Xe đạp 'quay vòng' thành thú chơi xa xỉ
Trong khi giá nhiên liệu vẫn tăng ở mức cao, lạm phát khiến chi phí sinh hoạt tăng chóng mặt, nhiều người ở khắp nơi trên thế giới đã dần quay lại với việc di chuyển bằng xe đạp thay vì tốn tiền xăng để đi lại trong thành phố bằng xe hơi…
- 01-08-2022Brad Pitt đặc biệt yêu thích một chiếc đồng hồ tặng cả gia đình và bạn thân
- 23-07-2022Bộ sưu tập có 1 không 2 của ông vua đồng hồ John Goldberger: Từ "kì lân" đến "vị thần biển cả", mỗi kiệt tác đều vô giá
- 18-07-2022Đam mê đầu tư bạc tỷ của "cá mập" Kevin O’Leary: "Sưu tập đồng hồ là một loại virus lan nhanh đáng sợ"
Một xu hướng thời trang của mùa hè 2022 là kính biker phân cực. Vài tháng trở lại đây, những chiếc kính râm phản chiếu này xuất hiện trên khắp instagram của những người nổi tiếng. Bottega Veneta và Vetements cho biết họ chỉ là hai trong số các thương hiệu xa xỉ đã và đang phát hành kính mắt đi xe đạp.
Còn trên TikTok, Aritzia Divinity Romper được ca ngợi như một món đồ nhất định phải có hiện tại. Dữ liệu của Google Xu hướng chỉ ra rằng các tìm kiếm cho “romper” luôn ở mức cao nhất mọi thời đại và tăng đều đặn. Đây là một loại quần áo phổ biến hồi những năm 1980, bắt nguồn từ trang phục đi xe đạp.
Từ du lịch đến thay đổi cuộc sống
Trong vòng 10 năm trở lại đây, du lịch bằng xe đạp dần trở thành loại hình phổ biến, thậm chí còn được yêu thích hơn cả đi bộ đường dài. 22 triệu người Pháp cho biết từng đi xe đạp trong các kỳ nghỉ.
Pháp hiện đang là điểm đến du lịch bằng xe đạp thứ hai trên thế giới, chỉ sau nước láng giềng Đức, với hơn 9 triệu chuyến/năm và thu hút 20% khách đạp xe đi du lịch từ khắp thế giới.
Theo bộ Kinh tế Pháp, đầu năm 2022, 52% người Pháp cho biết họ quan tâm đến du lịch bằng xe đạp hơn so với trước khủng hoảng Covid-19. Ngoài các kỳ nghỉ, xe đạp cũng là phương tiện đi lại quan trọng trong cuộc sống hàng ngày.
Tại châu Á, một trải nghiệm du lịch mới có tên “Biclean” cũng dần trở nên phổ biến tại nhiều đất nước thời hậu đại dịch. “Biclean” là sự kết hợp giữa đạp xe ngắm cảnh, check-in và làm sạch rác thải đại dương ở khu vực ven biển.
Tại đảo Jeju (Hàn Quốc), chỉ với khoảng 1,2 triệu đồng, khách thăm quan có thể trải nghiệm dịch vụ kéo dài 2 giờ với các cung đường từ dễ đến khó (đạp xe quanh làng, đạp xe ở đường ven biển và đạp xe vòng quanh đảo), sử dụng các loại xe đạp thông thường hoặc xe đạp điện (có trợ lực).
Hòa chung với xu hướng của thế giới, các thương hiệu xa xỉ giờ đây cũng lấn sân sang thiết kế và bán lẻ xe đạp cao cấp. Ví dụ như hãng Hermes vừa giới thiệu phiên bản xe đạp Odyssee Terre mới nhất lấy cảm hứng từ phong cách xe nhỏ gọn của Nhật Bản.
Với thân xe được làm từ nhôm và da sần, có dòng chữ “Hermes Paris” in trên yên xe, nơi người lái có thể điều chỉnh độ cao. Xe cũng đặc biệt nhẹ nên thích hợp đi trong đô thị. Khi được giao đến tay khách hàng, chiếc xe có giá 23.600 USD này sẽ được đóng gói trong hộp màu cam thắt dây ruy băng.
Một ví dụ khác có thể kể đến như Gucci với xe đạp làm từ sợi carbon do Giám đốc sáng tạo Frida Giannini thiết kế, được bán với giá khoảng 35.000 USD. Tương tự, Louis Vuitton cũng tung ra dòng xe đạp thành thị có giá từ 24.000 - 27.500 USD.
Ngoài việc gia tăng nhu cầu mua bán xe, xu hướng đạp xe còn tạo ra thị trường phụ kiện và mũ bảo hiểm, đồng hồ, kính và cả thời trang đi xe đạp. Đây đều là những lựa chọn mà các thương hiệu xa xỉ có thể khám phá thông qua việc giới thiệu sản phẩm mới hoặc hợp tác với một nhãn hàng đã có sẵn.
Tại Italia, những người sử dụng phương tiện giao thông không gây ô nhiễm giờ đây có thể kiếm được tiền từ mỗi km di chuyển, thông qua một ứng dụng di động có tên Goodgo. Theo đó, mỗi khi di chuyển bằng hình thức đi bộ, xe đạp, hay tàu điện ngầm, người dùng chỉ cần bật app, ứng dụng sẽ ghi lại hành trình di chuyển sau đó biến chúng thành điểm thưởng và người dùng có thể đổi lấy voucher mua hàng.
Trong tuần đầu tiên ra mắt hồi đầu tháng 6, ứng dụng đã thu hút 300 người đăng ký. Con số này đã tăng lên khoảng 5.000 người ở các tháng tiếp theo.
Tại đất nước hơn tỷ dân (Trung Quốc) cũng vậy. Trên nền tảng Xiaohongshu hiện có hơn 930.000 bài đăng liên quan đến đạp xe, bao gồm các thông tin mua xe hay các tuyến đường đạp xe ở Trung Quốc. Các cửa hàng xe đạp ở Bắc Kinh cho biết đơn đặt hàng đã tăng 30% trong nửa đầu năm nay.
Theo Jing Daily, từ 23/5 - 30/5/2022, doanh số bán sản phẩm liên quan đến xe đạp tăng 240% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, nguồn cung xe đạp bị cản trở bởi chính sách “Zero Covid” của Trung Quốc và sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thú chơi tại Việt Nam
Tại Việt Nam, không chỉ phục vụ nhu cầu đi lại, xe đạp giờ đây còn trở thành thú chơi. Giới chơi xe đạp lập thành diễn đàn, câu lạc bộ để có thể cùng nhau đi tập luyện, sưu tầm, nâng cấp xe và chia sẻ niềm đam mê. Hiện nay, người chơi xe đạp tại Việt Nam có thể chia thành 4 nhóm.
Thứ nhất là nhóm mê xe mountain bike (MTB), hay còn gọi là xe đạp địa hình, thích hợp để đi đường dốc, đổ đèo hay đi đường rừng... Xe road (xe cuộc) là xe đua hay đi đường trường, có thể lướt nhanh với tốc độ cao. Xe touring (xe phượt) thích hợp cho người thích đi du lịch bụi, chở được nhiều đồ. Và cuối cùng, xu hướng mới nổi lên gần đây là những chiếc xe đạp gấp.
Có cấu tạo không khác nhiều so xe đạp bình thường, nhưng được tối giản về trọng lượng, có thể gấp gọn bánh sau, phần khung xe và cả tay lái để xách tay hoặc kéo như va-ly với bánh phụ. Đặc điểm này giúp chủ nhân xe đạp gấp có thể đem theo trong va-ly, trong cốp ô-tô riêng hoặc thậm chí xách lên tàu điện, xe bus.
Đó là chưa kể những “chiếc xe đạp cho người giàu” này mang màu sắc độc đáo, có thể phối với trang phục nếu là những người sành chơi. Tất nhiên, giá một chiếc xe đạp gấp không rẻ. Ví dụ như sản phẩm của thương hiệu Brompton (Anh) có giá tối thiểu từ 50 triệu đồng và hơn 150 triệu đồng cho phiên bản đặc biệt.
Nếu không có điều kiện hoặc muốn thay đổi nhiều kiểu dáng, mẫu mã khác nhau, thuê xe cũng là một gợi ý không tồi. Từ tháng 6 đến nay, cửa hàng xe đạp thể thao Bike Station (đường Trần Não, TP Thủ Đức) có lượng khách thuê, đăng ký bảo dưỡng, nâng cấp phụ kiện cao hơn bình thường 30 - 40%.
Để phục vụ nhu cầu đạp xe du lịch, tiệm có dịch vụ cho thuê xe ngắn và dài hạn, tùy mong muốn của từng nhóm đối tượng. Phí thuê là 150.000 đồng cho 12 tiếng. Những khách có nhu cầu sử dụng thường xuyên có thể chọn thuê theo tháng với giá 2,5 triệu đồng.
“Tôi nhận thấy khách hàng hiện nay sẵn sàng chi mạnh tay cho sở thích đạp xe. Doanh thu của chúng tôi hè này tăng cao nhờ các combo thuê xe và bán phụ kiện như mũ, áo thể thao. Trong tuần này, chúng tôi có 10 đơn hàng lớn, khách sử dụng kết hợp nhiều dịch vụ khác nhau, trong đó có cả độ xe,” một nhân viên của cửa hàng cho hay.
“Nếu chơi xe đạp lâu năm, ngoài chuyện sưu tập xe, nhiều khách hàng còn trở thành chuyên gia, tự mua phụ tùng hoặc đặt chúng tôi ráp nên một chiếc xe độc lạ cho riêng mình”.
Thông thường, các phụ tùng riêng lẻ được đặt mua tùy theo khả năng của người chủ. Những năm gần đây, xe đạp của Ý, Pháp, Anh được giới chơi xe yêu thích vì thiết kế đẹp, bền dù giá hơi cao.
Đa số người chơi chọn nâng cấp từ từ, hôm nay mua cặp bánh xe đạp 2.000 USD, hôm khác mua thêm phanh xe giá khoảng 1.500 USD, khi nào “rủng rỉnh” thì đầu tư vào sườn xe – giá từ 4.000 – 6.000 USD/cái… Nghề chơi nào cũng lắm công phu, lâu dần có khi lên đến hàng trăm triệu đồng cho một chú “ngựa sắt” cũng là chuyện thường.
Người đồng hành