Xem clip trò chuyện của Steve Jobs 3 lần mỗi ngày trong suốt 1 tháng, chàng sinh viên Stanford quyết định khởi nghiệp và tạo nên công ty lớn nhất Đông Nam Á
Câu nói "hãy cứ khao khát, hãy cứ dại khờ" của Steve Jobs đã truyền cảm hứng cho một người tạo nên đế chế kinh doanh lớn bậc nhất Đông Nam Á.
- 22-06-2020Ông chủ trang thương mại điện tử giá rẻ vượt Jack Ma thành người giàu thứ 2 Trung Quốc
- 05-06-2020Thương mại điện tử bùng nổ nhờ dịch bệnh, nhà kho bất ngờ trở thành "hàng hot" trên thị trường bất động sản
- 29-04-2020Alibaba - thế lực đang vươn lên dữ dội nhờ Covid-19, tham vọng thống trị thương mại điện tử toàn cầu sắp thành hiện thực, Amazon phải dè chừng
Trong một lần trò chuyện cùng sinh viên đại học Stanford vào năm 2005, nhà sáng lập Apple là Steve Jobs khuyên người trẻ "hãy cứ khao khát, hãy cứ dại khờ". Một người trong những khán giả của buổi trò chuyện ngày hôm đó đã được truyền cảm hứng mạnh mẽ, mang tên Forrest Li – sau này trở thành nhà sáng lập của tập đoàn giá trị bậc nhất Đông Nam Á Sea - công ty chủ quản của nền tảng thương mại điện tử Shopee.
Sau khi trực tiếp lắng nghe bài phát biểu của Steve Jobs ngày hôm đó, chàng sinh viên theo học Thạc sỹ quản trị kinh doanh đã tiếp tục xem lại video ghi lại buổi lễ tới "2,3 lần một ngày, trong suốt 1 tháng" trước khi quyết định gia nhập sự nghiệp kinh doanh, tiến vào thế giới startup.
15 năm sau, startup của người đàn ông 42 tuổi này trở thành công ty niêm yết giá trị nhất tại Đông Nam Á. Sea – công ty có trụ sở tại Singapore đang điều hành những game online nổi tiếng, nền tảng thương mại điện tử và dịch vụ tài chính hiện là một trong những công ty được hưởng lợi nhiều nhất từ đại dịch Covid-19.
Công ty giá trị nhất Đông Nam Á
Vốn hóa thị trường của Sea đã tăng hơn gấp 4 lần kể từ đầu năm lên mức trên 70 tỷ USD, vượt những ngân hàng truyền thống lớn bậc nhất trong khu vực gồm cả Ngân trung tâm châu Á của Indonesia và DBS của Singapore. Sự tăng trưởng giá cổ phiếu của Sea thậm chí còn vượt cả những ông lớn như Amazon (tăng 60%), Alibaba và Tencent (tăng 30%).
Li – hiện là CEO của Sea nói rằng kỹ thuật số hóa được thúc đẩy bởi đại dịch là "tích cực" với nền kinh tế Đông Nam Á. Ông nói rằng công ty sẽ tiếp tục nắm bắt những cơ hội chưa được tiếp cận trong khu vực và xa hơn nữa. "Chúng tôi không muốn gây tổn hại tới tiềm năng tăng trưởng của công ty".
Tuy nhiên, tốc độ mở rộng nhanh chóng đi cùng với chi phí cực lớn. Trong khi doanh thu của Sea trong giai đoạn từ tháng 4 tới tháng 6 đã tăng gấp đôi lên 882 triệu USD so với 1 năm trước thì lỗ ròng cũng tăng tới 40% lên mức 393 triệu USD.
Khi Đông Nam Á ngày càng trở thành một sân chơi lớn cho các startup kỹ thuật số, từ những siêu ứng dụng địa phương tới những gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc, khả năng của Sea để có thể thống trị được thị trường hết sức cạnh tranh hiện tại trong thế giới hậu Covid-19 sẽ gặp nhiều khó khăn.
Mảng kinh doanh chính của Sea là game online, hiện có 500 triệu người dùng hoạt động trên toàn cầu. Tựa game Free Fire trở thành ứng dụng được tải nhiều nhất trên thế giới vào năm ngoái trên Google Play và iOS.
Theo Li, Free Fire – được ra đời từ năm 2017 là game do Sea tự phát triển và được sản xuất ra bởi sự hiểu biết sâu sắc về thị trường Đông Nam Á.
Nó được thiết kế cho môi trường internet di động tương đối yếu và những smartphone đời thấp. Thời gian chơi 1 game là 10 – 15 phút, ngắn hơn khoảng 20 – 30 phút như những game điển hình khác. Số lượng tối đa người chơi 1 game là 50 và không hướng tới đồ họa đẹp để giảm dung lượng dữ liệu.
"Chúng tôi đang sở hữu những tựa game khác biệt với những nhà phát triển game khác biệt tại Đông Nam Á. Vì vậy, chúng tôi hiểu được những gì mà người chơi tại khu vực này yêu thích".
Nhờ Free Fire, mảng game của Sea tạo ra lợi nhuận hoạt động 167 triệu USD trong quý 2 của năm nay. Li nói game sẽ tiếp tục đóng góp vào lợi nhuận công ty trong nhiều năm. "Chúng tôi tin rằng Free Fire sẽ tồn tại dài hạn trong 10 năm". Trong khi đó, vòng sinh tồn điển hình của những game phổ biến là ít nhất 5 năm.
Lợi nhuận từ mảng game giúp công ty thực hiện được những khoản đầu tư cho mảng thương mại điện tử Shopee – hiện là website được truy cập nhiều nhất tại nhiều quốc gia Đông Nam Á.
Sea cũng tiếp cận mảng thanh toán kỹ thuật số và dịch vụ tài chính.
Giá trị thị trường của Sea hiện đạt 70 tỷ USD.
Một trong những dịch vụ thanh toán kỹ thuật số của Sea là ShopeePay đã trở nên rất phổ biến tại Indonesia. Chỉ 1 năm trước, các trung tâm thương mại tại Jakarta chủ yếu sử dụng 2 ví điện tử là GoPay và OVO nhưng hiện ShopeePay đã thay thế trở thành một dịch vụ thu hút người dùng.
Ở Singapore, Sea đang chờ giấy phép ngân hàng trực tuyến để có thể thực hiện dịch vụ nhận tiền gửi và những khoản vay khác cho khách hàng bán lẻ và tập đoàn – một bước quan trọng để mở rộng sang dịch vụ tài chính kỹ thuật số.
Li nói rằng giá trị cao mà Sea có được là nhờ sự kết hợp giữa game, thương mại điện tử và tài chính – công thức đã được kiểm chứng thành công bởi Alibaba và Tencent.
Những kỳ vọng cao của các nhà đầu tư cũng tới từ thực tế rằng Sea đang hoạt động ở Đông Nam Á – nơi có 650 triệu dân và vẫn còn nhiều tiềm năng tăng trưởng so với Mỹ và Trung Quốc vì tỷ lệ dịch vụ kỹ thuật số hóa thấp hơn.
"Có nhiều room để tăng trưởng nếu có chiến lược đúng đắn", theo Justin Tang – chuyên gia phân tích. Khi được hỏi về nền kinh tế hậu covid ở khu vực, Li nói rằng đại dịch "có thể trở thành cơ hội cho Đông Nam Á. Với sự dịch chuyển sang nền kinh tế kỹ thuật số trở nên, tôi nghĩ đó là một điều tích cực cho nền kinh tế Đông Nam Á".
Như vậy, "Sea sẽ tiếp tục ưu tiên tốc độ tăng trưởng doanh thu và thị phần thay vì lợi nhuận", CEO khẳng định.
"Tôi tin rằng tốc độ tăng trưởng là điều quan trọng nhất. Mỗi ngày sẽ có nhiều người hơn lần đầu tiên sử dụng thương mại điện tử. Chúng tôi muốn nắm bắt và tận dụng tất cả cơ hội này để đảm bảo tăng trưởng nhanh hơn trung bình thị trường".
Chàng sinh viên Stanford trở thành tỷ phú đôla
Cuộc sống của Li trước khi đến Stanford gần như không có liên quan gì tới kinh doanh. Ông từng làm việc tại nhiều công ty quốc tế lớn gồm cả Motorola tại Trung Quốc. "Ở thời điểm đó, tôi không biết nhiều về thế giới kinh doanh".
Tuy nhiên, việc theo học bằng MBA, được tiếp cận với những doanh nhân thành công đã truyền cảm hứng cho ông. "Thông qua những cuộc hội thoại này, bằng cách nào đó, tôi cảm thấy có liên quan hơn tới các doanh nhân học cùng lớp".
Sau khi thất bại với một startup game tại Singapore, ông thành lập một công ty game khác là Garena vào năm 2009. Vài năm sau, công ty nhận được khoản đầu tư từ Tencent. Những nhà đầu tư tổ chức lớn vào đây gồm cả quỹ lương hưu Ontario Teacher của Canada. Năm 2017, Garena đổi tên thành Sea, niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Mỹ.
Li có 25,4% cổ phần công ty, khiến tổng tài sản ông nắm giữ hiện đạt 8 tỷ USD.
Trong dài hạn, Sea sẽ tiếp tục tập trung vào 3 lĩnh vực kỹ thuật số. "Thời điểm này, chúng tôi sẽ không làm bất cứ thứ gì khác".
Ông cũng là thành viên trong Hội đồng phát triển kinh tế Singapore – một cơ quản của chính phủ nhằm thúc đẩy kinh doanh cho cả nước.
"Ngoài Đông Nam Á, có thể có nhiều cơ hội hơn dành cho chúng tôi. Dựa trên những gì học được, chúng tôi có hoạt động tốt trong 1 thập kỷ qua, có thể nó sẽ được áp dụng cho một vài thị trường khác như những gì đã xảy ra với Free Fire".
Ông cũng nói rằng sứ mệnh của công ty là mang lại cuộc sống tốt hơn cho người tiêu dùng và doanh nghiệp nhỏ thông qua công nghệ. Ông nói rằng "những gì chúng tôi tốt là hiểu biết đặc biệt về công nghệ có thể ứng dụng cho các doanh nghiệp mà chúng tôi hoạt động và đặc biệt trong một thị trường đang nổi".
Dự đoán lỗ trong 2 năm nữa
Tốc độ tăng trưởng nhanh của Sea là đáng kể ở thời điểm một vài startup kỹ thuật số Đông Nam Á đang gặp khó khăn vì đại dịch. 2 startup hàng đầu gồm Grab và Gojek được biết đến như những "kỳ lân nhiều sừng" với giá trị trên 10 tỷ USD đã buộc phải cắt giảm nhân sự khi mảng gọi xe bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng mạnh của Sea không phải không có rủi ro. Công ty tiếp tục chứng kiến lỗ lớn – lỗ ròng 1,46 tỷ USD trong năm 2019 và 674 triệu USD trong nửa đầu năm 2020 vì chi phí marketing lớn cho mảng thương mại điện tử và thanh toán kỹ thuật số.
Trong bài phỏng vấn với Nikkei, Li nói rằng công ty ông "có thể có lãi bất kỳ lúc nào" nếu giảm chi phí marketing. Tuy nhiên sự cạnh tranh quá khốc liệt trong mảng thương mại điện tử khiến Sea buộc phải tiếp tục đốt tiền. Các đối thủ gồm Lazada, Tokopedia của Indonesia và Tiki của Việt Nam đều đang hoạt động mạnh.
Lợi nhuận của Sea trong vài năm trở lại đây.
"Khả năng có thể có lãi của thương mại điện tử có thể đạt được nếu công ty ngừng hỗ trợ khách hàng. Tuy nhiên, họ đang tập trung vào chiếm thị phần dù chi phí cho marketing rất lớn và việc này được dự đoán sẽ không giảm trong ngắn hạn", theo Sachin Mittal – một chuyên gia phân tích nói.
Về phần dịch vụ tài chính kỹ thuật số, phần trăm của Sea tương đối thấp so với những đối thủ khác trong khu vực và các gã khổng lồ như Alipay cũng đang đầu tư rất nhiều vào đây. Điều đó đồng nghĩa với việc họ tiếp tục phải đốt tiền để giành thị phần.
Dự đoán thương mại điện tử và dịch vụ tài chính kỹ thuật số sẽ tiếp tục báo lỗ "trong 2 năm tới". Với sự hỗ trợ đặc biệt từ Tencent – công ty sở hữu 25,6% cổ phần của Sea, công ty cũng có những lợi thế nhất định.
Khi được hỏi liệu những lệnh trừng phạt của Washington lên các công ty Trung Quốc có ảnh hưởng tới Sea không, Li khẳng định là "không". "Chúng tôi là công ty Singapore, niêm yết tại Mỹ, Tencent đầu tư vào nhiều công ty khác và chúng tôi chỉ là một trong số đó".
Vân Đàm
Theo Tổ Quốc/Nikkei
Tổ Quốc