Xu hướng dịch chuyển doanh nghiệp da giày về miền Tây có thể gây xáo trộn lực lượng lao động?
Khi Hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) không còn là xu thế mà ngành da giày kỳ vọng thì xu hướng đầu tư về các tỉnh miền Tây Nam Bộ đang được những doanh nghiệp (DN) lớn của ngành này chọn lựa. Đây được xem như một phương cách vượt khó, giảm chi phí giá thành, nhưng vẫn mang lại hiệu quả sản xuất… dù có thể ít nhiều gây xáo trộn về lực lượng lao động tại các DN da giày.
- 25-11-2016Cần rà soát, điều chỉnh chính sách để phát triển ngành da giày
- 31-10-2016Điện thoại, dệt may và da giày đứng đầu nhóm hàng xuất siêu
- 17-08-2016Áp lực lớn của ngành da giày Việt Nam
Về Đồng bằng sông Cửu Long đóng giày
Tại hội nghị tổng kết hoạt động của Hiệp hội Da giày - Túi xách VN (Lefaso) diễn ra tại TPHCM vào tối 12.1, ông Nguyễn Đức Thuấn - Chủ tịch Lefaso - cho biết: “Vượt qua những khó khăn, thách thức trong năm 2016, nhất là sau khi TPP không còn là xu thế để ngành da giày hy vọng nữa, các DN da giày chúng tôi đã nỗ lực bằng mọi cách để vượt qua những thách thức khó khăn của nền kinh tế trong nước, cũng như toàn cầu, để giữ vững tốc độ tăng trưởng cho ngành da giày. Đặc biệt, một số DN da giày đã chuyển hướng đầu tư về các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
Đây là dấu hiệu dịch chuyển tốt nhằm kích thích tiềm năng phát triển của miền Tây Nam Bộ, vốn bao lâu nay vẫn thiếu hụt đầu tư về công nghiệp”. Thật vậy, chỉ trong năm 2016, ít nhất đã xuất hiện 4 dự án đầu tư lớn của các DN da giày tại miền Tây Nam Bộ. Cụ thể: Tháng 3.2016, Tập đoàn TBS Group (Bình Dương) đã khánh thành nhà máy sản xuất giày thể thao lớn tại tỉnh Kiên Giang, có công suất 6,2 triệu đôi giày/năm và tạo việc làm cho 3.000 người địa phương. Tháng 9.2016, Tập đoàn Tae Kwang (Hàn Quốc) cũng khởi công xây dựng nhà máy giày trị giá 170 triệu USD tại TP.Cần Thơ. Dự kiến trong quý I/2017, nhà máy giày Tae Kwang sẽ đi vào hoạt động, tạo việc làm cho hơn 30.000 CN.
Tương tự, tại tỉnh Trà Vinh, thời gian gần đây cũng xuất hiện Cty giày Mỹ Phong - thành viên của Cty giày Huê Phong ở TPHCM. Cty Mỹ Phong hiện duy trì việc làm cho khoảng 30.000 CN. Tại tỉnh An Giang vốn nhiều năm qua, chỉ có duy nhất Cty giày An Giang, thì nay, đã xuất hiện Cty TNHH giày An Giang Samho (100% vốn của Tập đoàn Samho - Hàn Quốc), với vốn đầu tư 15 triệu USD và 3.000 CN…
Tín hiệu khả quan 2017
Theo ông Diệp Thành Kiệt - Phó Chủ tịch Lefaso: “Xu hướng dịch chuyển da giày về miền Tây, có thể ít nhiều gây xáo trộn về lực lượng lao động tại các DN da giày nơi “thủ phủ” là miền Đông Nam Bộ (TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai…), vì số lớn lực lượng lao động da giày làm việc ở đây là người miền Tây. Song, tình hình sẽ dần ổn định, thay thế thiếu hụt đó sẽ là lực lượng lao động phía Bắc. Mặt khác, sẽ có phát sinh thêm chi phí vận chuyển nguyên phụ liệu về miền Tây và chở thành phẩm ngược về TPHCM để xuất khẩu. Tuy nhiên, chi phí này không đáng kể, khi cái lợi lớn có được từ sự dịch chuyển này. Đó là, thúc đẩy phát triển kinh tế tại các tỉnh đồng bằng, người lao động “ly nông”, nhưng không phải “ly hương”, vẫn ở quê nhà, thu nhập không đổi, giảm chi phí thuê nhà trọ, chi xài khác khi phải “ly hương”...”.
Trong khi đó, theo báo cáo của Lefaso năm 2016, xuất khẩu của da giày - túi xách VN đạt 16,2 tỉ USD, tăng 8,8% so với năm 2015, thấp hơn mức tăng 23,6% của năm 2014 so với năm 2013 và mức tăng 16% của năm 2015 so với năm 2014. Xuất khẩu da giày của VN sang các nước Asean trong năm 2016 giảm 2,5%; trong khi các nước Asean như : Thái Lan, Indonesia, Philippines, Campuchia, Myanmar… cũng sản xuất giày dép, túi xách và cạnh tranh với VN, lại đang tìm cách xuất khẩu giày dép sang VN, gây sức ép cạnh tranh cho các DN Việt Nam.
Ông Nguyễn Đức Thuấn cũng cho biết: Trong năm 2016, ngành da giày - túi xách VN còn phải đối phó với không ít khó khăn như: Một số đơn hàng đơn giản, không yêu cầu chất lượng cao đã chuyển sang gia công tại các nước như: Bangladesh, Campuchia, Myanmar… có giá gia công rẻ hơn VN. Thậm chí, trước đây tỉ giá đồng nhân dân tệ giảm, khiến một số đơn hàng chuyển từ Trung Quốc sang VN; thì nay, các đơn hàng này đã trở lại Trung Quốc.
Những nguyên nhân trên khiến tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của da giày VN trong năm 2016 thấp hơn so với cùng kỳ năm 2015. Thế nhưng, dự đoán trong năm 2017, ông Thuấn vẫn khẳng định sẽ có nhiều tín hiệu khả quan hơn cho ngành da giày VN, với kim ngạch xuất khẩu ước tính đạt gần 18 tỉ USD. Ông Thuấn nói: Việc các DN dịch chuyển đầu tư về miền Tây, tạo điều kiện cho người lao động làm việc ngay tại quê nhà sẽ góp phần tăng hiệu quả sản xuất. Bên cạnh đó, Chính phủ tiếp tục điều chỉnh chính sách phát triển ngành da giày và lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, hỗ trợ vốn tín dụng, ưu đãi thuế, đất đai và nhất là các DN đang áp dụng tự động hóa công nghệ sản xuất - quản lý trong ngành da giày.
Lao động