MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xem lại cơ chế phân cấp

Sự cố môi trường ở Hà Tĩnh và thực trạng nhiều dự án tỉ đô không triển khai được là hệ quả của việc quản lý đầu tư nước ngoài dù phân cấp mạnh mẽ nhưng các địa phương chưa đủ năng lực

Phóng viên: Hiện tượng ô nhiễm môi trường từ các dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với công nghệ lạc hậu đã được cảnh báo từ lâu nhưng dường như chỉ đến khi có sự cố ở Formosa, cơ quan quản lý mới giật mình nhìn lại. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

- TS Phan Hữu Thắng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đầu tư nước ngoài: Vụ việc như Formosa vừa qua tác hại quá lớn và khó có thể chấp nhận được. Tôi bất ngờ vì không ai nghĩ có thể xảy ra vụ việc với mức độ lớn như thế, nhất là trước đó đã có những bài học như vụ Vedan.

Điều đáng tiếc là khi cho nhập một lượng chất độc hại lớn như thế thì phải có cơ chế thông tin để các bộ, ngành liên quan biết và lên kế hoạch theo dõi, giám sát trong việc thử nghiệm, liều lượng sử dụng và vấn đề xả thải.

Tôi cho rằng với một dự án đặc biệt lớn như thế, các linh kiện, thiết bị, nguyên liệu nhập về mà có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường thì trong nội bộ quản lý nhà nước phải nắm được. Tôi muốn nhấn mạnh đến trách nhiệm và sự liên kết giữa các bộ, ngành, địa phương trong quản lý, giám sát rủi ro đối với môi trường của các dự án lớn, không thể chỉ phó mặc cho địa phương, hải quan, cảnh sát môi trường hay một bên nào riêng lẻ được.

Nhiều dự án trình hồ sơ cấp phép không có báo cáo đánh giá tác động môi trường nên có khi rủi ro đã hình thành ngay từ khi cấp phép. Từ chuyện Formosa, có nên đặt lại vấn đề phân cấp trong cấp phép các dự án đầu tư FDI?

- Trước đây, khi chúng ta nỗ lực thu hút FDI và với lượng vốn FDI vào quá lớn, quá nhiều dự án như vậy nên việc phân cấp là đúng đắn, tạo điều kiện thông thoáng, nhanh hơn để vốn chảy vào được tốt hơn. Nhưng đến nay, sau trường hợp của Formosa hay một loạt dự án FDI quy mô lớn nhưng không triển khai được và phải rút giấy phép, đã đến lúc cần xem lại việc phân cấp.

Xem lại ở đây không phải là rút lại toàn bộ quyền của các địa phương trong cấp phép mà phải làm sao tăng cường vai trò, trách nhiệm quản lý của các bộ, ngành hơn. Chẳng hạn, có thể căn cứ vào quy mô đầu tư, lĩnh vực đầu tư để phân cấp. Đơn cử, với những dự án cần từ 50 ha đất hay vốn 100 triệu USD trở lên thì dù địa phương vẫn quản lý nhưng phải báo cáo thông suốt đến các bộ, ngành và tốt nhất nên có đầu mối trách nhiệm rõ ràng, cụ thể là Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Chúng ta cần tránh tình trạng khi đụng đến ai thì cũng nói đã giải quyết theo đúng quy trình, thẩm quyền, đã có ý kiến rồi, vì như vậy sẽ không làm rõ được trách nhiệm. Đồng thời, nên duy trì cơ chế giao ban về đầu tư nước ngoài giữa các bộ, ngành, định kỳ theo quý chứ không để dài như hiện nay.

Để sàng lọc các dự án FDI, theo ông, việc thiết lập thông tin lịch sử hoạt động đầu tư của DN đó ở các quốc gia khác có là quan trọng và cần thiết trong xem xét phê duyệt dự án?

- Điều này trước đây chúng ta đã muốn làm nhưng chưa làm được. Tôi cho rằng việc nắm được sơ bộ lịch sử của các nhà đầu tư đang muốn vào triển khai dự án là rất quan trọng, giúp sàng lọc tốt hơn trong lựa chọn dự án đầu tư.

Vậy sau vụ việc này, vấn đề đặt ra với Việt Nam liên quan đến thu hút FDI là gì, thưa ông?

- Theo tôi, trước hết cần phải bảo đảm các điều kiện, quy định của pháp luật hiện hành về đầu tư nước ngoài được thực hiện một cách nghiêm khắc trên thực tế. Bên cạnh đó, chúng ta nên rà soát lại toàn bộ quy định về giám sát đầu tư cũng như trong công tác thực thi.

Sau rà soát, nếu dự án đầu tư có tác động hoặc nguy cơ tác động lớn đến môi trường và cho thấy rõ DN đó có vi phạm thì hoàn toàn có thể tạm dừng, dừng hoặc thậm chí rút giấy phép. Đó là hành động thể hiện tính nghiêm minh của hệ thống pháp luật, cho thấy đã đến lúc chúng ta phải nói “không” với những dự án có rủi ro môi trường.

Trước mắt, phải bảo đảm được các điều kiện, tiêu chuẩn mà Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ đã đưa ra. Đồng thời, cần tiến tới xem xét nâng cấp các tiêu chuẩn này theo tiêu chuẩn quốc tế. Bởi lẽ, trên thế giới hiện nay, các nhà đầu tư ngày càng quan tâm đến vấn đề môi trường. Yếu tố bền vững môi trường và bảo vệ môi trường hiện nay cũng là sự quan tâm và ưu tiên hàng đầu của mọi người.

Ông đánh giá thế nào về việc gần đây, nhiều địa phương đã nói “không” với một số dự án FDI?

- Đây thực sự là tín hiệu tốt cho định hướng phát triển của nền kinh tế. Các địa phương đã tỉnh táo hơn trong việc lựa chọn dự án FDI. Các dự án sử dụng nhiều lao động nhưng gây ô nhiễm môi trường đều bị các địa phương cân nhắc từ chối.

Trước đây, có thời kỳ chúng ta chấp nhận thu hút đầu tư bằng mọi giá và cái giá phải trả quá đắt. Bây giờ là thời điểm chúng ta có quyền lựa chọn và có quyền nói “không” với các dự án không mang lại lợi ích cho quốc gia, những dự án sử dụng công nghệ lạc hậu.

Vốn FDI tăng gấp đôi cùng kỳ

6 tháng đầu năm 2016, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới và tăng thêm là 11,284 tỉ USD, tăng 105,4% so với cùng kỳ năm 2015.

Ước tính đến ngày 20-6, các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 7,25 tỉ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm 2015. Cả nước có 1.145 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 7,497 tỉ USD, tăng 95,3% so với cùng kỳ năm 2015. Có 535 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 3,787 tỉ USD, tăng 129% so với cùng kỳ năm 2015.

Theo Tô Hà - Tri Nhân

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên