MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xu hướng mua nhà mua cả không gian sống, doanh nghiệp địa ốc dốc "hầu bao" làm cầu đường, tiện ích đô thị

20-05-2016 - 16:00 PM | Bất động sản

Rất nhiều doanh nghiệp địa ốc tham gia đầu tư cải thiện hạ tầng đô thị như HimLam xây cầu qua Sông ông Lớn, Vạn Phát Hưng xây cầu ông Đội, Phát Đạt xây cầu Phú Thuận quận 7, và mới đây là Vimcom đề xuất làm đường Nguyễn Hữu Cảnh.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, Đại hội Đảng lần thứ 10 của thành phố đặt ra 7 chương trình trọng điểm, trong đó có 1 chương trình cũ là chương trình chống ngập và chương trình thứ 7 là chương trình chỉnh trang đô thị. Hiện nay, các doanh nghiệp bất động sản ngoài lợi nhuận còn có những đóng góp cho cộng đồng thông qua việc đầu tư các hệ thống hạ tầng như cầu, đường.

Cũng theo ông Châu, trước đây người ta mua bất động sản là mua một chỗ ở nhưng nay thì khác, người ta mua một không gian sống, dẫn đến các chủ đầu tư phải nâng tầm dự án mình lên để đáp ứng khách hàng, đặc biệt là khi mở cửa phục vụ cho nhu cầu người nước ngoài.

Mới đây nhất, Tập đoàn Novaland đã khởi công hồ điều tiết, kết hợp với hồ cảnh quan nhằm giúp điều tiết nước, chống ngập cho cả khu vực đông TP.HCM, gồm quận 2, 9, Thủ Đức.

Hồ điều tiết có quy mô 3,6 ha, nằm trong khu đô thị Lakeview City rộng hơn 30 ha do Tập đoàn Novaland đầu tư tại quận 2. Đây là hồ cảnh quan kết hợp điều tiết nước đầu tiên và lớn nhất khu vực đông TP.HCN được đầu tư bằng nguồn tư nhân, với vốn đầu tư đến 200 tỉ đồng.

Theo ông Phan Thành Huy, Tổng giám đốc Tập đoàn Novaland, việc xây dựng hồ điều tiết trong dự án nhằm hướng đến lợi ích cộng đồng, phát triển bền vững, đồng thời tham gia giải quyết các vấn đề của TP về đô thị như ngập nước, kẹt xe...

Ngoài đầu tư hồ điều tiết, sắp tới Novaland sẽ tiếp tục triển khai dự án khu đô thị tại cảng Phú Định (Q.8) rộng hơn 40 ha. Để thực hiện dự án này, tập đoàn cũng đang đề xuất TP.HCM phương án đầu tư xây dựng các đoạn tuyến khép kín Vành đai 2 - Đoạn 4, với tổng giá trị đến 5.000 tỉ đồng.

Trước đó, năm 2010 công ty địa ốc Phát Đạt đã tự "móc" tiền túi ra đầu tư dự án cầu Phú Thuận kết nối trực tiếp các khu dân cư phía Bắc quận 7 như Tân Phú, Phú Thuận… với khu đô thị mới Nam Sài Gòn.

Có thể nói, Cầu Phú Thuận đi vào hoạt động đã góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội của quận 7 và TP.HCM. Bên cạnh đó, việc xây dựng cầu Phú Thuận còn có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược phát triển các dự án của Phát Đạt. Tiếp nối thành công từ dự án Khu căn hộ cao tầng The EverRich I, Phát Đạt đang triển khai đầu tư xây dựng The EverRich II...

Tiếp đó, để giải bài toán lắp đầy dự án chung cư Him Lam Riverside, từ năm 2012 công ty địa ốc Him Lam cũng đã đầu tư xây dựng một cây cầu mang tên công ty, nối liền quận 7 và huyện Bình Chánh. Cầu Him Lam đưa vào sử dụng không chỉ góp phần giải tỏa ách tắc giao thông và còn góp phần chỉnh trang đô thị và làm gia tăng giá trị bất động sản của những dự án lân cận trong khu vực.

Mới đây, Công ty Phát Đạt cũng được TP.HCM duyệt chủ trương cho làm cầu Thủ Thiêm 4 nối khu nam Sài Gòn với khu đô thị mới Thủ Thiêm và khu trung tâm, với tổng vốn đầu tư khoảng 5.000 tỉ đồng. Việc Phát Đạt xin làm dự án này theo hình thức BOT, ngoài hoàn thiện hệ thống kết nối hạ tầng giữa khu nam Sài Gòn với khu trung tâm, góp phần giảm ùn tắc giao thông còn có một lý do khác là gần cây cầu Thủ Thiêm 4, Phát Đạt đang triển khai dự án River City có vốn đầu tư lên đến hơn 12.000 tỉ đồng, với khoảng 8.000 căn hộ.

Tập đoàn Vingroup khi đầu tư khu đô thị Vinhomes Tân Cảng (Q.Bình Thạnh) và The Golden River (quận 1) cũng đã xin chính quyền thành phố cho đầu tư, nâng cấp, cải tạo đường Nguyễn Hữu Cảnh và mở rộng đường Ung Văn Khiêm, với tổng vốn đầu tư lên đến hơn 1.100 tỉ đồng.

Một phần lý do khiến Vingroup bỏ nguồn vốn khổng lồ đầu tư cải tạo, nâng cấp hạ tầng cho TP.HCM bởi mặt đường Nguyễn Hữu Cảnh bị lún và ngập nước nặng mỗi khi triều cường, ảnh hưởng lớn đến xe lưu thông trên tuyến đường này và ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân.

Còn cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh cũng đang trong tình trạng xuống cấp, đường dẫn lún, khe co giãn và mặt cầu bị hư hỏng. Trong khi đó, đường Ung Văn Khiêm thuộc dự án thành phần cầu đường Bình Triệu 2, giai đoạn 2 bị “treo” nhiều năm nên Vingroup đề xuất ứng trước tiền để giải tỏa mở rộng đường phục vụ cho người dân.

Đoạn tuyến này kết nối từ nút giao An Lập đến đường Nguyễn Văn Linh dài 5,3 km đảm bảo nâng cao năng lực giao thông của thành phố, kết nối tuyến vận tải từ các tỉnh phía tây sang phía đông, thuận tiện hơn và giảm ách tắc cho tuyến QL1A, đồng thời quy hoạch phát triển khu kinh tế cảng Phú Định và Q.8. Dự án được đầu tư bao gồm cả cầu, đường nên sẽ giải quyết được vấn đề về ách tắc giao thông, chống ngập, tạo kết nối đồng bộ giữa khu trung tâm TP với khu nam và đáp ứng nhu cầu lưu thông khu vực được thông suốt.

“Nói cụ thể về dự án của Novaland có hồ 3,6 ha, cộng với 60% diện tích là cây xanh, công trình phúc lợi thì cái “view” khí hậu đạt độ lý tưởng cho người dân. Người dân hiện nay không chỉ có nhu cầu mua chỗ ở để “chui ra, chui vào” nữa mà khi thu nhập tăng lên, trình độ nhận thức tăng lên, họ đòi hỏi chất lượng cuộc sống cũng cao hơn. Vì vậy mà họ mua nhà không chỉ để ở mà còn mua cả không gian sống”, ông Châu nói.

Theo ý kiến của một chuyên gia, xét đến diễn biến thị trường địa ốc vào thời điểm này, thì việc ồ ạt đẩy mạnh triển khai các dự án hạ tầng cầu đường từ nguồn vốn tự có là tùy vào chiến lược hoạt động của từng doanh nghiệp xây lắp - địa ốc. Một mặt, thành phố đang hưởng lợi rất lớn trong bối cảnh ngân sách đầu tư cho hạ tầng cơ sở hạn hẹp, mặt khác một khi tiện ích ngoại khu được xây dựng bài bản thì cư dân trong vùng dự án đều có cuộc sống tốt hơn, gia tăng giá trị BĐS và giúp cho những dự án BĐS thoát khỏi cảnh xây lên không ai về ở.

Đăng Khải

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên