Xem xét hơn 84.000 tỷ cho 3 dự án cao tốc
Sau hai dự án vành đai cho Hà Nội và TP.HCM, Chính phủ tiếp tục trình Quốc hội 3 dự án (giai đoạn 1) đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; Biên Hòa -Vũng Tàu.
- 10-05-2022Trình Thủ tướng phê duyệt dự án cao tốc Dầu Giây - Tân Phú
- 05-05-2022Ồ ạt xây dựng nhằm trục lợi tại dự án đường cao tốc Bắc - Nam: Các tỉnh tuyên bố xử nghiêm
- 05-05-2022Hơn 84.000 tỷ đồng đầu tư 3 dự án cao tốc trọng điểm
Chủ trương đầu tư ba dự án đã được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thẩm tra chiều 10/5 với các ý kiến tán thành sự cần thiết, song đề nghị làm rõ hơn khả năng cân đối vốn cũng như cơ sở để quyết định hình thức đầu tư.
Ba dự án này có khá nhiều điểm tương đồng: đầu tư công toàn bộ, đều đã được Chính phủ đề xuất trong danh mục dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Về kỹ thuật thì đều có tốc độ 100km/h, cơ chế đặc thù cơ bản như nhau...
Cụ thể, Dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có chiều dài 188,2 km, quy mô đầu tư giai đoạn 1 là 4 làn xe. Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 44.691 tỷ đồng; nhu cầu vốn trong giai đoạn từ năm 2022 - 2025 khoảng 35.753 tỷ đồng, năm 2026 khoảng 8.938 tỷ đồng.
Dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột có tổng chiều dài 117,5 km, phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 với quy mô 4 làn xe. Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 21.935 tỷ đồng; nhu cầu vốn trong giai đoạn từ năm 2022 - 2025 khoảng 17.553 tỷ đồng, năm 2026 khoảng 4.382 tỷ đồng.
Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có chiều dài 53,7 km, quy mô 4-6 làn xe. Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 17.837 tỷ đồng; nhu cầu vốn trong giai đoạn từ năm 2022 - 2025 khoảng 14.270 tỷ đồng, năm 2026 khoảng 3.567 tỷ đồng.
Chuẩn bị năm 2022, khởi công năm 2023 và cơ bản hoàn thành năm 2025, tổng chiều dài khoảng 360 km, sơ bộ tổng mức đầu tư của cả 3 dự án được Bộ Giao thông vận tải cho biết là hơn 84.000 tỷ đồng. Trong đó vốn từ Chương trình phục hồi phát triển kinh tế xã hội là 9.620 tỷ (trong 113 nghìn tỷ của toàn bộ Chương trình).
Ngoài ra, Chính phủ sẽ huy động từ ngân sách địa phương (tăng thu, tiết kiệm chi năm 2021 và rà soát, cơ cấu lại kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025) và tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021.
Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Lê Anh Tuấn cho biết, toàn bộ nguồn vốn trong giai đoạn 2022 - 2025 đã được cân đối đầy đủ. Nguồn vốn năm 2026 được ưu tiên bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030.
Cơ chế chính sách đặc thù của cả ba dự án được Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư các dự án thành phần được thực hiện như dự án nhóm A theo quy định của pháp luật về đầu tư công; cho phép các địa phương bố trí ngân sách địa phương tham gia dự án; cho phép phân chia các dự án thành theo địa giới hành chính các tỉnh/thành phố.
Tham gia ý kiến tại phiên thẩm tra, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Hữu Toàn phân tích, vốn từ Chương trình phục hồi là 9.620 tỷ (trong 113 nghìn tỷ dành cho hạ tầng của Chương trình ) cũng là hợp lý.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh lại băn khoăn khi mà các dự án này cũng như danh mục các dự án khác được sử dụng vốn của Chương trình phục hồi chưa được trình để phê duyệt, thì sự chậm trễ đó sẽ tác động thế nào đến kết quả hỗ trợ 2% cho tăng trưởng GDP năm 2022 như mục tiêu của Chương trình đặt ra.
Ông Thanh cũng nêu lại ý kiến cho rằng suất đầu tư của ba dự án có vẻ cao (dự án Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột trung bình là 93 tỷ/km, dự án Biên Hòa - Vũng Tàu là 165tỷ/km, còn dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng 208 tỷ/km) và đề nghị khi báo cáo ra Quốc hội cần giải trình, làm rõ căn cứ để tăng tính thuyết phục là như thế đã tiết kiệm đã hiệu quả trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn hay chưa.
Ông Thanh cũng cho biết, dự kiến ngày 20/5 Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về ba dự án, nếu đủ điều kiện thì sẽ trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư tại kỳ họp thứ ba (khai mạc ngày 23/5).
BizLive