Xu thế dòng tiền: Nên đứng ngoài thị trường?
Với các diễn biến tăng điểm số nhưng đa số cổ phiếu sụt giảm và thanh khoản kém, các chuyên gia đều tỏ ra thận trọng cao với thị trường hiện tại...
- 05-09-2017Xu thế dòng tiền: Cơ hội chinh phục đỉnh cao
- 02-09-2017Nới room tín dụng, dòng tiền có chảy vào "lĩnh vực nóng"?
- 28-08-2017CTCK nhận định thị trường 28/08: Tập trung vào những cổ phiếu đang hút dòng tiền
Tình trạng “xanh vỏ đỏ lòng” được các chuyên gia cho rằng luôn tiềm ẩn rủi ro nhất định. Đà đi lên ngắn hạn xuất hiện nhiều dấu hiệu cảnh báo như không có sự đồng thuận về thanh khoản, điểm số tăng không tạo sức lan tỏa ở cổ phiếu…
Với đánh giá thận trọng, các chuyên gia cho rằng trong bối cảnh hiện tại, nếu có thể thì giao dịch quay vòng đối với các cổ phiếu có sẵn, nếu không thì chỉ giữ vị thế quan sát và theo dõi các cổ phiếu cần quan tâm, đợi thị trường rõ ràng hơn.
Các chuyên gia đều đã thực hiện giảm tỷ trọng cổ phiếu xuống trong tuần qua và giữ vị thế cân bằng tiền/cổ.
Nguyễn Hoàng- VnEconomy
Tuần giao dịch chỉ có 4 ngày nhưng có lẽ là tuần kỳ lạ nhất từ đầu năm nay. VN-Index không chỉ vượt đỉnh mà còn tăng thoăn thoắt vượt luôn cả 800 điểm. Chỉ số tăng hoàn toàn nhờ các cổ phiếu lớn tăng, theo anh chị điều này có rủi ro hay không?
Ông Lê Hoàng Tân- Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS
Chỉ số VN-Index chính thức vượt mốc 800 điểm sau 10 năm chờ đợi, tuy nhiên số nhà đầu tư được hưởng niềm vui này thực sự không nhiều vì phần lớn danh mục trong tài khoản đều ở trạng thái lỗ hoặc không có lời.
Tôi cho rằng một thị trường “xanh vỏ đỏ lòng” luôn mang lại những rủi ro nhất định, đặc biệt là đối với các nhà đầu tư có thói quen nhìn vào chỉ số chung.
Ông Trần Xuân Bách- Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt
Sự chi phối rõ nét của một vài cổ phiếu vốn hóa lớn đến diễn biến tăng điểm của VN-Index, kèm theo sự không đồng thuận của khối lượng giao dịch và điểm số là những tín hiệu không mấy tích cực đối với đà đi lên của thị trường trong ngắn hạn.
Tôi cho rằng, nếu các yếu tố này tiếp tục diễn ra sẽ là một tín hiệu cảnh báo cho rủi ro đảo chiều xu hướng tăng điểm hiện tại của chỉ số, đặc biệt là khi thị trường đang tiến vào vùng kháng cự mạnh cả về mặt tâm lý và kỹ thuật 810-820 điểm.
Ông Ngô Quốc Hưng -Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Vietinbank
Cuộc chơi nào cũng luôn có luật lệ và có khe hở, việc lợi dụng khe hở là các cổ phiếu lớn để làm giá mà không cần che dấu là một rủi ro về điểm số cả ở thị trường cơ sở và thị trường phái sinh.
Hơn nữa, việc đẩy thị trường lên mà không lôi kéo được dòng tiền vào thì chỉ làm cho tâm lý thêm chán nản, thị trường là nơi thể hiện tâm lý và kỳ vọng của nhà đầu tư, một khi tâm lý bị ức chế thì thị trường cũng khó có thể tiến xa. Tiền là của nhà đầu từ và cuộc chơi là của chính họ vì vậy cần phải hạn chế những rủi ro (những khe hở làm méo mó chỉ số) để tạo niền tin cho nhà đầu tư và qua đó giúp thị trường phát triển bền vững hơn.
Ông Trần Hữu Phúc-Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS
Trong lịch sử khi VN-Index vượt đỉnh 500, 530-540, 580 đều cần đến sự trợ giúp của các cổ phiếu vốn hóa lớn. Lần này cũng không ngoại lệ khi mà VN-Index vượt đỉnh 800 điểm đều có sự góp mặt của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và cổ phiếu nằm trong VN30 như GAS, MSN, VIC, SAB.
Tuy nhiên, điều chúng tôi chờ đợi đó là việc tăng điểm của chỉ số phải tạo được sự lan tỏa sang các nhóm cổ phiếu khác mới cấu thành nên sự xu hướng tăng bền vững.
Nguyễn Hoàng-VnEconomy
Có thể thấy khá rõ là một tuần tăng mạnh nhưng thanh khoản của thị trường lại giảm đáng kể. Thị trường tăng mà không xuất hiện những điều mà anh chị chờ đợi, là tạo nền tảng chắc chắn. Theo anh chị, nhà đầu tư nên hành động thế nào trong hoàn cảnh này?
Ông Trần Xuân Bách- Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt
Theo tôi, nhà đầu tư nên đẩy mạnh các hoạt động trading quay vòng cho các vị thế đang có sẵn trong danh mục. Các hoạt động giải ngân mới nên có sự chọn lọc kỹ lưỡng và tập trung vào các nhóm cổ phiếu có triển vọng kết quả kinh doanh quý 3 được dự báo tích cực.
Ông Trần Hữu Phúc- Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS
Tôi cho rằng VN-Index vượt 800 điểm nhưng thanh khoản lại bị sụt giảm mạnh, thị trường ngắn hạn vẫn trong xu hướng đi ngang, không có dòng cổ phiếu dẫn dắt do đó nhà đầu tư nên quan sát thêm thị trường.
Ông Lê Hoàng Tân - Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS
Quan sát thị trường trong tuần qua chúng ta rất dễ nhận thấy động lực tăng điểm chủ yếu đến từ một số ít các mã cổ phiếu có gí trị vốn hóa cao như SAB, VIC, MSN…trong khi phần còn lại lình xình hoặc đi xuống. Đây không thể xem là nền tảng vững chắc cho một sóng tăng bền vững.
Thông thường ở những giai đoạn này, tôi sẽ chọn giải pháp ngồi ngoài, quan sát kỹ các cổ phiếu mình nằm trong “watchlist” để chuẩn bị cho các kế hoạch giao dịch tiếp theo.
Ông Ngô Quốc Hưng - Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Vietinbank
Theo tôi, điều này phụ thuộc vào nhà đầu tư tin vào “giá trị” hay tin vào “giá” (trên bảng điện). Trong các chiến lược đầu tư điều cần làm là tối đa hóa lơi nhuận và kiểm soát rủi ro tốt nhất có thể. Dù có ở hoàn cảnh nào thì khi tham gia vào cuộc chơi, nhà đầu tư cũng phải luôn đặt cho mình mức kỳ vọng có thể đạt được và mức rủi ro có thể chấp nhận, nếu không bị vi phạm thì vẫn có thể tiếp tục như kế hoạch ban đầu.
Thị trường luôn có khuyết tật, cả thị trường cơ sở và phái sinh đều bị làm giá điên rồ, một khi đã tham gia thì nhà đầu tư nên làm quen với điều đó. Thị trường không có lỗi, có chăng đó chính là lý do vì sao lại tham gia vào cuộc chơi.
Nguyễn Hoàng - VnEconomy
Khả năng điều chỉnh mà anh chị chờ đợi từ tuần trước cuối cùng đã không xảy ra trong tuần này. Vậy theo anh chị thị trường có thể diễn biến bất thường kéo dài đến lúc nào và đâu là những dấu hiệu cảnh báo sớm cho khả năng đổi chiều ngắn hạn?
Ông Ngô Quốc Hưng - Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Vietinbank
Thực ra tình trạng “xanh vỏ đỏ lòng” trong tuần vừa qua không phải là điều gì mới mẻ trên thị trường chứng khoán Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. Việc chỉ số phụ thuộc vào cổ phiếu lớn là rủi ro bởi chỉ số càng tăng thoăn thoắt thì các tài khoản càng lỗ, gây tâm lý chán nản.
Sẽ không có trụ nào cứ tăng mãi được, một khi các trụ này điều chỉnh sẽ tác động mạnh đến tâm lý nhà đầu tư và giá những cổ phiếu khác, điều này chưa phải chưa từng xảy ra. Cú giảm mạnh bắt đầu từ ngày 8/8 - 22/8 vừa qua cũng xuất phát từ sự điều chỉnh của nhóm trụ này (VNM, VIC, GAS, BVH).
Về kỹ thuật, VN-Index đang vận động trong sự lệch pha giữa giá và khối lượng, điều đó cho thấy cường độ di chuyển của đường giá sẽ yếu đi hoặc có sự điều chỉnh xu hướng. Thông thường, khi chỉ số vượt kháng cự thì khối lượng sẽ tăng, nhưng điều ngược lại đang diễn ra, có nghĩa là dòng tiền thận trọng hơn, nhà đầu tư đang tỏ ra quan ngại thì khả năng điều chỉnh cũng chỉ là một sớm một chiều.
Ngoài ra, VN-Index đang vận động trong kênh tăng giá ngắn hạn và đang tiến về đường trendline phía trên, cũng là kháng cự cho chỉ số này, ngưỡng cản mạnh của thị trường ở vùng 807 - 809 điểm.
Ông Trần Xuân Bách - Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt
Xu hướng tăng điểm của thị trường nhiều khả năng sẽ vẫn được duy trì với đích đến kỳ vọng nằm tại vùng 810-820 điểm trong một vài tuần kế tiếp.
Đây là vùng kháng cự được đánh giá là khá mạnh đối với VN-Index ở thời điểm hiện tại. Do đó, tôi để ngỏ khả năng thị trường có thể xuất hiện tín hiệu đảo chiều ngắn hạn tại vùng điểm này.
Ông Lê Hoàng Tân - Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS
Thực sự với những ai gắn kết cùng thị trường này đủ lâu thì việc chỉ số lấy lại được mốc 800 điểm là một điều gì đó rất phấn khích mặc dù nó chưa mang lại những khoản lợi nhuận thực tế cho nhà đầu tư.
Hiện nay rất khó dự đoán nó sẽ kéo dài bao lâu nhưng rõ ràng thị trường không chỉ trông chờ vào các cổ phiếu trụ mà cần có sự phục hồi trên bình diện chung, điều này rất khó xảy ra trong tương lai gần. Vì vậy, quan điểm của tôi thiên về việc thị trường sẽ “sideway down” trong tuần này.
Ông Trần Hữu Phúc - Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS
Tôi cho rằng thị trường vẫn ở trong xu hướng tăng trung và dài hạn tuy nhiên xu hướng ngắn hạn vẫn là đi ngang không rõ xu hướng.
Nguyễn Hoàng - VnEconomy
Với tình hình là các chỉ số vượt đỉnh nhưng cổ phiếu tuần qua đa số không đem lại kết quả tích cực. Anh chị tuần qua có giao dịch hay không? Tỷ trọng phân bổ vốn có gì thay đổi?
Ông Lê Hoàng Tân - Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS
Như đã trao đổi liên tục trong các tuần trước, hiện tại tôi rất quan tâm đến nhóm cổ phiếu ngân hàng, tôi cho rằng nhóm cổ phiếu này sẽ dẫn dắt thị trường từ đây tới cuối năm. Danh mục trong tài khoản cũng tập trung chủ yếu vào các mã ngân hàng và một vài mã thuộc ngành vật liệu xây dựng, tiêu dùng, bán lẻ và logistic. Tỷ trọng tiền mặt và cổ phiếu trong danh mục hiện nay khá cân bằng.
Ông Ngô Quốc Hưng = Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Vietinbank
Việc lựa chọn cổ phiếu phù hợp với đợt tăng vừa qua của Vnindex kể từ đáy gần nhất (760 điểm) quả là khó khăn: xác suất lựa chọn cổ phiếu tăng và giảm gần như bằng nhau (49% cổ phiếu tăng giá và 48% cổ phiếu giảm giá), mức tăng bình quân của nhóm tăng giá là 5% trong khi nếu lựa chọn phải nhóm giảm gia thì mức thiệt hại bình quân là 3,8%. Chỉ số VN-Index đã tăng 5,6% trong cùng thời gian đó, thị trường đúng là bất tử và việc đánh bại thị trường là khó khăn.
Như đã nhấn mạnh ở kỳ trước, tôi cho rằng thị trường sẽ có điều chỉnh kỹ thuật trong tuần tới nên đã giảm tỷ trọng cổ phiếu về 50% trong tuần vừa qua khi thị trường tiệm cận đỉnh. Tuần tới, ETF sẽ bắt đầu giao dịch, nghĩa là giá có thể dao động khó lường hơn nữa vì vậy tỷ trọng phân bổ có thể là 30% cổ phiếu với ưu tiên là các cổ phiếu ngành thép.
Ông Trần Hữu Phúc - Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS
Phiên cuối tuần Vn-Index vẫn nằm trên 800 điểm nhưng rất nhiều các mã cổ phiếu có hiện tượng bán ra khá mạnh vào cuối phiên như MBB, GMD, BID, VNM. Thị trường duy trì trạng thái giao dịch kém thanh khoản trong vòng 4 tuần nay nên chúng tôi vẫn giữ quan điểm thận trọng, chỉ nắm giữ 70% cổ phiếu trong danh mục. Phiên cuối tuần hạ tỷ trọng xuống còn 50%.
Ông Trần Xuân Bách - Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt
Tuần qua, tôi đã thực hiện bán chốt lời một phần các vị thế ngắn hạn của mình. Tỷ trọng danh mục tổng của tôi hiện được giữ ở mức 70% cổ phiếu (trong đó, phần danh mục trung hạn vẫn chiếm 30%).
Vneconomy