MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Viettel bất ngờ kiến nghị giảm cước di động

07-07-2014 - 15:48 PM |

Ông Hoàng Sơn, Phó tổng giám đốc Viettel đã đề xuất với Bộ TT&TT được giảm cước thoại trên di động đồng thời kiến nghị giữ nguyên mức cước 3G như hiện nay.

Sáng nay 7/7/2014, ông Hoàng Sơn, Phó tổng giám đốc Viettel đã đề xuất với Bộ TT&TT được giảm cước thoại trên di động nhằm khuyến khích tiêu dùng và hỗ trợ khách hàng tốt hơn trong việc sử dụng dịch vụ di động. Viettel đề nghị Bộ TT&TT cho áp dụng chính sách 1 giá cước không phân biệt nội mạng và ngoại mạng.

Hiện nay, mức cước chênh lệch nội mạng và ngoại mạng khoảng 12,6 %. Nếu Bộ TT&TT đồng ý cho Viettel áp dụng chính sách giá cước như cuộc gọi nội mạng cho tất cả các cuộc gọi nội mạng và ngoại mạng thì trước mắt mỗi tháng Viettel bị giảm khoảng gần 80 tỷ đồng.

"Tôi hy vọng với chính sách này sẽ giúp khách hàng dễ nhớ mức giá cước và chủ động quản lý chi phí trong việc sử dụng dịch vụ của mình mỗi tháng. Trước mắt nếu áp dụng chính sách này thì Viettel sẽ bị giảm doanh thu, tuy nhiên chúng tôi hy vọng khi cước thoại giảm sẽ kích cầu tiêu dùng và hy vọng động thái này sẽ tăng được doanh thu cho nhà mạng" ông Hoàng Sơn nói.

Vẫn theo ông Hoàng Sơn, việc giảm cước thoại cũng là giải pháp trước xu hướng nhu cầu thoại đang giảm và nhu cầu sử dụng 3G đang tăng mạnh. Thêm vào đó, dịch vụ OTT cũng đang gây sức ép mạnh đối với dịch vụ thoại. Vì vậy, nếu không giảm cước dịch vụ thoại sẽ khó có thể kích cầu người dùng sử dụng dịch vụ này.

Trả lời giới truyền thông về đề xuất của Viettel được giảm cước dịch vụ thoại, ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cho biết Bộ sẽ yêu cầu Viettel và các doanh nghiệp viễn thông khác báo cáo giá thành dịch vụ di động. Đây sẽ là cơ sở để Bộ TT&TT phê duyệt các đề xuất của nhà mạng về điều chỉnh cước bởi giá cước phải được xây dựng trên cơ sở giá thành.

Trước đó, khi nhận định về xu hướng sử dụng dịch vụ di động của Việt Nam, Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng cho biết, Việt Nam không nằm ngoài xu hướng phát triển chung của 3G trên thế giới. 

Trong 5 năm tới, dịch vụ data dần dần vượt lên thay thế các dịch vụ thoại, data sẽ vượt thoại cả về doanh thu và lưu lượng.  

Lúc đó các dịch vụ data mới là dịch vụ chính và là nguồn thu chính của các các doanh nghiệp chứ không phải dịch vụ thoại. Vì vậy, Bộ TT&TT  khuyến khích các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông đưa ra các gói cước đa dạng phù hợp với các đối tượng người dùng khác nhau trong xã hội. 

Thậm chí, Thứ trưởng Lê Nam Thắng cũng nhấn mạnh các mạng di động cần nghiên cứu mô hình kinh doanh mới phù hợp như xu hướng miễn cước thoại và chỉ thu phí data. Đây cũng là mô hình mà nhiều nước trên thế giới bắt đầu áp dụng.

 Kiến nghị của Viettel cho thấy quá trình chuyển dịch trong viễn thông đang trở thành xu hướng mạnh mẽ. Phát biểu với báo giới gần đây, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Viettel cho rằng sự chuyển dịch của ngành viễn thông đã xảy ra nhưng có thể chúng ta không để ý và phát hiện ra. 

"Nếu để ý trên hoá đơn điện thoại của mình, chúng ta cũng có thể dễ dàng nhận ra sự chuyển dịch này. Hiện nay, ở Hàn Quốc, Nhật Bản… thoại chỉ chiếm khoảng 30-35%. Như vậy là miếng bánh alo của các doanh nghiệp viễn thông đang bị co lại”, lãnh đạo Viettel nhấn mạnh.

"Trước hiện tượng này, các doanh nghiệp viễn thông hoặc là muốn cản trở quá trình này, làm cho tốc độ nhỏ đi của miếng bánh chậm lại, hoặc có cách ứng xử thứ hai tích cực hơn là đi tìm cái mới, miếng bánh mới, thị trường mới, lĩnh vực mới... 

Bình thường con người rất ít khi chủ động đi tìm cái mới nếu như mình đang yên ổn. Khi đang ổn, họ nghĩ đến việc hưởng thụ. Không phải vô cớ mà huyền thoại Steve Jobs của Apple luôn rất nhấn mạnh từ "Đói khát”. "Đói khát” là động lực rất quan trọng của quá trình đổi mới sáng tạo. Bởi vậy, sự co lại của alo là một cơ hội, một cú huých cho Viettel” ông Nguyễn Manh Hùng nói thêm.

Theo Thái Khang

kyanh

ICTnews

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên