Xóa sổ loạt cửa hàng ở Hà Nội và TP HCM, Soya Garden còn cách nào thoát hiểm?
CEO của hãng này đã phủ nhận doanh nghiệp chuẩn bị "toang" như lời đồn thổi của nhiều người và cho biết Soya đang có kế hoạch "tái sinh".
- 28-05-2020Hàng loạt cửa hàng Soya Garden tại Hà Nội ngừng hoạt động
- 28-05-2020CEO Soya Garden: Covid-19 giúp chúng tôi đủ dũng cảm đóng bớt mô hình chưa phù hợp, chuyển sang hướng kinh doanh mới hiệu quả hơn
- 27-05-2020Dính đòn Covid-19, Soya Garden đóng cửa hầu hết cửa hàng tại TP. HCM
Soya Garden Hà Nội đóng một số cửa hàng
Hôm nay, trong10 địa điểm của thương hiệu này ở Hà Nội được khảo sát có 3 cửa hàng đã đóng cửa. Trong đó, mặt bằng do Soya Garden thuê trên đường Lê Thanh Nghị hiện "cửa đóng then cài". Cũng tình trạng tương tự, một cửa hàng khác tại phố Phạm Ngọc Thạch và Nguyễn Huy Tưởng, chủ mặt bằng cũng đã treo biển tìm người cho thuê.
Tọa lạc ở vị trí đẹp trên đường Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội, Soya Garden tại đây đang được rao sang nhượng với giá 380 triệu đồng. Theo người rao sang nhượng, chi phí đầu tư ban đầu mở cửa hàng lên tới 1,3 tỷ đồng.
Mở cửa trở lại sau giãn cách xã hội, chuỗi này cũng đã điều chỉnh lại thực đơn đồ uống, gạch bỏ khá nhiều sản phẩm quen thuộc trước đây như Beancurd gừng hay Beancurd hạt sen.
Soya Garden trên phố Phạm Ngọc Thạch, Hà Nội đóng cửa.
Cửa hàng trên đường Nguyễn Huy Tưởng cũng ngừng hoạt động.
Nhiều bàn ghế tại đây vẫn chưa được thu dọn.
Là một chuỗi kinh doanh đậu nành hữu cơ khá "được lòng" thực khách và nhận đầu tư tới hơn 100 tỷ đồng từ các nhà đầu tư, vì thế, việc đóng cửa hàng loạt cửa hàng của Soya Garden dấy lên nhiều tranh cãi trong giới F&B về cách vận hành của thương hiệu. Nhiều bình luận của người tiêu dùng tỏ ra tiếc nuối vì mất một địa điểm dùng đồ uống hữu cơ quen thuộc.
Một chuyên gia trong lĩnh vực Marketing cho rằng, có thể, thương hiệu đang gặp gánh nặng chi phí, đặc biệt là chi phí mặt bằng, bởi Soya Garden nằm ở các vị trí đẹp, ở các tuyến phố nổi tiếng giá thuê đắt đỏ như Bà Triệu, Kim Mã, Phạm Ngọc Thạch… trong khi một số cửa hàng khá vắng khách.
"Dịch Covid-19 có thể là một tác nhân đẩy nhanh quá trình thương hiệu này phải đóng hàng loạt cửa hàng. Họ nên thay đổi, tối ưu mô hình kinh doanh, chỉ giữ lại địa điểm kinh doanh có hiệu quả, hoặc cân nhắc phân phối sản phẩm cho các chuỗi bán lẻ", vị này chia sẻ.
Thu Anh, một khách hàng thân quen của Soya Garden tại Vũ Trọng Phụng cho hay, chị thích Soya Garden vì đồ uống hợp khẩu vị, không gian quán sạch sẽ, vì thế thấy tiếc khi nhiều điểm bán hàng đóng cửa.
Trong khi đó, cũng có ý kiến cho rằng, đồ uống của Soya Garden chưa thực sự đặc biệt và thu hút đông đối tượng khách hàng, đặc biệt là nam giới. Thậm chí, có người cho rằng, chi phí từ 50.000 đồng cho một cốc đậu nành là khá cao.
Những ý kiến tranh luận của giới F&B hay tranh luận trái chiều của người tiêu dùng cho thấy Soya Garden nhận được rất nhiều sự chú ý. Chưa nói về chất lượng sản phẩm hay mức độ quan tâm đến dòng đậu nành hữu cơ thì vấn đề chi phí mặt bằng của chuỗi cửa hàng khá "nóng".
Đơn cử, tại ngã 6 Phù Đổng, phường Bến Thành, quận 1, một trong những địa điểm đắc địa nhất của TP.HCM - nơi Phúc Long từng tọa lạc và sau đó cửa hàng sản phẩm từ đậu nành hữu cơ Soya Garden có chi phí "siêu đắt đỏ".
Theo thống kê của Savills năm 2019, giá thuê một căn nhà tùy thuộc vào vị trí cụ thể và diện tích ở các khu vực nổi tiếng về trà sữa, cà phê như đường Nguyễn Huệ, đường Ngô Đức Kế, khu ngã 6 Phù Đổng, đường Phan Xích Long dao động từ 6.000 USD - 20.000 USD/căn/tháng.
Tại Hà Nội, tòa nhà 5 tầng với diện tích chừng 500m2 mà Soya Garden từng thuê trên phố Phạm Ngọc Thạch hiện đang được chủ nhà rao cho thuê với giá 4.000 USD/tháng.
Cửa hàng tại Kim Mã hiện vẫn hoạt động. Đây cũng là điểm có giá thuê mặt bằng khá cao ở Hà Nội.
Nguyễn Chí Thanh cũng là tuyến đường khá đắt đỏ về thuê mặt bằng.
Soya Garden thay đổi mô hình kinh doanh
Thông tin chuỗi kinh doanh đậu nành hữu cơ Soya Garden liên tiếp đóng cửa nhiều chi nhánh tại phía Nam làm dấy lên tin đồn Soya Garden sẽ đóng cửa thương hiệu.
Liên quan đến sự việc, CEO Soya Garden Hoàng Anh Tuấn đã phủ nhận thông tin chuỗi Soya "thất thủ" như đồn đoán và cho biết, việc này là nhằm thay đổi mô hình kinh doanh để phù hợp hơn với thị trường.
Vị đại diện Soya Garden cho rằng, trong ngành F&B, việc đóng bớt các cửa hàng là chuyện không còn xa lạ và Covid-19 cũng là nhân tố ảnh hưởng đến quyết định đóng cửa chi nhánh của Soya.
Tuy nhiên việc đóng một nửa số quán không thể xem là tốt, vì thế, có thể Soya Garden sẽ tập trung vào các cửa hàng đang kinh doanh tốt, cùng mô hình kios nhỏ và đẩy mạnh mảng giao hàng hơn trong thời gian tới.
Là một trong những startup nổi tiếng trong chương trình Shark Tank Việt Nam mùa một, Soya Garden là dự án gọi vốn thành công khi được Shark Nguyễn Ngọc Thuỷ đồng ý đầu tư 15 tỷ đồng vào công ty, sau đó con số này được nâng dần lên 100 tỷ. Đến cuối năm 2019, Soya Garden đã khai trương cửa hàng thứ 50 tại TP HCM.
Tuy nhiên, mục tiêu chạm mốc 100 cửa hàng vào cuối năm 2020, 300 cửa hàng vào cuối năm 2021 của thương hiệu này đã tạm chậm lại sau cú "sốc" Covid-19. Liệu Soya Garden có "thoát hiểm" sau lần điều chỉnh này hay không vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ.
Nhịp sống Việt