MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xây dựng thương hiệu phát triển bền vững: Giá thành không còn là yếu tố quyết định

05-04-2023 - 17:31 PM | Thị trường

Phát triển bền vững trong quá trình xây dựng thương hiệu không còn là câu chuyện mơ hồ xa xôi mà đã trở thành một xu thế tất yếu của thời đại. Vậy doanh nghiệp cần làm gì để có thể đi đúng hướng, tạo lợi thế cạnh tranh?

Trong tập 4 của chương trình đi cùng thương hiệu: Walk and Talk, hai thế hệ doanh nhân là Ông Phạm Phú Ngọc Trai - Sáng lập & Chủ Tịch GIBC, Chủ Tịch Liên minh tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) và Bà Huỳnh Thị Xuân Liên - Thành viên HĐQT PNJ - Phó chủ tịch Hawee đã có cuộc trò chuyện sôi nổi về việc hiểu đúng về phát triển bền vững để không rơi vào bẫy “tẩy xanh”.

Xây dựng thương hiệu phát triển bền vững: Giá thành không còn là yếu tố quyết định - Ảnh 1.

Hai thế hệ doanh nhân trong một khung hình, ông Phạm Phú Ngọc Trai và bà Huỳnh Thị Xuân Liên

Phát triển bền vững: “Chìa khóa vàng” doanh nghiệp cần nắm bắt

Bàn về phát triển bền vững, bà Huỳnh Thị Xuân Liên thừa nhận những doanh nghiệp tại Việt Nam dù lớn hay nhỏ đều nằm trong một chuỗi giá trị toàn cầu, việc phát triển bền vững là câu chuyện đang hiện hữu, là sẽ điều tất yếu phải có trong mọi chiến lược kinh doanh.

Đánh giá về quan điểm này, ông Phạm Phú Ngọc Trai cho rằng phát triển bền vững không còn là câu chuyện ở xa xôi nữa mà là vấn đề mà các doanh nghiệp hiện nay cần đặc biệt chú trọng. Cụ thể, những đạo luật tại Pháp gần đây đã yêu cầu cao hơn về tính minh bạch cùng những yêu cầu khắt khe trong ngành thời trang. Còn tại Mỹ, một số bang gần đây cũng đã cấm một số chất hóa học sử dụng trong áo khoác chống thấm nước.

Đáng chú ý hơn nữa, Bangladesh đã soán ngôi vị trí thứ 2 của ngành may mặc nước ta và đơn hàng may mặc của nước ta cũng đang ngày càng bị mất giá. Giờ đây giá thành không còn là tiêu chí quan trọng duy nhất nữa mà các quốc gia đang chú trọng đến yếu tố môi trường và kinh doanh bền vững.

Một ví dụ minh chứng cho việc thương hiệu theo đuổi con đường phát triển bền vững là một vài thương hiệu thời trang của Việt Nam đã đi theo con đường sản xuất thời trang xanh, bắt kịp với xu thế của thế giới. Một trong số đó là Công ty Thời trang bền vững Fastlink.

Với chặng đường 15 năm, khi công ty chọn giải pháp cho ngành thời trang đã thấy rằng có rất nhiều nguyên liệu để có thể giải quyết vấn đề “xanh” trong các sản phẩm. Đến nay công ty là người tiên phong khi cho ra mắt sản phẩm sơ mi từ cà phê. Đây là tín hiệu rất đáng mừng cho các thương hiệu Việt nói chung và các công ty thời trang nói riêng.

Xây dựng thương hiệu phát triển bền vững: Giá thành không còn là yếu tố quyết định - Ảnh 2.

2 vị khách mời của "Walk and Talk" đã đến thăm xưởng thời trang bền vững Fastlink

Vậy trong bối cảnh dòng chảy thương mại toàn cầu đang ngày càng thay đổi, thị trường nội địa của chúng ta đang ra sao? Bàn luận về thị trường trong nước, 2 vị doanh nhân đều đồng ý rằng thị trường trong nước đã thay đổi rất nhiều. Ông Trai cho rằng đó không chỉ là câu chuyện trong quá trình hội nhập, vươn cao và bay xa của doanh nghiệp mà nó còn là yếu tố quan trọng đối với thị trường trong nước.

Kết quả điều tra của Công ty Nielsen Việt Nam công bố tại Hội thảo “Chiến lược thương hiệu gắn với phát triển xanh” cho thấy, người tiêu dùng Việt Nam đang ngày càng quan tâm hơn đến vấn đề “xanh” và “sạch. Có tới 80% người tiêu dùng lo ngại tác hại lâu dài của các nguyên liệu nhân tạo và 79% sẵn sàng trả thêm tiền để mua các sản phẩm không chứa các nguyên liệu mà họ không mong muốn. Như vậy phát triển bền vững cần được gắn liền với sự phát triển của doanh nghiệp để có thể bám sát được thị trường, nắm bắt thị hiếu khách hàng.

Đã có những hoạt động của các doanh nghiệp như trồng cây gây rừng, giảm thiểu rác thải nhựa,…Đánh giá  về vấn đề này, ông Trai cho rằng những hoạt động này là cần thiết, nhưng mới chỉ là một phần trong câu chuyện phát triển bền vững.

“Phát triển bền vững cần đưa vào các lợi ích về kinh tế, xã hội và môi trường. Các lợi ích này được cân bằng bởi quá trình phát triển kinh doanh đưa vào tầm nhìn, mục tiêu và chiến lược kinh doanh từng doanh nghiệp. Kinh tế  là một phần không thể thiếu trong chiến lược phát triển bền vững của doanh nghiệp, khi kinh doanh mà không có lãi và liên tục thua lỗ thì cũng không được xem là bền vững”, ông Trai khẳng định.

Xây dựng thương hiệu phát triển bền vững: Giá thành không còn là yếu tố quyết định - Ảnh 3.

Bà Huỳnh Thị Xuân Liên: Một doanh nghiệp bền vững phải gắn liền với 3 trụ cột kinh tế, xã hội, môi trường

Đồng ý với quan điểm trên, bà Liên cho rằng khi nhắc đến doanh nghiệp, yếu tố đầu tiên để người khác chú ý đến là doanh nghiệp đó làm ăn ra sao, thành công như thế nào, đó là về mặt kinh tế. Ngoài ra để kinh doanh có hiệu quả đòi hỏi việc quản trị doanh nghiệp tốt, vận hành trơn tru. Một yếu tố khác là yếu tố môi trường thể hiện ở việc các sản phẩm của doanh nghiệp có phải sản phẩm thân thiện với môi trường hay không, thể hiện tính bền vững của sản phẩm cũng như doanh nghiệp và 3 yếu tố này đều hết sức quan trọng, luôn luôn gắn liền với nhau.

Hiểu đúng để đi đúng

Trong cuộc trò chuyện, tầm quan trọng của phát triển bền vững đã được 2 doanh nhân liên tục nhấn mạnh. Theo bà Liên, mặc dù nhận thức được tầm quan trọng tuy nhiên nhiều doanh nghiệp vẫn còn đang mắc kẹt giữa ngã ba đường rằng đây là xu hướng, xu thế hay phong trào. Cũng có ý kiến cho rằng đây là trend, mà trend thì sẽ rơi vào kết cục “sớm nở tối tàn”.

Giải đáp thắc mắc trên của bà Liên cũng như nhiều doanh nghiệp khác, ông Trai cho rằng đây là một xu thế tất yếu của thời đại. Trên thế giới, cộng đồng doanh nghiệp đã bắt đầu nói về phát triển bền vững từ nhiều thập niên trước, tuy nhiên mỗi thời kỳ lại có những cách hiểu, cách làm khác nhau nhưng yếu tố cốt lõi vẫn không hề thay đổi. Phát triển bền vững là một yếu tố sống còn để nâng cao vị thế cạnh tranh của doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang trong quá trình hội nhập sâu rộng với thế giới.

Xây dựng thương hiệu phát triển bền vững: Giá thành không còn là yếu tố quyết định - Ảnh 4.

Ông Phạm Phú Ngọc Trai cho rằng phát triển bền vững là một yếu tố sồng còn để nâng cao vị thế cạnh tranh của doanh nghiệp

Cũng theo ông Trai, trong bối cảnh thương mại đang ngày càng thay đổi bản chất với sự thay đổi trong thị hiếu người dùng, trong định hướng phát triển của các tập đoàn đa quốc gia thì chúng ta cần chuyển đổi để xanh hóa các doanh nghiệp Việt Nam, nâng cao vị thế cạnh tranh với vai trò là một mắt xích nằm trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Khi doanh nghiệp theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững, đó sẽ là một lợi thế cạnh tranh. Doanh nghiệp cần tập trung làm rõ 2 yếu tố là chiến lược và mục tiêu của phát triển bền vững. Nếu hiểu phát triển bền vững chỉ đơn thuần là một công cụ, điều này sẽ gây ra sự nhầm lẫn nguy hiểm.

Nên hiểu rằng, phát triển bền vững là một phần không thể tách rời trong một chiến lược kinh doanh tổng thể của công ty. Các hoạt động trong quá trình thực hiện phát triển bền vững phải gắn liền với các yếu tố xây dựng thương hiệu, còn các chương trình để thực hiện đó mới là công cụ hướng tới mục tiêu. Các doanh nghiệp cần hiểu rõ bản chất của phát triển bền vững là mục tiêu, là chiến lược của họ và các chương trình, chiến lược marketing sẽ đóng vai trò như các công cụ để xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp.

"Đi cùng thương hiệu: Walk and Talk" là chuỗi talkshow đặc biệt, lên sóng trên các nền tảng số của báo Tuổi Trẻ (tuoitre.vn). Đây là chương trình do báo Tuổi Trẻ cùng Viện ISB (Đại học Kinh tế TP.HCM) xây dựng, với sứ mệnh truyền cảm hứng về xây dựng, phát triển thương hiệu bền vững.

Talkshow cũng là dịp mà lần đầu tiên các CEO, chuyên gia hàng đầu thảo luận và đưa ra những lời giải, hiến kế cho cộng đồng doanh nghiệp về kinh nghiệm nâng tầm thương hiệu.

Như Quỳnh

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên