MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xét xử Huyền Như: Công ty Hưng Yên chấp nhận bị lừa hơn 200 tỷ

08-02-2018 - 11:40 AM | Tài chính - ngân hàng

Trong quá trình điều tra lại, Công ty Hưng Yên đã có công văn gửi cơ quan điều tra, chấp nhận việc bị Huyền Như lừa 200 tỷ

11:05 ngày 08/02/2018

VKS tham gia xét hỏi. Trả lời các câu hỏi của VKS, Huyền Như cho hay, thời điểm đó Vietinbank không có nhu cầu huy động tiền gửi, nhưng vẫn có một số người chủ động gọi điện cho bị cáo gửi tiền, có người thì bị cáo chủ động liên lạc.

Tiếp tục trả lời câu hỏi của VKS, Như cho biết, một số công ty có tài khoản tại ngân hàng, nhưng Như vẫn yêu cầu thành lập tài khoản mới tại ngân hàng. Theo Huyền Như, như vậy sẽ dễ dàng dùng các thủ đoạn để chiếm đoạt tiền

11:00 ngày 08/02/2018

Theo Huyền Như, để huy động số tiền gửi của 5 công ty, chị ta dùng thủ đoạn chi lãi suất ngoài vượt trần lãi suất ở mức cao, chi đậm tiền môi giới.

10:41 ngày 08/02/2018

Chi tiền môi giới hàng tỷ đồng?

Thừa nhận chiếm đoạt số tiền gần 125 tỷ đồng của Công ty Bảo hiểm Toàn Cầu, “siêu lừa” khai đã phải chi tiền môi giới cho chị Lê Thị Trúc Giang – nhân viên Ban Tài chính – Kế toán Công ty Bảo hiểm Toàn Cầu số tiền hơn 1,7 tỷ đồng. Ngoài ra, trong hành vi chiếm đoạt 125 tỷ đồng, Huyền Như còn chi cho một người phụ nữ tên Lê Huyền Trân số tiền hơn 5 tỷ đồng.

Đối chất lời khai, chị Lê Thị Trúc Giang phủ nhận lời khai nhận số tiền 1,7 tỷ đồng của Huyền Như.

Việc giao dịch để huy động tiền gửi của Công ty Bảo hiểm Toàn Cầu theo Huyền Như là thực hiện ở quán cà phê

10:40 ngày 08/02/2018

Võ Anh Tuấn không thừa nhận hưởng lợi 10 tỷ

Về số tiền 10 tỷ đồng chi cho Võ Anh Tuấn, như cáo buộc của VKS, Huyền Như và Võ Anh Tuấn không thừa nhận mà cho rằng, đấy là tiền đầu tư vào nhà máy lau bông gạo tại tỉnh An Giang.

10:28 ngày 08/02/2018

Sau khi VKS hoàn thành việc công bố bản cáo trạng, HĐXX bước vào phần thẩm vấn.

Trả lời thẩm vấn HĐXX, Huyền Thị Huyền Như khai, liên lạc và gặp mặt trực tiếp chị Nguyễn Thị Nga – nhân viên ngân hàng. Thông qua chị Nga thì Như tiếp cận để huy động vốn một số công ty trong đó có Công ty Hưng Yên. Như đồng tình quan điểm của cáo trạng truy tố. Như thừa nhận là dùng tên giả và giới thiệu là nhân viên của Võ Anh Tuấn.

Chủ tọa hỏi lại: Lúc gặp mặt Công ty Hưng Yên bị cáo lấy tư cách là nhân viên của Vietinbank? Trả lời HĐXX, Như cho hay, thời điểm đó, mình lấy danh nghĩa là nhân viên của Võ Anh Tuấn.

10:17 ngày 08/02/2018

Cáo trạng cũng cho biết, Công ty Hưng Yên đã có công văn gửi cơ quan điều tra chấp nhận bị Huyền Như lừa hơn 200 tỷ đồng.

10:15 ngày 08/02/2018

Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt của Công ty Phương Đông 380 tỷ đồng và chiếm đoạt của Công ty An Lộc hơn 170 tỷ đồng.

Trong hành vi này, Huyền Như đã đưa ra mức lãi suất ngoài hợp đồng từ 5-5,5%/năm, lãi trong hợp đồng là 14%/năm....

Tổng số tiền Huyền Như chiếm đoạt của 5 công ty là 1085 tỷ đồng

10:10 ngày 08/02/2018

Huyền Như chiếm đoạt hơn 125 tỷ đồng của Công ty Bảo hiểm Toàn Cầu

Vẫn thủ đoạn tương tự, Huyền Như đưa ra hợp đồng lãi suất tiền gửi là 14%/năm, chênh lệch ngoài hợp đồng là 2%/năm.

Như lập giả 5 hợp đồng ủy thác giữa Công ty Bảo hiểm Toàn Cầu với Vietinbank. Khi Công ty Bảo hiểm Toàn Cầu gửi 125 tỷ đồng vào tài khoản mở tại ngân hàng thì Huyền Như đã dùng thủ đoạn chiếm đoạt.

10:04 ngày 08/02/2018

Xét xử Huyền Như: Công ty Hưng Yên chấp nhận bị lừa hơn 200 tỷ - Ảnh 1.
 

10:02 ngày 08/02/2018

Huyền Như chiếm đoạt hơn 209 tỷ đồng của Công ty Cổ phần chứng khoán Saigonbank –Berjaya (SBBS).

Như biết Công ty SBBS có nguồn tiền nhàn rỗi. Như thỏa thuận với bà Vũ Thị Mỹ Linh – kế toán trưởng SBBS để huy động tiền gửi. Lãi suất hợp đồng là 14%, lãi ngoài hợp đồng là 2%-7%/năm.

Khi Công ty SBBS gửi tiền vào ngân hàng, Như đã làm giả 14 hợp đồng ủy thác đầu tư vốn giữa SBBS với Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè, giả chữ ký của lãnh đạo ngân hàng để huy động vốn của SBBS. Sau khi Công ty SBBS chuyển 225 tỷ đồng mở tại chi nhánh của Vietinbank thì Như lập các lệnh chi, giả chữ ký của TGĐ Công ty SBBS để chiếm đoạt tiền.

Hành vi này, Như đã chuyển lại cho SBBS số tiền 4,2 tỷ đồng tiền lãi ngoài hợp đồng. Đến khi xuất hiện vụ án siêu lừa Huyền Như, chị ta đã trả cho SBBS tổng cộng hơn 26,3 tỷ đồng. Như chiếm đoạt của Công ty SBBS số tiền hơn 209 tỷ đồng.

09:50 ngày 08/02/2018

Hành vi của Võ Anh Tuấn là: Biết Như dùng tên giả, lấy danh nghĩa cán bộ ngân hàng để huy động vốn. Như có trao đổi với Tuấn về các hợp đồng tiền gửi của Công ty Hưng Yên. Tuấn biết hành vi gian dối của Như nhưng vẫn để mặc cho hậu quả xảy ra.

Trong quá trình Như lừa đảo trong huy động tiền gửi của các đơn vị cá nhân, Tuấn được Như chuyển cho 10 tỷ đồng. Hành vi của Tuấn cấu thành tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản với vai trò đồng phạm giúp sức.

09:45 ngày 08/02/2018

Chiếm đoạt hơn 200 tỷ đồng của Công ty Hưng Yên

Hành vi của Huyền Như và Võ Anh Tuấn lừa đảo chiếm đoạt hơn 200 tỷ đồng của Công ty Hưng Yên. Theo Viện, Như biết Nguyễn Thị Nga biết một số công ty có tiền muốn gửi và cần gặp trực tiếp để đàm phán. Như rủ Tuấn ra Hà Nội gặp 3 công ty Phúc Vinh, Công ty Thịnh Phát, Công ty Hưng Yên. Như giới thiệu tên là Quyên, nhân viên của Anh Tuấn – PGĐ Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè đang có nhu cầu huy động vốn.

Sau đó Như gặp Nga và thỏa thuận về tiền gửi với lãi suất 18-22%/năm tùy theo số tiền và thời gian gửi. Như yêu cầu gửi hồ sơ các công ty để làm thủ tục mở tài khoản tại Vietinbank chi nhánh TP.HCM. Khi đã có hồ sơ mở tài khoản, Như đã lấy mẫu con dấu của các công ty thuê khắc làm con dấu giả, để sử dụng lập chứng từ giả, nhằm chiếm đoạt tiền gửi.

Hành vi này, Như làm giả 8 hợp đồng tiền gửi và hợp đồng tiền gửi và phụ lục hợp đồng với công ty Hưng Yên. Như giả chữ ký lãnh đạo Vietnbank Chi nhánh Nhà Bè trong đó có chữ ký của Võ Anh Tuấn để huy động 537 tỷ đồng. Khi tiền của Công ty Hưng Yên chuyển vào tài khoản mở tại Vietinbank thì Như đã làm giả 14 lệnh chi, giả chữ ký của ông Tạ Duy Hùng – Giám đốc Công ty Hưng Yên để rút tiền để thanh toán nợ. Như trả lại số tiền hơn 336 tỷ đồng và chiếm đoạt của Công ty Hưng Yên hơn 200 tỷ đồng.

09:27 ngày 08/02/2018

Theo truy tố, do làm ăn kinh doanh thua lỗ, từ tháng 5/2011 đến tháng 9/2011, Huyền Như đã lấy danh nghĩa là cán bộ ngân hàng trực tiếp gặp gỡ, thỏa thuận với người môi giới, người đại diện của 5 công ty với chiêu bài hưởng lãi suất cao.

Ngoài việc hứa trả lãi vượt trần quy định của NHNN, Huyền Như còn chi thêm chi phí cho người môi giới.

Khi các đơn vị chuyển tiền vào ngân hàng thì Huyền Như đã lập chứng từ, giả chữ ký chủ tài khoản để chiếm đoạt tiền trả nợ cho cá nhân.

09:19 ngày 08/02/2018

Sau phần thủ tục, phiên tòa bắt đầu bước vào phần xét hỏi. Mở đầu phần xét hỏi, công tố viên công bố bản cáo trạng truy tố hai bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như và Võ Anh Tuấn ra trước tòa.

09:18 ngày 08/02/2018

Quan điểm của HĐXX về các vấn đề được LS nêu trong phần thủ tục: Về việc mời các điều tra viên và kiểm sát viên theo tòa không cần thiết. Các vấn đề khác LS đưa ra như triệu tập một số người đến phiên tòa, thay đổi tư cách tham gia tố tụng của Vietinbank… tòa sẽ xem xét trong quá trình xét xử vụ án

09:12 ngày 08/02/2018

Xét xử Huyền Như: Công ty Hưng Yên chấp nhận bị lừa hơn 200 tỷ - Ảnh 2.

Hai Kiểm sát viên thực hành quyền công tố tại phiên tòa xét xử vụ án Huỳnh Thị Huyền Như



09:07 ngày 08/02/2018

Kiểm sát viên của Viện Kiểm sát Nhân dân TP.HCM – đơn vị được ủy quyền thực hành quyền công tố tại phiên tòa nêu quan điểm: Đối với một số người LS đề nghị triệu tập, nếu thấy cần thiết trong quá trình xét xử đề nghị HĐXX yêu cầu những người này đến tòa. Về quan điểm của LS Phan Trung Hoài, theo công tố viên: “Điều này không cần thiết”

08:56 ngày 08/02/2018

Đưa quan điểm về phần thủ tục, luật sư cho rằng, việc những người được triệu tập nhưng vắng mặt tại phiên tòa sẽ gây khó khăn cho phiên xử.

LS Phan Trung Hoài – bào chữa cho Võ Anh Tuấn, đề nghị HĐXX áp dụng bộ luật tố tụng hình sự mới để mời điều tra viên của cơ quan điều tra Bộ Công an và kiểm sát viên Viện Kiểm sát Tối cao thực hiện quá trình tố tụng của vụ án đến phiên tòa để làm rõ vấn đề tố tụng đối với bị cáo Võ Anh Tuấn. Luật sư cho rằng, một hành vi của Võ Anh Tuấn đang bị xem xét trách nhiệm hình sự hai lần.

08:45 ngày 08/02/2018

Các cá nhân Nguyễn Văn Sẽ và Nguyễn Thị Minh Hương được triệu tập không có mặt tại phiên tòa. Ông Sẽ đã định cư ở Mỹ và có đơn xin vắng mặt, bà Hương thì đang điều trị bệnh. Ông Trương Hoàng Minh có mặt tại phiên tòa. 3 cá nhân trên là cựu lãnh đạo ngân hàng được tòa triệu tập.

08:42 ngày 08/02/2018

Xét xử Huyền Như: Công ty Hưng Yên chấp nhận bị lừa hơn 200 tỷ - Ảnh 3.

Huỳnh Thị Huyền Như và Võ Anh Tuấn tại phiên tòa


08:34 ngày 08/02/2018

Xét xử Huyền Như: Công ty Hưng Yên chấp nhận bị lừa hơn 200 tỷ - Ảnh 4.

Chủ tọa Huỳnh Anh Kiệt công bố quyết định đưa vụ án ra xét xử. Tòa tạo điều kiện cho phóng viên tác nghiệp trong phòng xử những phút đầu làm thủ tục


08:34 ngày 08/02/2018

An ninh tại tòa được thắt chặt. Hàng chục cảnh sát bảo vệ tư pháp được bố trí bảo vệ quanh phòng xử. Tòa bố trí hai khu vực để người tham gia tố tụng và những người liên quan đến vụ án có thể theo dõi phiên xét xử

08:13 ngày 08/02/2018

Sáng nay, Tòa án Nhân dân TP.HCM mở phiên tòa xét xử vụ án Huỳnh Thị Huyền Như (SN 1978, cựu Phó phòng quản lý rủi ro NH TMCP Công Thương Việt Nam Chi nhánh TP.HCM –Vietinbank Chi nhánh TP.HCM) và Võ Anh Tuấn (SN 1972, cựu cán bộ Văn phòng NH Vietinbank Chi nhánh TP.HCM) Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

5 bị hại trong vụ án này là Công ty Hưng Yên, Công ty Cổ phần Chứng khoán Saigonbank – Berjaya, Công ty Bảo hiểm toàn cầu, Công ty Phương Đông, Công ty Cổ phần thương mại An Lộc. Tổng thiệt hại của vụ án là 1.085 tỷ đồng.

Theo PV

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên