MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xu hướng mua sắm của GenZ thúc đẩy một loại hình thanh toán mới nổi trở thành hot nhất châu Á

06-12-2021 - 08:43 AM | Tài chính quốc tế

Xu hướng mua sắm của GenZ thúc đẩy một loại hình thanh toán mới nổi trở thành hot nhất châu Á

Dịch vụ “mua ngay, trả sau” đang là loại hình fintech mới nóng hổi trên thị trường thanh toán thương mại điện tử châu Á.

Rely là công ty khởi nghiệp được thành lập năm 2016 có trụ sở tại Singapore. Marcus Khoo, là một chuyên viên mạng xã hội 26 tuổi, đã dùng dịch vụ của Rely ba lần trong năm nay để thanh toán các hóa đơn. Khoo thích thanh toán qua Rely vì ban đầu không cần trả nhiều tiền, không bị tính lãi suất, cảm giác đỡ "xót" hơn so với trả tất cả số tiền cùng lúc.

Rely là một trong hàng chục nhà cung cấp loại hình thanh toán mới mà GenZ thường gọi là BNPL, hay "mua ngay, trả sau", đang phổ biến khắp châu Á. Theo Báo cáo Thanh toán Toàn cầu năm 2021 của Fis-Worldpay, các nhà cung cấp sẽ tăng gấp đôi thị phần trên thị trường thanh toán thương mại điện tử trong khu vực từ từ 0,6% lên 1,3%.

BNPL là phương thức thanh toán trực tuyến phát triển nhanh nhất tại các quốc gia như: Nhật Bản, Australia, Malaysia. Theo báo cáo, thẻ tín dụng, chuyển khoản ngân hàng, giao dịch tiền mặt và thẻ trả trước sẽ mất thị phần vào năm 2024.

Người mua sắm trực tuyến Trung Quốc từ lâu đã quen với các khoản vay siêu nhỏ được cung cấp bởi trí tuệ nhân tạo (AI) và phân tích big data. Ant Group của Jack Ma đã vận hành dịch vụ Huabei của mình từ năm 2014, trong khi đối thủ JD.com cũng ra mắt Baitiao.

Trong một vài năm qua, BNPL đã phát triển nhanh chóng tại Trung Quốc. Mọi người thường coi đó là hình thức vay vi mô trực tuyến. Tuy nhiên, tăng trưởng đã chậm lại và có những thay đổi mạnh mẽ dưới sự quản lý của các cơ quan quản lý.

Các cơ quan quản lý mạng Trung Quốc đã tăng cường giám sát đối với cho vay vi mô trực tuyến, kể từ khi đưa ra các quy định dự thảo vào tháng 11/2020. Các quy định nhằm xác định lại sự phát triển của fintech, yêu cầu các bên cho vay phải bỏ thêm vốn tự có để thực hiện các khoản vay mới.

Xu hướng mua sắm của GenZ thúc đẩy một loại hình thanh toán mới nổi trở thành hot nhất châu Á - Ảnh 1.

Ảnh: Shutterstock

Một số dịch vụ như Maiya và Happay của LexinFintech đang cung cấp các khoản vay BNPL không lãi suất. Hồng Kông, Singapore và các quốc gia khác ở châu Á cũng đang "nóng lên" với BNPL.

Han Feng, đối tác của McKinsey ở Thượng Hải, cho biết: "Xu hướng cho vay vi mô trực tuyến đang chậm lại ở Trung Quốc, nhưng vẫn có cơ hội tăng trưởng tốt ở một số thị trường Đông Nam Á, đặc biệt là đối với Thái Lan và Ấn Độ, những nơi thiếu thẻ tín dụng".

Han cho biết các công ty fintech của Trung Quốc cũng đang đổ tiền vào Đông Nam Á. Ant Group sở hữu 6,3% Paytm của Ấn Độ và 39% Kakao Pay của Hàn Quốc, cả hai đều có dịch vụ BNPL.

Các khoản cho vay BNPL phổ biến ở Châu Á vì có những điểm hấp dẫn cho cả người người bán và người mua. Người mua sắm được kéo dài thời gian trả tiền trong khi bên bán bán được khối lượng hàng hóa nhiều hơn.

Nhu cầu về các dịch vụ BNPL cũng gia tăng trong đại dịch Covid-19 trên toàn cầu. Các quy tắc giãn cách xã hội thúc đẩy việc chuyển từ sử dụng tiền mặt sang thanh toán trực tuyến không tiếp xúc.

Arvin Singh, đồng sáng lập của dịch vụ BNPL Hoolah tại Singapore, cho biết thế hệ Millennials và Thế hệ Z (GenZ), những người sinh từ cuối những năm 1990 đến đầu những năm 2010, là những người sử dụng dịch vụ BNPL nhiều nhất.

Ra mắt vào năm 2018, Hoolah cung cấp dịch vụ BNPL tại Hồng Kông, Malaysia và Singapore thông qua các cửa hàng như Zalora, Klipsch và GNC. Công ty từ chối tiết lộ số lượng người dùng nhưng cho biết về mức tăng trưởng 400% người dùng trong năm 2020.

Không giống như mua trả góp truyền thống, dịch vụ BNPL là sản phẩm của Internet di động, cung cấp các khoản vay không tính lãi đối với các khoản tiền nhỏ, thường từ mức trung bình tối thiểu khoảng 13 USD.

Họ nhận được sản phẩm sau khi thanh toán đợt đầu tiên. Tại các cửa hàng, người tiêu dùng thanh toán bằng cách quét mã QR. Các dịch vụ BNPL trực tuyến được tích hợp vào các tùy chọn thanh toán. Người bán đang ngày càng chấp nhận xu hướng này.

Đối với người bán, BNPL thường được tính giá cao hơn thẻ tín dụng. Nhưng các nhà cung cấp cho biết người bán vẫn được hưởng lợi những đơn hàng lớn hơn và nhiều khách hành hơn. Thông thường, nhà cung cấp dịch vụ BNPL chịu rủi ro về tài chính. Họ phải trả trước đầy đủ cho người bán và xử lý việc trả nợ của người dùng.

Atome, một nhà cung cấp BNPL của Singapore hoạt động tại 9 thị trường châu Á, tính phí người bán cao hơn từ 1-3% giao dịch so với mức phí mà các công ty thẻ tín dụng đặt ra.

Tổng giám đốc của Atome Hong Kong, Eric Yu, cho biết: "Chúng tôi chấp nhận rủi ro khi khách hàng không thanh toán. Các chi phí như tiếp thị, chứng từ và thẻ tín dụng mà chúng tôi phải chịu được tính vào khoản phí đó".

Theo dự báo của FIS-Worldpay, cơn sốt BNPL cũng đã thu hút các ngân hàng truyền thống nhảy vào cuộc cạnh tranh. Các ngân hàng chỉ là không thể bỏ lỡ thị trường có mức tăng trưởng 43% trong 3 năm tới, theo dự báo của FIS-Worldpay.

Khi lĩnh vực này phát triển, xu hướng này cũng thu hút sự chú ý của các nhà quản lý. BNPL bị chỉ trích vì khả năng kiểm tra tín dụng yếu kém hoặc khuyến khích việc chi tiêu quá khả năng thanh toán. Cơ quan tiền tệ Hồng Kông (HKMA) cho biết khách hàng nên lưu ý rằng một số nhà cung cấp dịch vụ BNPL, thường là các tổ chức phi ngân hàng, có thể không được pháp luật quản lý.

Theo HKMA, các ngân hàng cung cấp dịch vụ BNPL cần phải tuân theo một số quy định. Ví dụ như lời nhắc dành cho người dùng, nhấn mạnh các tính năng và thông tin chi tiết của dịch vụ.

Theo SCMP


Khánh Ly

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên