Xô đổ kỷ lục 10 năm, "vua lẩu" gốc Trung thành tỷ phú giàu nhất Singapore: Bỏ học để mở nhà hàng lẩu dù không biết nấu, coi trọng nhân viên hơn cả khách hàng!
Vị CEO gốc Tứ Xuyên của chuỗi nhà hàng lẩu Haidilao này đã trở thành người giàu nhất Singapore năm 2019 với khối tài sản trị giá 13,8 tỷ USD, sau khi nhập tịch vào nước này.
- 17-09-2019Nhà báo Mai Anh, Ninh Dương Lan Ngọc và Quang Hải truyền cảm hứng tới hàng triệu người Việt: "MXH Lotus sẽ mang đến cơ hội lan tỏa niềm tự hào giá trị Việt Nam"
- 17-09-2019Tập duy trì thói quen buổi sáng của Oprah Winfrey trong 1 tuần, tôi nhận ra sống lành mạnh không hề dễ dàng nhưng HIỆU QUẢ, rất đáng để thử!
- 16-09-2019Đến thăm quốc gia không hút thuốc, khí thải bằng 0, đặt hạnh phúc của người dân trên cả pháp luật: Chỉ nhìn lối sống của Thủ tướng đã thấy ngưỡng mộ!
Trước đây, tỷ phú Zhang Yong - người sáng lập của chuỗi nhà hàng lẩu Tứ Xuyên Haidilao - đã từng có tên trong danh sách những người giàu nhất Trung Quốc. Giờ đây, vị doanh nhân 50 tuổi gốc Trung này lại thống lĩnh BXH 50 người giàu nhất Singapore năm 2019.
Theo tạp chí Forbes châu Á, tỷ phú Zhang có khối tài sản ước tính 13,8 tỷ USD. Ông đã đánh bại kỷ lục 10 năm đứng đầu BXH 50 người giàu nhất Singapore của hai anh em Philip và Robert Ng - CEO tập đoàn bất động sản Far East Organization và tập đoàn Sino Group. Năm nay, họ chỉ đứng ở vị trí thứ 2, với khối tài sản trị giá 12,1 tỷ USD.
Lần đầu tiên, ông Zhang Yong xuất hiện trong BXH, nhờ quyết định trở thành công dân Singapore. Việc công ty trị giá 963 triệu USD của ông lên sàn chứng khoán Hong Kong năm ngoái cũng khiến khối tài sản cá nhân của vị tỷ phú này tăng lên.
Tỷ phú Zhang Yong - chủ chuỗi nhà hàng lẩu Haidilao.
"Câu cá dưới đáy sông"
Giống như tên gọi mang ý nghĩa là "câu cá dưới đáy sông", thương hiệu Haidilao của tỷ phú Zhang Yong cũng có một xuất phát điểm khá khiêm tốn. Ban đầu, nó chỉ là một nhà hàng lẩu nhỏ gồm 4 bàn, mới mở ở tỉnh Tứ Xuyên vào năm 2014.
Sinh ra tại thành phố Giản Dương, tỉnh Tứ Xuyên, ông Zhang đang học cấp 3 thì bỏ giữa chừng để đi làm công nhân hàn ở một xưởng máy. Tuy nhiên, do tranh cãi với công ty về việc trợ cấp nhà ở cho mình và vợ, ông lại bỏ việc để kinh doanh riêng. Sau nhiều thất bại ban đầu, cuối cùng ông Zhang quyết định kinh doanh nhà hàng lẩu, nhờ một trải nghiệm nhớ đời.
Năm 19 tuổi, vị tỷ phú lần đầu được thưởng thức món lẩu tại một nhà hàng ở vùng nông thôn của tỉnh Tứ Xuyên. Khác với những gì ông tưởng tượng, món lẩu ở đó hết sức bình thường, chẳng khác gì các bữa cơm ở căng-tin xí nghiệp. Ấn tượng duy nhất còn đọng lại trong đầu ông Zhang là thái độ phục vụ thiếu chuyên nghiệp và chất lượng lẩu dưới mức trung bình. Đó chính là một phần lý do khiến ông quyết định mở một nhà hàng lẩu của riêng mình, trong đó chất lượng món ăn và tác phong phục vụ phải là ưu tiên hàng đầu.
Khi đó, tỷ phú Zhang còn chẳng biết gì về nấu ăn, chứ chưa nói gì đến việc làm một nồi lẩu Tứ Xuyên truyền thống.
"Tôi chỉ có hai bàn tay trắng, do đó phải nhờ người khác đầu tư, dù số tiền đó chưa tới 10.000 tệ (khoảng 1.400 USD)", ông Zhang nhớ lại trong một buổi phỏng vấn với tờ The Economic Observer năm 2011.
"Mặc dù không đóng góp gì về tiền bạc, tôi vẫn chịu trách nhiệm làm quản lý. Tôi hứa với họ rằng việc kinh doanh sẽ thu về 150.000 tệ trong vòng 5 năm", ông nói. "Tôi thề rằng nếu không quản lý được nhà hàng, tôi sẽ đền bù cho họ. Vào những năm 1990, đó là một số tiền khổng lồ với một nhóm 20 người. Do đó, họ có chút ngạc nhiên".
Nhà hàng nhỏ này sau đó đã mở rộng và chiếm lĩnh thị phần ngành kinh doanh lẩu.
"Ban đầu, chúng tôi chỉ có một chi nhánh tại Giản Dương", tỷ phú Zhang hồi tưởng. "Mặc dù nhà hàng chẳng lớn lắm nhưng chúng tôi vẫn áp đảo các nhà hàng lẩu khác trên thị trường".
Khi mới mở, nhà hàng Haidilao cũng gặp khá nhiều khó khăn. "Ai cũng nghĩ tôi bị điên khi cứ đầu tư hết tiền vào đó. Nhưng chỉ trong vòng vài tháng, chúng tôi trở thành nhà hàng lẩu lớn nhất ở Giản Dương", ông Zhang nhớ lại.
"Lúc đầu, chúng tôi chỉ có 4 bàn. Sau này, nhà hàng đã phải xây thêm cả một tầng nữa. Nhà hàng của chúng tôi được trang trí rất đẹp, lại còn có điều hòa. Đến năm 1998, chúng tôi mở chi nhánh thứ hai".
Coi trọng trải nghiệm khách hàng, tin tưởng hoàn toàn nhân viên
Ngày nay, thương hiệu Haidilao của tỷ phú Zhang Yong đã có hơn 600 chi nhánh trên toàn cầu, nổi tiếng với những món ăn cay đặc trưng làm nức lòng thực khách. Zhang Yong thành công như vậy là nhờ luôn tâm niệm phải mang đến những trải nghiệm tuyệt vời nhất cho khách hàng.
Nhà hàng này luôn có những dịch vụ chăm sóc khách hàng rất độc đáo, ví dụ như sửa móng tay hoặc đánh giày miễn phí cho khách trong lúc chờ đợi. Họ thậm chí còn còn trang bị cả phòng chụp ảnh lấy ngay, sạc điện thoại và cũi dành cho em bé. Tại đây, mỗi món ăn đều là một nghệ thuật. Nếu gọi món mì tươi, thực khách sẽ được chiêm ngưỡng màn "múa mì" vô cùng điệu nghệ từ nhân viên.
Theo tỷ phú Zhang, trải nghiệm của khách hàng là yếu tố hết sức quan trọng. "Tôi vốn xuất thân từ nông thôn - nơi mà người dân đều tin rằng, nếu bạn lấy tiền của người khác mà không đem lại lợi ích gì cho họ, bạn chỉ là một kẻ dối trá", ông nói.
Từng khởi nghiệp với hai bàn tay trắng, Zhang Yong hiểu rằng sự thành bại của thương hiệu thật ra nằm ở nhân viên. Bởi lẽ, họ là những người trực tiếp làm việc, phục vụ khách hàng mỗi ngày. Đó cũng là lý do ông khẳng định, "nhân viên còn quan trọng hơn thực khách".
Tại chuỗi nhà hàng của tỷ phú Zhang Yong, bồi bàn được tự do đóng góp ý kiến. Chỉ cần sáng kiến của họ có thể nâng cao chất lượng phục vụ - chẳng hạn phát bao nilon để khách hàng bọc điện thoại, họ sẽ được thưởng hậu hĩnh. Ngoài ra, nhân viên còn được hưởng các phúc lợi như trợ cấp nhà ở, tiền phụng dưỡng cha mẹ, tiền đóng học phí cho con,...
"Muốn sáng tạo, bạn phải để nhân viên nghĩ ra ý tưởng và áp dụng chúng", ông nói.
Thành công là vậy nhưng ông Zhang thừa nhận rằng không phải lúc nào ông cũng tự tin. "Ở tuổi 14, đứa con trai nào cũng vỡ giọng, còn tôi thì không", vị tỷ phú nhớ lại. "Mọi người cười cợt khiến tôi hoang mang và lo lắng, đến nỗi không dám nói chuyện với con gái". Khi ấy, ông chỉ biết tìm niềm vui trong những cuốn sách ở thư viện, với nhiều chủ đề khác nhau.
"Trước khi đọc sách, tôi là một kẻ khờ dại và ngu ngốc. Tuy nhiên, tôi luôn tin vào khái niệm bình đẳng", Zhang Yong cho biết. "Giáo dục biến bạn trở thành một con người đúng nghĩa. Nếu bạn được dạy dỗ theo lối cũ, bạn sẽ nhìn nhân viên bằng con mắt giống như những người khác. Kỹ năng quản lý không liên quan gì cả".
"Tại sao tôi lại thấu hiểu nhân viên của mình đến vậy ư? Đó là nhờ vào nguyên tắc đạo đức mà tôi xây dựng, cũng như những gì tôi đã trải nghiệm ở tuổi 14-15 xưa kia".
SCMP