MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xin lỗi doanh nghiệp Anh vì Tân Sơn Nhất quá tải

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Anh Quốc tại Việt Nam cho rằng hiện tình trạng quá tải ở sân bay ảnh hưởng đến hình ảnh Việt Nam cũng như thu hút khách quốc tế đến.

Chiều 14-10, Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) chủ trì, phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp Anh Quốc tại Việt Nam (BBGV) và các sở, ngành liên quan tổ chức hội nghị bàn tròn giữa chính quyền TP.HCM và Hiệp hội Doanh nghiệp Anh Quốc tại Việt Nam năm 2019.

Ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc ITPC, cho biết đây là lần đầu tiên hội nghị bàn tròn được tổ chức, đánh dấu mốc quan trọng trong quan hệ hợp tác đầu tư giữa Vương quốc Anh và TP.HCM.

TP luôn muốn thu hút thêm nhiều nhà đầu tư từ Anh, nên hội nghị được tổ chức để chính quyền TP gặp gỡ, đối thoại nhằm tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn. Tiếp nhận các ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp Anh để phục vụ công tác thu hút đầu tư tốt hơn.

Ông Kenneth Atkinso, thành viên HĐQT BBGV tại Việt Nam, đặt một số câu hỏi: Lương hưu có được chuyển về nước hay không khi người nước ngoài rời khỏi Việt Nam? Sau các vụ M&A sẽ có nhiều nhân sự Việt Nam của công ty bị sáp nhập được chuyển sang công ty sáp nhập. Vậy công ty bị sáp nhập có phải thông báo cho cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) về việc cắt giảm nhân viên của mình và giải quyết các sổ BHXH của nhân viên để chuyển sang công ty sáp nhập không?

Bên cạnh đó, sau khi M&A các công ty tại Việt Nam, liệu công ty sáp nhập nộp đơn xin cấp thẻ cư trú mới cho nhân viên nước ngoài được chuyển từ công ty bị sáp nhập không?

Đại diện BHXH TP.HCM trả lời: Căn cứ Nghị định 143/2018/NĐ-CP quy định người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH hoặc không tiếp tục cư trú tại Việt Nam thì được hưởng BHXH một lần. Việc đóng và hưởng chế độ hưu trí, tử tuất bắt đầu thực hiện từ ngày 1-1-2022.

Liên quan đến việc doanh nghiệp bị sáp nhập có cần thông báo cắt giảm nhân viên khi bị sáp nhập không? Đại diện BHXH TP.HCM cho hay căn cứ Điều 21 Luật BHXH quy định người sử dụng lao động có trách nhiệm lập hồ sơ để người lao động được cấp sổ BHXH, đóng hưởng BHXH. Thực hiện theo các quy định trên, do công ty bị sáp nhập chấm dứt tồn tại, người sử dụng lao động có trách nhiệm báo cáo tình hình lao động tham gia BHXH, BHYT, BHTN...

Đại diện cho Cục Quản lý xuất nhập cảnh cho biết căn cứ theo Luật Doanh nghiệp về mặt pháp lý, công ty bị sáp nhập không còn tồn tại, nên công ty nhận sáp nhập phải tiến hành cấp đổi thẻ thường trú cho nhân viên người nước ngoài theo đúng quy định của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Xin lỗi doanh nghiệp Anh vì Tân Sơn Nhất quá tải - Ảnh 1.

Bà Võ Thị Minh Nguyệt, đại diện Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam, trao đổi thông tin cùng Hiệp hội Doanh nghiệp Anh tại hội nghị.

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Anh Quốc tại Việt Nam cho rằng hiện tình trạng quá tải ở sân bay ảnh hưởng đến hình ảnh Việt Nam cũng như thu hút khách quốc tế đến. Vậy kế hoạch mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất và dự án xây dựng sân bay Long Thành ra sao?

Bà Võ Thị Minh Nguyệt, Trưởng ban Pháp chế hợp tác quốc tế Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV), cho biết trong ba năm qua ACV cố gắng triển khai nhiều dự án tập trung với việc “giải cứu” Tân Sơn Nhất khi rơi vào tình trạng quá tải công suất thiết kế.

Theo bà Nguyệt, công suất thiết kế đối với một nhà ga là công suất theo các tiêu chuẩn quốc tế để đảm chất lượng phục vụ rất cao và rất tốt. Còn công suất khai thác thực tế thường cao hơn công suất thiết kế rất nhiều, 1,5% là bình thường cho nên nói về mất an toàn chúng ta không cần phải lo lắng.

“Tuy nhiên, về chất lượng phục vụ, ACV gửi đến doanh nghiệp Anh một trong những khách hàng thường xuyên qua cảng Tân Sơn Nhất lời xin lỗi. Vì với sự quá tải như vậy nhiều khi chất lượng phục vụ không đạt như tiêu chuẩn quốc tế mà chúng tôi hướng tới…” - bà Nguyệt nói.

Trong nhiều năm qua ACV đã mở rộng nhà ga hiện hữu là T1, T2 để đạt công suấ t phục vụ, công suất thiết kế đến thời điểm này khoảng 30 triệu khách/năm. Trong năm 2020 dự án lớn nhất tiếp theo là xây dựng nhà ga hành khách T3, với công suất phục vụ 20 triệu hành khách/năm.

Đến thời điểm này ACV đã hoàn thành công tác lập nghiên cứu tiền khả thi dự án, cũng đã gửi hồ sơ dự án lên UBND TP.HCM xin ý kiến. Đồng thời báo cáo các ban, ngành, Chính phủ xin chủ trương xây dựng.

Dự kiến sau khi được phê duyệt chủ trương đầu tư, ACV sẽ gấp rút triển khai để đảm bảo tiến độ tổng thể của dự án hoàn thành đưa vào khai thác quý II-2020… 

Vương quốc Anh luôn là một trong những đối tác quan trọng trên nhiều lĩnh vực của TP. Tính đến tháng 9-2019, Anh là một trong những nhà đầu tư lớn với 153 dự án còn hiệu lực. Tổng vốn đầu tư đạt hơn 600 triệu USD.

Theo Tú Uyên

Pháp luật Tp Hồ Chí Minh

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên