MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xu thế dòng tiền: Cơ hội tăng vẫn còn

Mặc dù cả tuần qua thị trường chỉ lình xình với VN-Index tăng giảm thất thường, nhưng đa số chuyên gia vẫn giữ quan điểm tích cực...

Hiện tượng trồi sụt như tuần qua vẫn chưa được xem là xấu, dù vẫn có một vài ý kiến thận trọng. Các chuyên gia mà VnEconomy phỏng vấn không cho rằng đó là các dấu hiệu của hiện tượng phân phối đỉnh. Áp lực bán ra như vậy là bình thường trong bối cảnh thanh khoản duy trì liên tục ở mức cao.

Mặc dù vậy vẫn có quan điểm thận trọng để ngỏ khả năng thị trường sẽ điều chỉnh. Lý do là sự yếu đi của các cổ phiếu vốn hóa lớn trong tuần qua. Thị trường nếu có thể bật tăng thì cũng sẽ chạm tới vùng kháng cự mạnh hơn ở 730-735 điểm và có rủi ro quay đầu tại đây.

Các quan điểm đối lập trong tuần này đã đem lại hành động khác nhau. Với quan điểm lạc quan tích cực nhất, tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu được tăng lên 100% và có xem xét khả năng sử dụng đòn bẩy. Quan điểm thận trọng nhất giảm mạnh danh mục xuống còn 30%. Tỷ trọng phân bổ chủ yếu còn lại là 70%.

Nguyễn Hoàng -VnEconomy

VN-Index tuần này gần như không nhúc nhích được, chỉ tăng có 0,02% so với cuối tuần trước. Diễn biến đáng chú ý nhất của thị trường là rất nhiều nhịp tăng lên trong ngày rồi lại tụt giảm trở lại. Có vẻ thị trường đang bị bán ra nhiều và lại kéo dài trong cả tuần. Anh chị có lo ngại đó là hiện tượng phân phối đỉnh hay không?

Ông Lê Hoàng Tân- Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS

Về mặt kỹ thuật, thị trường vẫn đang trong xu hướng tăng trung và dài hạn, mặc dù điểm số tăng trưởng không nhiều nhưng chắc chắn, qua đó liên tục chinh phục những đỉnh cao mới, đây là tín hiệu rất tích cực.

Mặt khác, khối lượng giao dịch luôn duy trì ở mức trên 200 triệu cổ phiếu, tương đương khoảng 4.500 tỷ/phiên cho thấy dòng tiền vẫn ở trong thị trường, chưa có dấu hiệu phân phối đỉnh.

Tôi vẫn tự tin cho rằng thị trường trong giai đoạn 6 tháng đầu năm 2017 sẽ rất tích cực và VN-Index sẽ còn chinh phục nhiều đỉnh cao hơn nữa.

Ông Trần Hữu Phúc - Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS

Thị trường đã có một tuần giao dịch với diễn biến khá giằng co giữa bên mua và bên bán kết tuần với việc chỉ số xanh nhẹ và có chút sụt giảm nhẹ về thanh khoản. Áp lực bán ra tại thời điểm hiện tại là hoàn toàn bình thường và chúng tôi chưa thấy dấu hiệu của sự phân phối trên thị trường tại thời điểm hiện tại.

Hồ Huyền - Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Chứng khoán VNDIRECT

Theo tôi diễn biến điểm số VN-Index như vậy chưa thể gọi là xấu. Tuy nhiên xét ở góc độ các cổ phiếu thì tôi lại thấy lo ngại. Dù cổ phiếu vẫn phân hóa, tốt xấu đan xen nhưng diễn biến tiêu cực đang áp đảo hơn. Nhóm đã điều chỉnh sâu không có dấu hiệu bật lại, các cổ phiếu trụ cột đỡ index cũng yếu dần về phía cuối tuần và không có sức lan tỏa.

Thị trường có khả năng sắp điều chỉnh sâu.

Ông Trần Xuân Bách - Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt

Tôi cho rằng chưa có cơ sở để nói rằng thị trường có hiện tượng phân phối đỉnh trong tuần qua. VN-Index nhiều khả năng sẽ tiếp tục có thêm nhịp tăng điểm và hướng đến vùng kháng cự mạnh 730-735 điểm trong ngắn hạn khi mà các chỉ số thị trường đều đã trụ vững ở trên các ngưỡng điểm quan trọng vừa bị xuyên phá trong tuần trước.

Tuy nhiên, tôi hiện đang khá quan ngại về rủi ro quay đầu giảm điểm của thị trường tại vùng cản trên.

Thị trường giai đoạn này sẽ chịu sự chi phối từ các thông tin về triển vọng lợi nhuận quý I và cả năm 2017, cũng như kế hoạch phân phối lợi nhuận, tăng vốn... của các doanh nghiệp niêm yết. Do đó, kể cả trong kịch bản chỉ số quay đầu đi xuống thì nhiều khả năng đà giảm sẽ diễn ra thành từng nhịp ngắn với sự phân hóa của các dòng cổ phiếu.

Nguyễn Hoàng - VnEconomy

Thị trường trong tuần xuất hiện khá nhiều thông tin hỗ trợ liên quan đến mùa đại hội cổ đông đang diễn ra. Tuy nhiên có vẻ như các cổ phiếu đã không phản ứng mạnh. Thậm chí một số doanh nghiệp đã công bố ước tính kết quả kinh doanh quý 1 nhưng thị trường vẫn khá thờ ơ. Anh chị đánh giá thế nào về diễn biến đó?

Ông Trần Xuân Bách - Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt

Theo tôi hiện tượng này phản ánh tâm lý kỳ vọng của nhà đầu tư đối với doanh nghiệp từ thời gian trước đó. Các thông tin tích cực về doanh nghiệp từ đó cũng được phản ánh một cách nhanh chóng vào diễn biến giá cổ phiếu.

Vì vậy, đến khi các thông tin chính thức được công bố thì không còn tạo được sự bất ngờ cho các nhà đầu tư, thậm chí hoạt động chốt lời còn diễn ra mạnh hơn khi các yếu tố kỳ vọng đã qua đi.

Hồ Huyền - Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Chứng khoán VNDIRECT

Tôi nghĩ câu chuyện kết quả kinh doanh sẽ thuộc về diễn biến riêng lẻ của cổ phiếu, nếu tốt sẽ chỉ khiến thị trường phân hóa như hiện tại. Thị trường đang thiếu câu chuyện để có thể bứt phá thực sự.

Ông Trần Hữu Phúc - Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán

Diễn biến của nhóm các cổ phiếu lớn trong tuần qua khiến chúng tôi yên tâm như VNM, REE cùng với đó là nhóm cổ phiếu ngân hàng có sự ổn định đáng kể.

Diễn từ mùa đại hội tác động tích cực đến ngành dược phẩm và y tế khi đây là nhóm cổ phiếu tăng mạnh nhất trong tuần với mức tăng 6,6%; hàng loạt cổ phiếu trong nhóm này đều tăng trưởng tốt như DHG (+10,7%), DHT (+15%), DMC (+1,7%), IMP (+9,9%), OPC (+2%), TRA (+0,3%).

Ông Lê Hoàng Tân - Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS

Sau sóng tăng mạnh từ đầu tháng 12, lẽ ra thị trường sẽ có một sóng điều chỉnh tương đối hấp dẫn để thu hút dòng tiền mới, tuy nhiên đến thời điểm này vẫn chưa diễn ra một đợt điều chỉnh thực sự nào. Chính vì vậy, tâm lý chung vẫn đang thận trọng và mức độ hấp thụ thông tin vẫn còn hạn chế.

Ngoài ra, trong tháng 3 chỉ có số ít các doanh nghiệp tiến hành Đại hội cổ đông nên chưa tạo được sự cộng hưởng lớn, tôi cho rằng điều này sẽ tích cực hơn trong tháng 4.

Nguyễn Hoàng - VnEconomy

Quy mô mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài trong tháng 3 là khá cao, đặc biệt nhưng ngày cuối tuần trong 2 tuần nay. Theo anh chị đó chỉ là các động thái mua vào dịp chốt NAV cuối quý 1, hay là nguồn vốn gia tăng một cách thật sự?

Ông Trần Hữu Phúc - Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán

Chúng tôi cho rằng thị trường hiện tại vẫn hút được dòng vốn của khối ngoại, bởi sự tăng trưởng tốt về doanh thu cũng như lợi nhuận của các doanh nghiệp đầu ngành.

Phiên giao dịch cuối quí 1 là phiên tăng điểm bởi hoạt động kéo NAV thì hoàn toàn có thể lý giải được. Chúng tôi nhìn nhận thị trường Việt Nam vẫn đang là thị trường hấp dẫn dưới góc nhìn của các nhà đầu tư nước ngoài thể hiện là sự gia tăng quy mô đầu tư ở Việt Nam của các quỹ ngoại trong khi đó lại có dấu hiệu rút vốn ở các thị trường lân cận.

Ông Lê Hoàng Tân - Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS

Tôi cho rằng tính hiệu mua ròng rất mạnh của nhà đầu tư nước ngoài trong những tuần vừa qua tạo ra hiệu ứng tâm lý khá lạc quan cho các nhà đầu tư trong nước.

Hiện tại rất khó bóc tách dòng tiền giải ngân của khối này là mới hay cũ, tuy nhiên chúng ta có thể nhìn lại năm 2016 là năm có số lượng tài khoản nước ngoài đặt mức kỷ lục, vì vậy tôi tin rằng tỷ trọng đóng góp của dòng vốn mới là không hề nhỏ.

Ông Trần Xuân Bách - Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt

Trên thực tế, mặc dù khối ngoại mua ròng khá mạnh trong tháng 03 tuy nhiên giá trị mua ròng cao chủ yếu do khối này tập trung mua mạnh ở cổ phiếu VNM.

Ảnh hưởng của câu chuyện FED tăng lãi suất đến sự luân chuyển của dòng vốn ngoại đã không còn mạnh và đáng lo ngại như trong các lần điều chỉnh trước. Vì vậy, nếu không có những diễn biến mới gây bất ngờ thì 2 lần điều chỉnh lãi suất tiếp theo của FED trong năm nay như dự kiến cũng sẽ không còn ảnh hưởng lớn đến dòng tiền của khối ngoại.

Chính triển vọng tăng trưởng và những vấn đề nội tại của nền kinh tế Việt Nam mới quyết định đến sức hấp dẫn dòng vốn ngoại trong thời gian tới. Mặc dù vậy, tương quan chỉ số P/E của thị trường Việt Nam hiện đã không còn được xem là rẻ so với các thị trường trong khu vực như trước. Vì vậy, tôi cho rằng, quy mô mua ròng của khối ngoại trong thời gian tới có thể chỉ ở mức độ nhẹ và mang tính chọn lọc cao.

Hồ Huyền -Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Chứng khoán VNDIRECT

Theo lịch sử những năm gần đây, khối ngoại thường bán ròng vào cuối năm và mua ròng vào đầu năm. Tôi nghĩ đó là sự cơ cấu danh mục nhiều hơn.

Nguyễn Hoàng - VnEconomy

Dao động tương đối mạnh ở nhiều cổ phiếu trong tuần có lẽ là cơ hội để trading ngắn hạn. Anh chị có giao dịch trong tuần hay không? Mức phân bổ danh mục hiện tại như thế nào?

Ông Lê Hoàng Tân - Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS

Theo đúng kế hoạch, tôi đã bắt đầu giải ngân lại trong tuần rồi và sẽ tiếp tục giải ngân trong tuần này nếu có các mức giá tốt. Danh mục giải ngân vẫn tập trung vào các cổ phiếu đang nắm giữ thuộc các ngành như xây dựng, vật liệu xây dựng, bán lẻ, tiêu dùng, dịch vụ và đầu tư. Tỷ trọng 100% tiền mặt hoặc có thể xem xét dùng một ít đòn bẩy để tối đa hóa lợi nhuận trong giai đoạn tăng trưởng tiếp theo.

Hồ Huyền - Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Chứng khoán VNDIRECT

Tôi bán bớt, đưa trạng thái cổ phiếu về 30% vì rủi ro đang gia tăng. Tôi sẽ giảm tiếp trạng thái nếu tuần này thị trường xuống dưới 717 điểm.

Ông Trần Xuân Bách - Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt

Tuần qua, tôi có thực hiện một vài hoạt động trading quay vòng để tối ưu hóa lợi nhuận cho phần danh mục ngắn hạn của mình nhưng vẫn giữ nguyên tỷ trọng danh mục tổng ở mức 70% cổ phiếu (trong đó, phần danh mục ngắn hạn chiếm 20%).

Ông Trần Hữu Phúc - Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán

Chúng tôi cho rằng xu hướng tăng vẫn giữ thế chủ đạo trên thị trường trong giai đoạn này.

Tuy nhiên, trong bối cảnh nhóm cổ phiếu dẫn dắt đang đối mặt với các vùng kháng cự cứng, kịch bản chỉ số tiếp tục bứt phá mạnh nhiều khả năng sẽ chưa thể xảy ra. Thay vào đó, trạng thái điều chỉnh tích lũy trong biên độ 720-725 điểm ở một vài phiên sắp tới là bước chạy đà phù hợp trước khi nhịp tăng mới có thể hình thành. Chúng tôi duy trì danh mục cổ phiếu tỷ lệ 70% tiền mặt 30%.

Theo Nguyễn Hoàng

Vneconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên