MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Xẻ thịt" hành lang đường sắt

Những công trình kiên cố, xây dựng trái phép, ngang nhiên lấn chiếm phạm vi hành lang an toàn đường sắt, gây ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng, công tác an toàn khi chạy tàu.

Hệ thống đường sắt ở Việt Nam được hình thành và tồn tại qua hàng trăm năm với hạ tầng gắn liền với đường bộ, cũng như các địa bàn cư dân tập trung. Cũng bởi tổn tại từ lâu nên nhiều nơi khó khăn trong việc xác minh nguồn gốc đất, phạm vi ảnh hưởng kết cấu công trình… Mặc dù Bộ GTVT đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường tổ chức kiểm tra, ngăn chặn và xử lý kịp thời hành vi vi phạm về sử dụng, khai thác không gian trong phạm vi đất dành cho đường sắt nhưng các vi phạm vẫn liên tiếp diễn ra. Đáng nói, có những công trình kiên cố, xây dựng trái phép, lấn chiếm phạm vi hành lang an toàn đường sắt gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết cấu hạ tầng, công tác an toàn khi chạy tàu.

Nhiều công trình kiên cố lấn chiếm đất đường sắt

Toàn bộ hệ thống đường dây thông tin tín hiệu đường sắt được 2 công trình ở đây "ôm" trọn, chui qua tường nhà. Đáng nói, các chủ hộ đều biết việc xây dựng cải tạo vi phạm đến một phần diện tích đất bảo vệ công trình của đường sắt nhưng vẫn cứ làm.

Bà Vũ Thị Bích, huyện Phú Xuyên, Hà Nội cho biết: "Đây chỉ là cái dây điện để nghe gọi thôi chứ không phải là dây lưới, đâm ra cũng không sợ. Mình làm như này là ở dưới không ảnh hưởng đến nhà mình, ở trên cũng không. Mình cơi nới lại cho đẹp thôi".

Xẻ thịt hành lang đường sắt - Ảnh 1.

Xẻ thịt hành lang đường sắt - Ảnh 2.

Lẽ vậy, nên chẳng có gì ngạc nhiên khi hộ thì đặt cục nóng điều hòa ngay cạnh hệ thống đường dây, hộ thì quây tôn kín mít… khiến dây tín hiệu phải luồn qua các khe hở, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, nếu mất thông tin liên lạc sẽ dẫn đến tai nạn khi tàu chạy.

Xẻ thịt hành lang đường sắt - Ảnh 3.

Dù đã có văn bản yêu cầu các hộ tháo dỡ phần xây dựng vi phạm, hoàn trả nguyên trạng ban đầu đất dành cho đường sắt nhưng đến nay "vẫn dậm chân tại chỗ". Những lỗ kim đủ cho voi chui lọt, thực tế có rất nhiều công trình vi phạm ngang nhiên lấn chiếm hành lang an toàn đường sắt với quy mô lớn. Hơn 1400m2 đất của đường sắt tại ga Phổ Yên, Thái Nguyên bị lấn chiếm để làm xưởng cơ khí, tập kết container…

Xẻ thịt hành lang đường sắt - Ảnh 4.

Tự ký hợp đồng cho thuê đất của đường sắt rồi lại tự ý hủy trong im lặng…Chẳng biết là vô tình hay cố ý nhưng chính sự mơ hồ của những người làm quản lý đã khiến cho những sai phạm vẫn cứ tiếp diễn.

Đua nhau kinh doanh trên đất đường sắt

Thực tế còn rất nhiều những địa điểm vi phạm dù biết sai nhưng vì sự đã rồi nên "tặc lưỡi" cho qua. Phải nhắc đến công trình đường bê tông trên tuyến đường sắt Bắc Hồng - Văn Điển mà Chuyển động 24h đã phản ánh hơn 1 năm trước. Người dân tại xã La Phù, huyện Hoài Đức, Hà Nội đã tự ý thi công xây dựng đường bê tông làm đường đi trong phạm vi bảo vệ công trình đường sắt. Thế nhưng đến nay công trình vẫn "án ngữ" như chưa có chuyện xảy ra". Không chỉ xây dựng trái phép mà đất của đường sắt còn là miếng bánh béo bở, mỗi người xí một chỗ, ngang nhiên kinh doanh với đủ chiêu trò.

Xẻ thịt hành lang đường sắt - Ảnh 5.

Khách ra vào tấp nập như chưa hề có lệnh cấm tại phố cà phê đường tàu. Dù yêu cầu dừng đón khách tại các tuyến phố này đã có cách đây 1 năm. Nhất là vào những ngày cuối tuần, hàng trăm lượt khách đổ về đây để chờ tàu đi qua. Đáng nói, tại đầu mỗi tuyến phố đều có các chốt chặn nhưng không hiểu bằng cách nào du khách vẫn ngồi cà phê, tự do đi lại giữa đường ray.

Xẻ thịt hành lang đường sắt - Ảnh 6.

Hết kinh doanh cà phê rồi lại kinh doanh "bãi xe" tự phát. Ngay trước cổng bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương và bệnh viện Bạch Mai… xuất hiện các bãi xe ngay tại chốt gác chắn tàu.

Chối bay chối biến dù vừa nhận tiền ngay trước đó, mỗi ngày tại các điểm chốt này trông giữ hàng chục lượt phương tiện ra vào, lấn chiếm hết hành lang an toàn đường sắt.

Xẻ thịt hành lang đường sắt - Ảnh 7.

Trống chỗ nào điền chỗ đó, tuyến đường sắt đi qua địa phận phường Phúc diễn, quận Bắc Từ Liêm cũng được trưng dụng làm bãi đỗ xe tĩnh, thậm chí ngang nhiên sang chiết xăng dầu sát cạnh đường tàu mà chẳng cần biết hiểm họa rình rập bất cứ lúc nào.

Khó xử lý vi phạm hành lang đường sắt

Ai cũng thấy bất cập nhưng làm cách nào để xử lý thì lại là bài toán nan giải. Theo quy định, đất dành cho đường sắt gồm: Phạm vi bảo vệ và hành lang an toàn. Cụ thể, đối với nền đường không đào, không đắp: Tổng đất dành cho đường sắt là 8,6m, nhưng thực tế không phải tuyến đường nào cũng có hành lang đạt chuẩn, nhất là trong khu vực nội đô, rất khó để áp dụng luật. Chưa kể, đất của đường tàu đã hình thành từ lâu. Do đó, để giải quyết những tồn tại không thể một sớm một chiều.

Sống ngay sát đường tàu lại gần khu vực sang chiết xăng dầu nên người dân phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội không khỏi lo lắng về nguy cơ hỏa hoạn. Sợ nhưng vẫn phải sống chung mỗi ngày. Đi không được ở cũng chẳng xong nên những hộ dân sống tại khu vực đường tàu phải cố bám trụ để mưu sinh.

Câu hỏi chưa có lời đáp cũng như vi phạm vẫn chưa có hồi kết. Bởi ngay cả đến hành lang bảo vệ của đường sắt tại con phố đường tàu này còn chẳng có thì nói gì đến khoảng cách an toàn.

Dù đã liên tục cảnh báo, lực lượng chức năng cũng đã ra quân xử lý các vi phạm lấn chiếm hành lang an toàn đường sắt nhưng "đâu lại vào đấy", chẳng khác gì "bắt cóc bỏ đĩa".

Chưa có tai nạn nhưng cũng không đồng nghĩa sẽ không có những vụ việc đáng tiếc xảy ra. Dẫu biết việc xử lý vi phạm còn gặp nhiều khó khăn nhưng đã đến lúc cần phải có giải pháp tổng thể, tránh tình trạng "mất bò mới lo làm chuồng".

Theo PV

VTV.VN

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên