MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xử lý cổ phần hóa chậm: Hô khẩu hiệu là chính!

Cổ phần hóa doanh nghiệp tiếp tục chậm, nhiều "ông lớn" lại xin lùi kế hoạch trong khi chưa có trường hợp nào bị xử lý trách nhiệm vì chây ì.

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính, năm 2018 chỉ có 28 doanh nghiệp (DN) nhà nước bán cổ phần lần đầu với giá trị cổ phần bán ra là 13.950 tỉ đồng, thu về xấp xỉ 22.000 tỉ đồng. Trong khi đó, kế hoạch đề ra năm 2018 phải cổ phần hóa (CPH) được 64 DN.

Không ai bị xử lý

Theo đại diện Bộ Tài chính, tiến độ triển khai CPH trong năm 2018 còn chậm, chưa đạt kế hoạch. Nhiều đơn vị có số lượng DN phải CPH lớn nhưng chưa thực hiện theo đúng kế hoạch và chưa báo cáo về việc điều chỉnh tiến độ.

Xử lý cổ phần hóa chậm: Hô khẩu hiệu là chính! - Ảnh 1.

Tổng Công ty Viễn thông MobiFone là một trong những doanh nghiệp xin lùi thời hạn cổ phần hóa

Việc CPH chậm, không đạt kế hoạch đề ra đã được các bộ - ngành nhìn thấy, báo chí cũng phản ánh nhiều lần nhưng đâu vẫn hoàn đó. Mặc dù tình hình CPH không mấy khả quan nhưng mới đây, hàng loạt DN nhà nước có văn bản xin lùi tiến độ thực hiện như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng Công ty Viễn thông MobiFone…

Theo Bộ Tài chính, từ đầu năm đến nay, chưa có DN nào được CPH và thoái vốn. Tình trạng ì ạch này đã xảy ra liên tục trong những năm qua. Các phương án xin lùi CPH và thoái vốn nếu tiếp tục được thông qua mà thiếu sự rà soát kỹ lưỡng, kiểm điểm trách nhiệm cá nhân và tổ chức thì điệp khúc xin lùi sẽ tiếp tục.

Việc CPH chậm ngoài những vướng mắc trong vấn đề đất đai, còn có nguyên nhân chủ quan do người đứng đầu chưa làm hết trách nhiệm, thậm chí chây ì CPH vì lo sợ mất ghế, mất quyền lợi. Lãnh đạo Chính phủ cũng đã nhiều lần yêu cầu xử lý trách nhiệm người đứng đầu DN, các cá nhân có liên quan nếu chây ì, chậm trễ CPH, gây ảnh hưởng đến tiến trình chung. Dù vậy, đến nay chưa có trường hợp nào bị xử lý.

Nhìn qua, nhìn lại

Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính DN - Bộ Tài chính, đánh giá nguyên nhân đầu tiên được xác định là do vướng mắc trong vấn đề đất đai nhưng lại không xác định rõ chậm ở khâu nào để gắn với trách nhiệm từng cá nhân, tổ chức để xử lý.

Theo ông Tiến, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần sớm ban hành văn bản quy định các bước về phương án sắp xếp đất đai khi CPH và phương án sử dụng đất đai sau CPH để quy trách nhiệm, thời gian thực hiện ở từng khâu. Từ đó, làm cơ sở kiểm điểm, xử lý trách nhiệm ở các khâu gây chậm quá trình CPH nói chung.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Sinh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nhận định khuôn khổ pháp lý để thực hiện CPH đã khá đầy đủ, việc còn lại là tổ chức thực hiện thế nào để đạt hiệu quả tốt, không phải chậm trễ như thời gian qua. Ông Sinh cũng chỉ ra điểm yếu trong việc phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, DN với nhau khiến những vướng mắc trong việc sắp xếp, xác định giá trị đất đai không được tháo gỡ trong suốt thời gian dài.

"Tôi cho rằng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương căn cứ tình hình thực tế phải xây dựng quy chế phối hợp để tránh việc nhiều người đứng đầu đùn đẩy trách nhiệm vì lợi ích cục bộ mà bỏ qua lợi ích chung" - ông Sinh nói.

Ông Đỗ Văn Sinh cũng không khỏi ngạc nhiên khi chưa thấy một trường hợp cá nhân, tổ chức nào bị xử lý khi để chậm CPH. Ông Sinh nhắc lại việc Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ đã nhiều lần chỉ đạo xử lý trách nhiệm người đứng đầu, thậm chí trên văn bản cũng đã đề cập nhưng thực tế đến nay, việc xử lý vẫn chỉ "nằm trên giấy".

Theo ông Đỗ Văn Sinh, việc chúng ta chưa xử lý trách nhiệm người đứng đầu trong thời gian vừa qua đã tạo ra tiền lệ không tốt, DN này nhìn DN kia, lãnh đạo này nhìn lãnh đạo nọ để trì hoãn việc CPH. Giải quyết được vấn đề này sẽ là "chìa khóa" thúc đẩy nhanh CPH theo kế hoạch Chính phủ đã phê duyệt.

Về phía Bộ Tài chính, Cục trưởng Cục Tài chính DN Đặng Quyết Tiến cũng nhấn mạnh vai trò, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu DN, đơn vị còn chưa cao, chưa quyết liệt trong việc thực hiện CPH cũng như công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật, bảo đảm nguyên tắc thị trường, chống lợi ích nhóm trong CPH và thoái vốn nhà nước. Nhưng ông Tiến cũng cho rằng Bộ Tài chính không có thẩm quyền xử lý trách nhiệm người đứng đầu, người đại diện vốn nhà nước tại DN chậm trễ trong CPH, thoái vốn mà chỉ dừng ở mức kiến nghị lên cấp có thẩm quyền.

Bổ sung vào kế hoạch thanh tra hằng năm

Ông Đặng Quyết Tiến kiến nghị giải pháp căn cơ để xác định trách nhiệm người đứng đầu khi CPH chậm, đó là cần bổ sung nội dung chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính về CPH vào kế hoạch thanh tra, kiểm toán hằng năm. Nếu đưa vào kế hoạch thanh tra, kiểm toán của Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước thì sẽ làm rõ được mức độ hoàn thành công việc mỗi năm, xác định rõ được trách nhiệm thuộc về ai, làm cơ sở xử lý.

Chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh cũng nhận xét CPH chậm là một "căn bệnh khó chữa" những năm gần đây. Ông chỉ rõ việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu mới chỉ là khẩu hiệu, chưa thấy công bố trường hợp nào bị cách chức khi không hoàn thành nhiệm vụ CPH tại đơn vị mình quản lý, lãnh đạo. Do đó, theo ông Lê Đăng Doanh, phải mạnh tay xử lý một số trường hợp người đứng đầu thiếu trách nhiệm, trì hoãn, chây ì trong CPH để làm gương cho những DN khác. Việc xử lý cũng phải xem xét thận trọng, xác định đúng người, có bằng chứng rõ ràng việc chậm CPH là do người đó.

Theo ông Đỗ Văn Sinh, nếu chúng ta không có chế tài xử lý người đứng đầu thì rất khó để thực hiện CPH như đã đề ra. "Chính phủ phải đưa vào thành các quy định, quy chế rõ ràng để làm cơ sở thực hiện. Khi đã có chế tài thì người nào không hoàn thành sẽ bị thay thế. Tôi kiến nghị phải tăng cường kỷ cương hơn nữa để đẩy nhanh CPH" - đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Sinh nhấn mạnh.

Bán đắt quá, ai mua?!

Theo chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh, việc xác định giá trị DN khi CPH phải căn cứ theo thị trường, hiện trạng của đơn vị. Bởi nhiều nhà đầu tư đã phàn nàn với ông về việc nhiều DN được cơ quan nhà nước định giá quá cao khiến họ không thể rót vốn đầu tư.

Chuyên gia này đề xuất cơ quan có thẩm quyền cần nhìn thẳng vào thực tế, cầu thị để xem xét, không nên quá cứng nhắc khi định giá. Ví dụ như nhiều DN, nhà máy công nghệ mà chúng ta đầu tư ban đầu đã quá lạc hậu so với sự phát triển chung thì không thể bán giá cao được.

Lập trước phương án sử dụng đất

Theo kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, giai đoạn 2017-2020 phải hoàn thành CPH 127 DN.

Để thực hiện mục tiêu này trong bối cảnh thời gian còn lại rất ngắn, Bộ Tài chính đề nghị người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN chịu trách nhiệm đôn đốc, triển khai thực hiện đúng tiêu chí phân loại DN nhà nước, thực hiện việc CPH theo đúng kế hoạch. Về tháo gỡ vướng mắc đất đai, Bộ Tài chính đề nghị các DN thuộc diện CPH khẩn trương rà soát toàn bộ quỹ đất đang quản lý, sử dụng để lập phương án sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai, trình UBND cấp tỉnh có ý kiến về phương án và giá đất để cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi tổ chức xác định giá trị DN CPH.

Theo Minh Chiến

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên