MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Café tuần mới] 22 tuổi, tôi lớn lên mà không có Internet

11-08-2014 - 08:08 AM |

Tôi là Steven Tweedie, phóng viên công nghệ của trang Business Insider. Dưới đây là câu chuyện kể về cuộc sống của tôi ....

Đó là vào năm 2008, tôi đang ngồi ở cửa sổ tầng 2, bê chiếc laptop Compaq của bố đi khắp phòng chỉ để cố gắng bắt sóng Wi-Fi (không cài password) của nhà hàng xóm.

Tôi đâu có bị khùng, chỉ là tôi sống trong một gia đình không có mạng internet cho tới tận năm 2013 mà thôi.

Bố mẹ đâu biết rằng chính vì được nuôi lớn trong không gian đó nên tôi đã sớm trở thành “điệp viên MacGyver” trong việc lùng sục internet. Tôi đã láu cá gợi ý việc chuyển phòng làm việc của gia đình lên tầng trên, cốt để tiếp cận dễ dàng hơn với cột sóng Wi-Fi kia.

Và tôi cũng cần phải cẩn thận, mặc dù phải mất vài năm nữa bố mẹ mới hiểu Wi-Fi là cái gì, nhưng họ đã rất rõ ràng về việc họ không muốn trong nhà có sự xao lãng do Internet gây ra.

Phụ huynh tôi khá là cổ hủ, và mạng internet đối với họ chẳng khác nào một cái hộp toàn giun dế không nên mở ra. Lo sợ rằng tôi và ông anh trai của tôi sẽ dán mắt vào màn hình vi tính sau mỗi giờ tan học, bố mẹ khuyến khích các hoạt động nâng cao óc sáng tạo theo kiểu truyền thống hơn như đọc sách, vẽ tranh hay vận động ngoài trời.

Vì họ luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nuôi dưỡng óc sáng tạo và tránh xa sự tự thỏa mãn, nên với chúng tôi, những ngày lười biếng chỉ có xem TV và chơi điện tử trở thành “trái cấm”.

Steven Tweedie
Kết quả của việc dành thời gian vận động ngoài trời quá nhiều… một chiếc "siêu xe đạp" đi kèm phanh tay tự chế.

Những ngày tôi còn bé, rất dễ để quên đi rằng mình không có internet hay truyền hình cáp.

Thay vào đó, chúng tôi có một chiếc PlayStation, bộ đầu đĩa VHS/DVD, và một chiếc Compaq không nối mạng chạy phiên bản Windows lỗi nhất mọi thời đại, Windows Millennium Edition.

Từng đó đủ để tôi nếm thử chút mùi vị mang tên “công nghệ”, và tôi khá là khoái nó.

Khi mà cả thế giới đều trở nên trực tuyến, tôi bắt đầu đi tìm cách để có thể bắt được sóng wifi một cách tốt hơn.

Dần dần, tôi mua được thiết bị tăng cường bắt sóng Wi-Fi cho chiếc máy tính. Tôi gắn nó với một dây nối USB dài 3 mét và để sợi dây chạy dọc ngoài tường của ngôi nhà. Khi bố mẹ hỏi, tôi đã trả lời đó là “quạt tản nhiệt cho máy tính khi chơi điện tử”.

Sáng tạo quá phải không nào? Cho đến bây giờ thì tôi cũng không chắc họ có tin hay không nữa.

Ngẫm lại thì, cách tôi được nuôi dạy cũng không quá tồi, và nó chắc chắn đã khiến tôi trở thành một con người sáng tạo hơn.

Tôi và chị gái thường rất thích xem những thứ hài hước, và sau khi đã xem đi xem lại “Best of Chris Farley” của chương trình Saturday Night Live và bộ sưu tập DVD nghèo nàn, chúng tôi bắt đầu tự làm video hài cho riêng mình. Chỉ dùng đến chiếc camera và trí tưởng tượng, hàng loạt “siêu phẩm hài” đã được ra đời.

Tất nhiên là càng lớn, tôi càng bị Internet và những tiềm năng của nó thu hút, và lần đầu tiên trong đời, tôi thấy mình lạc lõng.

Đó là năm học lớp 6, khi mà cậu bạn Ross chỉ cho tôi về chương trình chat trực tuyến AIM.

Lập tức tôi nhận ra rằng mình đã bỏ lỡ một phương thức tuyệt vời để…tán gái. Tôi vẫn nhớ cảm giác bị shock khi trông thấy người bạn của tôi kết thúc cuộc chuyện trò trên mạng với dòng chữ “AML” (All my love - yêu em). Cậu ấy mới quen cô bạn này có 1 tuần, mà đã có thể dùng từ “yêu” được rồi sao? Tôi có thể tưởng tượng bộ mặt bối rối của mình khi bạn tôi giải thích rằng, trên mạng thì từ đó không có ý nghĩa nhiều như vậy đâu, và rằng đó chỉ là một cách nói thôi.

Và tôi lập tức nhận ra “xứ sở Internet diệu kì” có những mật mã riêng mà tôi cần phải nắm bắt.

Nếu bạn không có smartphone, thì AIM là cách dễ nhất để tán gẫu với bạn bè mà không cần phải nhấc điện thoại bàn lên gọi, và tôi cũng muốn tham gia AIM.

Sau khi đọc bài quảng cáo về “máy nhắn tin không dây” IMfree của Motorola, tôi như suy sụp khi nhận ra rằng thiết bị này chỉ hoạt động khi có Wi-Fi.

Quá chán nản, tôi dành những chuỗi ngày dài ở trường cấp 2 mơ tưởng về việc sở hữu một chiếc điện thoại cá nhân  trong vài năm tới.

Trước khi điều đó thành hiện thực, tôi đành phải tán những cô bạn gái bằng cách chuyện trò trực tiếp hoặc qua điện thoại bàn của nhà - “Đây là số điện thoại của mình, nhưng nói trước là mẹ mình hay nhấc máy lắm, xin lỗi nhé.”

Từ những năm học cấp 2 trở đi, tôi bắt đầu dành các buổi chiều sau khi đi học về ở nhà người bạn hàng xóm tên Brian. Không những cậu ấy có internet, mà bố mẹ cậu ấy còn có tận 3 cái máy tính có thể chơi những trò chơi đời mới nhất.

Trúng mánh rồi!

Bên ngoài phạm vi của bố mẹ tôi thì tôi và bạn bè có thể lướt web bao nhiêu tùy thích. Đối với thời niên thiếu của tôi, đó quả là thiên đường.

May thay, lệnh cấm internet mà bố mẹ đặt ra không bao giờ ảnh hưởng tới bài tập về nhà của tôi. Mỗi lần cần lên mạng để viết báo cáo, tôi được tự do sử dụng ở văn phòng của bố, nơi mà chỉ mất 5 phút để tới.

Tôi đã luôn là một người sôi nổi và dễ hòa nhập với xã hội, nhưng tôi luôn tự hỏi rằng mình sẽ còn hòa đồng tới mức nào nếu có Internet trong tay.

Công nghệ là thứ tôi luôn muốn tìm tòi khám phá, nhưng dạo chơi cùng bạn bè cũng tốt. Với quá nhiều điều còn chưa biết như thế, tôi có thể dễ dàng tưởng tượng cậu bé 13 tuổi sẽ lựa chọn việc ngồi nhà cắm mặt vào chiếc máy tính nối mạng.

Năm cuối cấp 3, khoảnh khắc tôi mong chờ từ lâu đã tới, không cần phải đung đưa máy ngoài cửa sổ nữa, tôi sẽ có nguồn phát internet riêng trong nhà.

Sau khi thử một chiếc iPad ở cửa hàng Apple, tôi tiết kiệm tiền và mua một con iPad có 3G.

Ứng dụng đầu tiên tôi mua là Netflix. Và nhờ gói cước không giới hạn của AT&T, tôi đã nằm trên giường “ngấu nghiến” hết phần đầu tiên của “Lost” (Mất tích), và tất cả các phần kế sau đó. 

Tuy những hạn chế khi lớn lên không có internet còn đeo đuổi suốt thời thơ ấu sau đó, nhưng thật khó để nói tôi cảm thấy tiếc vì không có nó trong quãng thời gian ấy. Với tôi thì đọc sách vẫn là cách giải trí tuyệt vời nhất, và tôi vẫn còn nhớ nhiều kỷ niệm đáng quý về những khoảng thời gian thú vị cùng với anh chị của mình.

Tôi nhận ra rằng sự dễ dãi của internet chính là một vấn đề, vì với những phương thức giải trí khác, bạn mất nhiều thời gian để thực sự hiểu và trân trọng nó. Đọc 2 trang đầu của một chương truyện thì rất dễ dàng, nhưng sẽ phải đọc thêm rất nhiều trang sách nữa thì bạn mới có thể bước chân vào thế giới văn học đầy mê hoặc này.

Tôi cảm thấy thật vui vì bố mẹ đã định hướng cho tôi từ nhỏ để tới giờ tôi biết trân trọng những hình thức giải trí cần chút nỗ lực này.

Nhưng sau này tôi sẽ không đặt ra những điều lệ tương tự như “không internet” đâu. Dù sao những gì tôi đã trải nghiệm đã mang lại ảnh hưởng tốt và chắc chắn tôi sẽ không cho con mình tiếp cận những chiếc iPad ngay lập tức.

Bố mẹ tôi cuối cùng đã lắp internet vào năm ngoái. Ngay khi mẹ tôi quay lại với việc dạy học, bố và mẹ đều đã nhận ra họ cần phải thay đổi suy nghĩ.

Mọi việc diễn ra khá tốt đẹp, và khi tôi giải thích với mẹ qua điện thoại về thế nào là email rác trên mạng, tôi đã nhận thấy vài kết quả khả quan. Bố tôi không phải lái xe đến văn phòng để kiểm tra thư điện tử nữa, và điều đó cũng có nghĩa ông được ở bên mẹ nhiều hơn vào mỗi tối. Mẹ tôi cũng học rất nhanh. Bây giờ bà đã biết loại bỏ những ứng dụng đi kèm mỗi khi tải một chương trình mới.

Và điều trớ trêu nhất, đó là tôi đã được đền bù hơi quá. Làm phóng viên cho một tờ báo mạng thực sự đòi hỏi tôi phải online phần lớn thời gian trong ngày.

Những ảnh hưởng từ cách nuôi dạy vẫn còn đó, và nó khiến cuộc sống của tôi cân bằng hơn.

Say mê công nghệ là thế,  tôi vẫn khá cẩn trọng xem xem mình có sử dụng thời gian rảnh rỗi một cách có sáng tạo hay không. Tôi hay chần chừ khi vào Twitter, và mỗi khi rời một cuốn sách để lên Netflix xem phim, tôi lại tự thấy bực bội với bản thân.

Nhưng dù sao thì internet thực sự là giới hạn vô biên đối với thế hệ của tôi, và tôi luôn mong muốn khám phá những tiềm năng sáng tạo của nó qua công việc.

Tôi gọi đó là sự đền bù cho khoảng thời gian đã mất.

>> Cuộc sống sẽ ra sao nếu không có smartphone?

Vương Nguyên

anhnt

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên