MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xử lý nợ xấu tại các ngân hàng 0 đồng vẫn rất khó khăn

28-08-2016 - 09:55 AM | Tài chính - ngân hàng

Theo đại diện của Kiểm toán Nhà nước, hiện tại, năng lực tài chính của các ngân hàng 0 đồng còn rất yếu kém, xử lý nợ xấu đang hết sức khó khăn, trong khi việc huy động nguồn lực tài chính cho các ngân hàng này vẫn là vấn đề rất nan giải.

Tại buổi họp báo công bố báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2015 và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán năm 2014 của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) vào sáng 26/8, đại diện của KTNN đã thông báo về việc xử lý nợ xấu của các ngân hàng, trong đó có các ngân hàng 0 đồng.

Theo báo cáo của KTNN, việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng chủ yếu thông qua việc bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).

Năm 2014, VAMC đã bán hơn 79.600 tỉ đồng trong tổng số 143.500 tỉ đồng xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, theo đánh giá của KTNN, việc xử lý nợ xấu của VAMC chưa hiệu quả. Cụ thể, năm 2014, VAMC chỉ xử lý được 28 khoản nợ tương ứng 627 tỉ đồng trong tổng số 96.455 tỉ đồng nợ xấu đã mua.

Chia sẻ về tình hình nợ xấu của các tổ chức tín dụng, ông Nguyễn Thanh Sơn, Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành 7, thừa nhận, nợ xấu và xử lý nợ xấu tại các tổ chức tín dụng chưa thực chất, bởi số nợ xấu này đang nằm ở VAMC còn lớn.

“Hơn nữa việc xử lý nợ xấu bằng việc phát hành trái phiếu đặc biệt thông qua kênh tái cấp vốn của các TCTD vẫn chưa hiệu quả, bên cạnh đó, việc xử lý tài sản đảm bảo còn nhiều vấn đề vướng mắc”, ông Sơn nói.

Theo KTNN, lý do khiến việc xử lý nợ xấu tại các tổ chức tín dụng gặp nhiều khó khăn là bởi việc phân loại nợ của các tổ chức tín dụng chưa phù hợp, trích lập thiếu dự phòng rủi ro tín dụng, cho vay không đúng quy định nên chưa thu hồi được nợ. Trong khi đó, một số đơn vị quản lý tiền mặt, tiền gửi chưa chặt chẽ, một số dự án đầu tư xây dựng phải tạm dừng, một số khoản đầu tư, góp vốn hiệu quả thấp…

Liên quan đến thông tin, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng dự thảo kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 trong đó có đề cập đến khả năng sẽ sử dụng ngân sách Nhà nước để xử lý nợ xấu. Giải thích với báo chí về vấn đề này, ông Dương Quốc Anh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội khẳng định: Đến giờ phút này, Ủy ban Kinh tế Quốc hội chưa nhận được đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về sử dụng ngân sách để xử lý nợ xấu.

Nói về các ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) mua lại với giá 0 đồng (ngân hàng 0 đồng), ông Nguyễn Thanh Sơn cho hay, hiện nay, năng lực tài chính của những ngân hàng này còn rất yếu kém, lỗ âm vốn chủ sở hữu trong khi đó nguồn lực tài chính cho các ngân hàng này vẫn là vấn đề rất nan giải.

Trước đó, theo dữ liệu của NHNN công bố cho thấy, tính đến cuối tháng 2/2016, tổng tài sản của khối các ngân hàng thương mại (NHTM) Nhà nước giảm với mức giảm 0,13%, xuống gần 3,3 triệu tỷ đồng.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc mua lại 3 ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém GPBank, OceanBank, CBBank đã ảnh hưởng tới tổng tài sản chung của khối NHTM Nhà nước.

“Hiện vẫn có tổ chức nợ xấu lên đến 20-30%, và việc xử lý nợ xấu tại các ngân hàng này đang hết sức khó khăn”, ông Sơn nói.

Hiện tại, hệ thống tín dụng có 3 ngân hàng được NHNN mua lại với giá 0 đồng là Ngân hàng Xây dựng, Ngân hàng Dầu khí toàn cầu (GP Bank) và Ngân hàng Đại Dương.

Trước khi bị mua lại với giá 0 đồng, Ngân hàng Xây dựng có số lỗ lũy kế hơn 18.000 tỷ đồng. Còn GP Bank có số lỗ lũy kế cũng lên đến hơn 12.000 tỷ đồng.

Theo NHNN, cả 3 trên đều là ngân hàng yếu kém được đặt vào diện kiểm soát đặc biệt và đều lâm vào tình trạng vốn chủ sở hữu âm nên buộc phải được xử lý theo hình thức Nhà nước mua cổ phần bắt buộc với giá 0 đồng để xử lý, cơ cấu lại một cách triệt để, toàn diện.

Theo Hải Yến

Infonet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên