Xe "chết đuối" trong hầm ngập nước, ai chịu?
Hàng trăm xe máy sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM chìm trong nước tại tầng hầm ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM. Hơn 1.000 chiếc xe máy tại hầm xe đường Nguyễn Siêu “sống chung với nước”. Xe của khách hư, ai đền?
- 27-09-2016Mưa lớn liên tục, sấm nổ vang trời, người Sài Gòn không dám ra đường
- 27-09-2016Hơn 1.000 xe máy "chết chìm" trong trận ngập nặng nhất từ đầu năm
- 26-09-2016Mưa lớn, tòa nhà Bitexco cũng bị dột
- 26-09-2016TP.HCM mưa tầm tã, nhiều đoạn đường đang ngập nặng
Hầm xe nơi hơn 1.000 xe máy bị ngập
Cơn mưa lớn lịch sử chiều tối 26-9 làm người dân thành phố TP.HCM chật vật đủ bề, hàng ngàn người phơi mình giữa dòng nước mấy tiếng đồng hồ để về nhà giữa “trận đồ” kẹt xe, nhiều người khổ sở vì xe chết máy phải dắt bộ, có gia đình đồ đạc bị hư hỏng do nước tràn vào nhà…
Tại nhiều hầm xe, bãi xe, nước tràn vào quá nhanh làm lực lượng bảo vệ không di chuyển xe ra ngoài kịp.
Hàng trăm xe máy sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM còn chìm trong nước tại tầng hầm ký túc xá khu A mở rộng nằm trong khuôn viên ĐH Quốc gia TP.HCM.
Hơn 1.000 chiếc xe máy tại bãi xe rộng hơn 800m2 trên đường Nguyễn Siêu “sống chung với nước” suốt mấy tiếng đồng hồ. Chủ xe bức xúc vì sự cố xảy ra mà chủ bãi xe không đền bù, phía chủ bãi xe lại cho rằng đây là thiên tai nên họ không có trách nhiệm.
Không chỉ có các bãi xe, tầng hầm của một số tòa nhà cũng chịu cảnh nước ngập làm chết máy xe hàng loạt xe và hư hỏng đồ đạc.
Ai chịu trách nhiệm đền bù, sửa chữa những chiếc xe hư hỏng do trận mưa này?
Ai đền?
Luật sư (LS) Nguyễn Đức Chánh, Đoàn LS TP.HCM cho biết theo quy định tại khoản 1, điều 562 BLDS 2005 về nghĩa vụ của bên giữ tài sản thì bên giữ tài sản có trách nhiệm bồi thường nếu để xảy ra tình trạng tài sản gửi giữ bị hư hỏng.
Tuy nhiên, bên giữ tài sản sẽ được miễn trừ trách nhiệm nếu đó là trường hợp bất khả kháng (theo quy định tại khoản 4, điều 562 BLDS 2005).
Điều 161, BLDS 2005 định nghĩa sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.
“Tuy nhiên, quy định này là để xác định “thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự”.
Còn hiện BLDS 2005 không định nghĩa thế nào là sự kiện bất khả kháng cũng như chưa có văn bản hướng dẫn hay quy định rõ các trường hợp cụ thể về sự kiện bất khả kháng như mưa, giông, bão, lốc, lụt, sấm sét, hạn hán, động đất, chiến tranh, phá hoại…
Vì vậy, việc xác định như thế nào là sự kiện bất khả kháng rõ ràng ít nhiều phụ thuộc vào nhận định chủ quan. Nếu xảy ra tranh chấp thì Tòa án có thẩm quyền sẽ phân định đây có thuộc trường hợp bất khả kháng hay không. Và biết đâu đây có thể là án lệ trong tương lai để áp dụng cho các trường hợp tương tự về sau”, LS Nguyễn Đức Chánh nhận định.
Luật gia Phan Thị Việt Thu - Hội bảo vệ người tiêu dùng cho biết dựa trên nguyên tắc luật, việc bồi thường chỉ diễn ra khi một bên chịu thiệt hại vì lỗi của bên kia.
“Ở đây, chủ các bãi giữ xe hoàn toàn không mong muốn chuyện xe hư hại vì ngập nước xảy ra và cũng không khống chế được vấn đề thời tiết như mưa lớn bất ngờ, vì thế, việc yêu cầu bồi thường gần như là không khả thi”, bà Thu nói.
Đối với tầng hầm của các tòa nhà, LS Nguyễn Đức Chánh cho rằng nếu chủ đầu tư hoặc người giữ tài sản ở chung cư đã thực hiện nhiều biện pháp có thể để khắc phục nhưng không thể, thì loại trừ trách nhiệm dân sự trong trường hợp này. Ngược lại, nếu bên giữ tài sản chưa làm tròn trách nhiệm của mình thì không thể loại trừ trách nhiệm dân sự được.
Nhiều ý kiến cho rằng chủ giữ xe và chủ tòa nhà (có hợp đồng thuê bãi giữ xe) phải có trách nhiệm trong câu chuyện nước ngập làm hỏng xe của khách. Vì hai bên đều có hưởng lợi từ khách hàng. Trong trường hợp mưa ngập làm hư hỏng tài sản của khách vì lý do bất khả kháng, hai bên cũng nên thương lượng với khách để hỗ trợ thiệt hại.
Hàng trăm xe máy sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM còn chìm trong hầm ngập nước - Ảnh: Ngọc Hiển
Cơ quan chức năng phải thẩm định kỹ về tầng hầm
Kiến trúc sư (KTS) Lê Công Sĩ cho biết tầng hầm về nguyên tắc có cốt thấp hơn mặt đường và hệ thống cống thoát nước công cộng rất nhiều nên dễ xảy ra ngập úng khi có mưa to và có nước tràn vào tầng hầm.
Do đó, giải pháp thoát nước tầng hầm là yêu cầu mang tính bắt buộc của chủ đầu tư đối với nhà thiết kế khi công trình có yêu cầu thiết kế tầng hầm và chỉ khi có phương án thoát nước hiệu quả thì mới được cấp phép xây dựng công trình có tầng hầm.
Đồng tình với ý kiến này, KTS Trần Huy Ánh cho rằng việc thoát nước hiệu quả là điều hoàn toàn có thể làm được.
“Khi thiết kế một công trình, nhà thiết kế bao giờ cũng phải tính đến những trạng thái rủi ro lớn nhất về tải trọng, tác động tự nhiên, va đập, cháy nổ, thiên tai như mưa, động đất… Đó không chỉ là nghĩa vụ mà còn là lương tâm nghề nghiệp của người thiết kế. Bằng việc lường trước những tình huống có thể xảy ra, người thiết kế sẽ biết làm sao để những công trình đối mặt một cách chủ động và hiệu quả với những thách thức”, KTS Trần Huy Ánh nói.
Về giải pháp cụ thể, KTS Lê Công Sĩ nói có thể áp dụng cách thiết kế tầng hầm có các rãnh (dạng cống) bao quanh chu vi tầng hầm nhằm thu gom nước đưa về bể tập trung.
Trong trường hợp lượng nước ngập quá nhiều hoặc với những dự án gồm các tổ hợp nhiều công trình, người ta có thể kết hợp giải pháp trên với giải pháp sử dụng hệ thống máy bơm chìm (hoạt động ngay cả trong quá trình ngập) để đưa nước ra khỏi tầng hầm đến những bể chứa khác ngoài công trình trong dự án theo tính toán.
Nước từ bể tập trung này hoặc sẽ được dùng để tưới cây hoặc sẽ được đưa trở lại hệ thống cống thoát nước chung sau mưa hoặc sau khi mực nước bên ngoài (đường, hệ thống cống công cộng) thấp hơn mực nước từ họng bơm ra từ bể tập trung của tầng hầm.
Ngoài ra, có thể thiết kế những cửa dự phòng cho tầng hầm, hoạt động theo nguyên tắc tương tự như các đập thủy điện hay các cống điều tiết nước trên sông, nghĩa là tự động (hoặc thủ công) đóng kín khi nước từ hệ thống đường sá và cống công cộng có nguy cơ tràn vào tầng hầm và mở ra khi mực nước bên ngoài rút xuống.
“Những vấn đề vừa nêu đòi hỏi năng lực khá cao của đơn vị thiết kế, cụ thể hơn là sự kết hợp của bộ phận thiết kế kiến trúc và thoát nước công trình”, KTS Lê Công Sĩ nói.
Mặt khác, đối với các cơ quan nhà nước có trách nhiệm liên quan trong việc thẩm định, cấp phép công trình, KTS Trần Huy Ánh cho rằng đây là một khâu quan trọng để loại bỏ, không cấp phép cho những dự án công trình không đảm bảo về mặt thiết kế, không đủ khả năng đối phó với những thách thức đặt ra về mặt thời tiết, những yếu tố tác động chủ động hoặc bị động của con người.
Hơn nữa, chủ đầu tư - người cung cấp dịch vụ cũng phải đảm bảo những yếu tố về an toàn, điều kiện sống… cho người mua dịch vụ của mình.
Mưa theo chu kỳ sao vẫn ngập?
Nhiều người cho rằng cho rằng việc gọi mưa lớn là yếu tố thiên tai và bất ngờ là không thật sự chính xác vì TP.HCM luôn có một mùa mưa vào thời điểm nhất định hằng năm.
Không thể đổ lỗi cho “ông trời” khi mưa đến theo mùa, có tính chu kỳ song không được tiên lượng và có giải pháp ứng phó.
“Mỗi năm thành phố chi bao nhiêu tiền vào việc chống ngập, vậy mà chỉ một cơn mưa lớn là người dân như sống chung với lũ, ngập từ ngoài đường vào nhà. Năm nào cũng mưa, vậy chẳng lẽ năm nào cũng chịu ngập?”, chị Nguyên Thảo bức xúc nói sau khi dắt chiếc xe chết máy hơn 2km giữa trời mưa về nhà tối 26-9.
“Mong sao người dân được dự báo, cảnh báo trước về thời tiết xấu, về những cơn mưa lớn. Mong thành phố mình có hệ thống chống ngập tốt và có giải pháp ứng xử trước thiên tai một cách bài bản, hữu hiệu”, độc giả Thanh Hải mong mỏi.
Tác giả: Đoàn Phạm (Facebook: Dano Phạm)
Tuổi trẻ