MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xử lý nợ xấu: “Chuyến xe có đông lạnh mãi?”

25-05-2019 - 17:43 PM | Tài chính - ngân hàng

“Có những thành trì khó công phá trong nợ xấu”, theo góc nhìn từ người trong cuộc khi tiếp nhận kết quả xử lý nợ xấu mà Ngân hàng Nhà nước báo cáo.

Như BizLIVE đề cập ở bản tin gần đây, Ngân hàng Nhà nước vừa có báo cáo gửi Quốc hội , trong khuôn khổ kỳ họp thứ 7 khóa XIV đang diễn ra tại Hà Nội. Báo cáo nêu cập nhật gần nhất về kết quả xử lý nợ xấu .

Cụ thể, tính từ năm 2012 đến cuối tháng 3/2019, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 907,3 nghìn tỷ đồng nợ xấu; trong đó riêng trong năm 2018, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 163,14 nghìn tỷ đồng nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối tháng 3/2019 là 2,02%.

Cũng theo báo cáo trên, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng cập nhật đến tháng 3/2019 ở mức 5,88%, giảm mạnh so với mức 10,08% cuối năm 2016 và mức 7,36% cuối năm 2017.

Nếu lùi về mốc tháng 9/2012, thời điểm nợ xấu bắt đầu được công bố một cách chính thức với vùng nhận diện rộng nói trên, thì tỷ lệ trên 17% hiện đã giảm được về 5,88% đến tháng 3/2019.

Trò chuyện với BizLIVE sau khi tiếp nhận kết quả trên, lãnh đạo cao cấp một ngân hàng thương mại, cũng là người trực tiếp phụ trách xử lý nợ xấu tại ngân hàng này hơn 6 năm qua nêu góc nhìn: “Đây phải nói là nỗ lực rất lớn của ngành, bởi cho đến nay việc xử lý nợ xấu vẫn có những đặc thù rất khó giải quyết ngày một ngày hai, đặc biệt là với những thành trì khó công phá kéo dài nhiều năm qua”.

“Chuyến xe có đông lạnh mãi?”

Câu chuyện xử lý nợ xấu mà người trong cuộc này đưa ra từ tình huống tương tự trên thực tế, phát sinh trên thực tế mà cơ chế hiện chưa thực sự hỗ trợ đẩy nhanh tháo gỡ được.

Một hộ gia đình nhập hàng thủy sản từ phía Nam về Hà Nội bán. Thời gian đầu, họ bối rối, vì quá trình xe chuyển hàng gặp cơ quan chức năng kiểm tra. Mỗi lần kiểm tra, thùng hàng mở ra. Nhiều lần bị dừng và bị mở, ngoài tiến độ chuyển hàng bị chậm lại, chất lượng hàng cũng có thể bị ảnh hưởng.

Tình huống trở nên khó khăn hơn, trong giả định chuyến xe chở hàng gây tai nạn. Quá trình xử lý của các cơ quan chức năng mất nhiều thời gian hơn, đảo và chuyển hàng cần thêm thời gian. Thậm chí có tình huống chuyến xe bị niêm phong, nhưng nó có đông lạnh mãi để giữ được giá trị hàng hóa?

Trong cho vay, có những khoản nợ cũng gặp “tai nạn” tương tự rồi trở thành nợ xấu, yếu tố thời gian đi cùng với tốc độ xử lý, rồi giá trị khoản nợ và giá trị tài sản thế chấp bị ảnh hưởng.

“Xử lý nợ xấu thời gian qua và hiện nay cũng có tình huống tương tự. Thử nhìn lại, từ chục năm trước và lần lượt sau đó nhiều đại án trong các lĩnh vực, trong hệ thống ngân hàng… được xử lý. Khối lượng nợ xấu liên quan, ta chưa thống kê cụ thể, nhưng không nhỏ. Vấn đề là, quá trình xử lý các vụ án và các vụ việc, những khoản nợ, những tài sản đảm bảo trở thành “tang vật”, nó nằm chờ phán quyết cuối cùng”, vị lãnh đạo trên đặt vấn đề.

Theo đó, một lượng nợ xấu gắn với các đại án, các vụ việc, các đại dự án bị thua lỗ hoặc phá sản vẫn kẹt đó. Các ngân hàng thương mại không thể tự chủ động “lôi ra” xử lý, bán, thu hồi và giảm được nợ xấu.

Và theo ước tính của người có kinh nghiệm trong xử lý nợ xấu nói trên, quy trình để tháo gỡ những trường hợp liên quan đến “tang vật”, xét xử hoặc kiện tụng như vậy thường mất 3 - 5 năm, qua nhiều đầu mối chức năng.

“Nếu ở Mỹ, không cần phải sang tận nơi để nhìn tận mắt. Chúng ta xem phim Mỹ cũng có thể thấy thực tế rất rõ, trường hợp nào có nợ xấu mà tài sản thế chấp là ngôi nhà đang ở, quá hạn và thành nợ xấu, cơ quan chức năng chỉ việc đến cắm một tấm biển hoặc dán một tờ giấy thông báo, chủ nhà tự giác dọn đồ rời đi. Nó “mặc nhiên” như vậy. Nhưng với ta, các ngân hàng không có được “mặc nhiên” đó để xử lý nợ xấu”, người trong cuộc trên so sánh.

Như vậy, quá trình xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ cần phối hợp với nhiều cơ quan, các cấp chức năng; với những khoản liên quan đến các vụ án, tính chất “tang vật” của tài sản thế chấp còn mất thêm nhiều thời gian nữa để rút ra xử lý.

Trong quá trình đó, mất nhiều thời gian như vậy, giá trị các khoản nợ và các tài sản thế chấp có được “đông lạnh” như chuyến xe chở hàng ở tình huống trên để hiệu quả xử lý nợ xấu tốt hơn? Thực tế, có những khoản nợ sau khi xử lý xong các thủ tục phát mại, tài sản thế chấp là nhà xưởng, máy móc, hàng hóa… đã xuống cấp và hao mòn giá trị.

Yếu tố thời gian trong xử lý nợ xấu, theo góc nhìn của vị lãnh đạo ngân hàng trên, còn liên quan đến một cân đối lượng khác.

“Nhìn lại gần chục năm trước, khi nợ xấu tích tụ và lên tới trên 17% như Ngân hàng Nhà nước từng báo cáo, rõ ràng số lượng các món nợ tăng lên rất lớn. Nhưng chúng ta thấy hệ thống phối hợp, hỗ trợ xử lý như tòa án, thi hành án, chính quyền địa phương có mở rộng thêm số lượng thành viên và đầu mối tương ứng không. Không. Vậy giả sử mỗi đầu mối trước đây hỗ trợ xử lý 2 - 3 vụ việc, sau đó tăng lên 5 - 6 vụ việc thì sao? Thì rõ ràng riêng điểm này tốc độ xử lý nợ xấu cũng đã ảnh hưởng”, người trong cuộc trên phân tích.

Theo đó, vị lãnh đạo ngân hàng này cho rằng, dù hệ thống đã xử lý được lượng lớn nợ xấu, tỷ lệ đã giảm rất mạnh so với trước, nhưng “những thành trì khó công phá” liên quan đến các vụ án, các vụ việc, mang tính chất “tang vật”, hoặc đòi hỏi hỗ trợ từ các đầu mối chức năng để phong tỏa và phát mại tài sản thế chấp, đang tiếp tục là khó khăn và thử thách đối với hệ thống.

Theo Minh Đức

Bizlive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên