong mảng này.
"Hiking & trekking" là một mảng hoạt động ngoài trời rất phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng còn đang rất ít ở Việt Nam. Bởi lẽ đất nước có gần 150 khu bảo tồn thuộc hệ thống rừng đặc dụng, là những địa điểm lý tưởng cho du lịch "hiking & trekking" cho du khách nội địa và quốc tế, nhưng đang có rất ít tuyến và tour du lịch thuộc dạng này.
Ở các khu du lịch biển, các loại hình du lịch thể thao (sport tourism) như một phần của du lịch hoạt động ngoài trời cũng còn đang rất nghèo nàn, cũng là một địa hạt có thể phát triển trong tương lai.
Bên cạnh đó, ông Hoài Nam cũng nhấn mạnh đến việc phải chú trọng du lịch mua sắm (shopping tourism). Đây vốn là điểm mạnh đối với Singapore, Hong Kong, Dubai. Cụ thể như với du lịch Singapore, đây là mảng trọng tâm, chiếm khoảng 25% tổng thu du lịch, cao hơn cả dịch vụ lưu trú (22%).
Tuy nhiên, ông cũng lưu ý đây là một mảng khó để Việt Nam thành công và cạnh tranh được với các "thiên đường mua sắm" trong khu vực. Ông cho rằng không loại bỏ nhu cầu nghiên cứu sâu hơn về mảng này, nhưng nên tập trung vào việc bán các hàng hóa là "đặc sản" của Việt Nam cho du khách nước ngoài mang về để dùng hoặc làm quà tặng. Theo đó, các hàng hóa bán cho du khách nước ngoài mang về nước cần được hưởng chính sách hoàn thuế VAT.