Xu thế dòng tiền: Tín hiệu phục hồi chưa đủ tin cậy
Thị trường tuần qua tiếp tục vận động tích lũy như nhận định trước đó, nhưng các chuyên gia đã tỏ ra thận trọng hơn...
- 27-10-2016Soi lợi nhuận đáng mơ ước của các doanh nghiệp đắt giá nhất thị trường chứng khoán
- 27-10-2016Thoái vốn nhà nước sẽ không bị điều chỉnh bởi các quy định của Luật Chứng khoán
- 25-10-2016Kiến nghị lập sàn chứng khoán cho khởi nghiệp
Không còn khẳng định chắc chắn vào khả năng bứt phá, các chuyên gia mà chúng tôi phỏng vấn đã có quan điểm trung tính và thận trọng hơn. Tất cả đều cho rằng diễn biến thị trường hiện tại chưa có nhiều thay đổi và quá trình tích lũy vẫn tiếp diễn chừng nào các vùng kháng cự và hỗ trợ chưa bị phá vỡ.
Đánh giá về việc 3 lần VN-Index tìm được ngưỡng hỗ trợ tốt ở 670 điểm, các chuyên gia vẫn chưa đánh giá cao về dấu hiệu phục hồi để bước vào chu kỳ tăng mới khi các tín hiệu chưa đủ độ tin cậy. Thanh khoản thấp và đà kéo của một số cổ phiếu vốn hóa lớn.
Do chưa thay đổi tình trạng tích lũy hiện tại nên các chuyên gia tuần qua không thực hiện gia tăng thêm cổ phiếu mà chỉ thực hiện giao dịch ngắn hạn với các cổ phiếu có sẵn.
Nguyễn Hoàng
Thị trường đã trải qua những ngày khó khăn trong tuần này, nhưng cuối cùng VN-Index cũng trụ vững trên 670 điểm và có một ngày tăng mạnh vào cuối tuần. Tới 3 lần rơi sát ngưỡng 670 điểm và lại phục hồi từ đó, liệu đây có phải là tín hiệu tin cậy rằng thị trường sẽ không thể giảm sâu hơn được nữa và bắt đầu hành trình tăng mới?
Bà Hồ Huyền-Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Chứng khoán VNDIRECT
Theo tôi ít nhất vùng 670 điểm cũng là một hỗ trợ mạnh của thị trường. Vùng hỗ trợ của VN-Index hiện cũng trùng với hỗ trợ của rất nhiều cổ phiếu trụ cột, vì vậy có khả năng thị trường sẽ sớm hồi phục.
Tuy nhiên tôi vẫn giữ quan điểm là thị trường tăng nhưng rất khó kiếm lợi nhuận, giống hệt như những gì đã diễn ra trong 3 tháng qua.
Ông Trần Xuân Bách-Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt
Theo tôi vùng hỗ trợ quanh 670 điểm được xem là ranh giới quyết định xu hướng tăng hoặc giảm ngắn hạn của VN-Index, chừng nào chỉ số chưa xuyên thủng ngưỡng điểm này thì xu hướng tăng ngắn hạn sẽ vẫn được duy trì.
Tuy nhiên, việc vùng điểm này được giữ vững không đồng nghĩa với việc thị trường có thể sẽ bắt đầu một hành trình tăng điểm mới. Trong quá trình hồi phục, chỉ số sẽ gặp phải thử thách ở vùng kháng cự gần quanh 685 điểm và xa hơn là 692 điểm.
Tôi cho rằng thị trường có thể sẽ phải cần thêm thời gian tích lũy để vượt qua những vùng cản này nếu muốn hướng đến một nhịp tăng mới trong thời gian tới.
Ông Trần Hữu Phúc-Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS
Thị trường có 3 phiên giảm điểm vào đầu tuần trong đó đã 2 lần trong phiên giảm về sát mốc 670 điểm và 2 phiên kết tuần với sự hồi phục về điểm số. Tính chung trong cả tuần, VN-Index giảm nhẹ 0,38% tương ứng với 2,58 điểm xuống mức 682,25 điểm. HNX-Index giảm khá mạnh 1,36% tương ứng với 1,16 điểm về mức 83,04 điểm.
Theo quan điểm kĩ thuật chúng tôi vẫn kiên trì với quan điểm thị trường tích lũy trong biên độ 670-690 điểm trong thời gian ngắn hạn tới. Khi VN-Index tiệm cận vùng 670 -675 điểm lượng cung có dấu hiện cạn kiệt và suy yếu. Điều tương tự cũng diễn ra khi chỉ số VN-Index chạm sát vùng 685-690 điểm thì lượng cầu ngay lập tức có dấu hiệu sụt giảm.
Chúng tôi chưa vội lạc quan và tin cậy với tín hiệu của thị trường hiện tại.
Ông Lê Đức Khánh-Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Chiến lược đầu tư, Chứng khoán Maritime (MSI)
Thị trường đang diễn biến giao động lên xuống sideway để tạo 1 nền tảng tăng giá mới. Qua quan sát diễn biến, tôi cho rằng VN-Index khó có thể chỉnh sâu dưới mốc 670 điểm và đây là ngưỡng hỗ trợ mạnh và thị trường sẽ bật lên từ ngưỡng này thời gian tới.
Ông Lê Hoàng Tân-Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS
Xét về mặt chỉ số, thị trường ít có sự biến động trong tuần qua nhưng rõ ràng chúng ta đã trải qua một tuần giao dịch khá khó khăn, đặc biệt là sự suy yếu của dòng tiền và thanh khoản liên tục sụt giảm.
Mặc dù phiên giao dịch cuối tuần thanh khoản có tốt hơn và sắc xanh đã trở lại nhưng điều đó chỉ diễn ra ở một vài nhóm cổ phiếu đã giảm sâu và bật tăng trở lại. Do vậy, đây chưa phải là tín hiệu đáng tin cậy để khẳng định thị trường đã vào giai đoạn uptrend mới.
Hiện tại tôi không bi quan về thị trường nhưng rõ ràng chúng ta cần quan sát kỹ hơn và như đã trao đổi ở tuần trước, khả năng xu hướng thị trường sẽ rõ ràng hơn trong nữa đầu tháng 11.
Nguyễn Hoàng
Báo cáo tài chính của các công ty chứng khoán quý 3/2016 cung cấp mức độ sử dụng đòn bẩy tài chính lớn. Anh chị cũng đã từng đưa ra nhận định về vấn đề này cách đây 4 tuần, liệu các dữ liệu mới có khiến anh chị quan ngại về tình hình margin hiện tại hay không, khi nhiều cổ phiếu đã điều chỉnh khá mạnh?
Ông Trần Hữu Phúc-Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS
Năm 2016 là 1 năm thị trường có sự chuyển biến hết sức tích cực của từng ngành nghề và với mỗi ngành nghề thì chỉ cổ phiếu đầu ngành mới có tốc độ tăng trưởng bứt phá mãnh liệt, cùng với đó độ mở rộng của hoạt động margin cũng diễn ra mạnh mẽ.
Chúng tôi cho rằng danh mục margin của các công ty chứng khoán như vậy hoàn toàn không bất thường và chúng tôi không quan ngại về tình hình sử dụng margin nếu danh mục margin đó tập trung vào nhóm cổ phiếu đầu ngành như VNM, VCB, HPG, DHG, CTD, BMP...
Bà Hồ Huyền-Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Chứng khoán VNDIRECT
Thị trường xuất hiện những cổ phiếu giảm sàn liên tiếp sẽ khiến các công ty chứng khoán cảnh giác và siết chặt margin hơn. Tuy nhiên, đặc trưng của thị trường năm nay là sự phân hóa mạnh, nhóm cổ phiếu khỏe thì vẫn cứ lên.
Ông Lê Hoàng Tân-Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS
Theo số liệu thống kê, tính đến cuối quý 3 tổng margin của thị trường vào khoảng 24 nghìn tỷ, so với số liệu cách đây 4 tuần thì không có sự thay đổi lớn và so với mức đỉnh điểm trước đây cũng chỉ cao hơn khoảng 10%. Điều này phù hợp với quy mô thị trường hiện tại nên không phải là điều mà chúng ta quá lo ngại.
Tuy nhiên như đã trao đổi cách đây 4 tuần, điểm lo ngại duy nhất của tôi hiện nay là margin lại tập trung rất nhiều ở các mã cổ phiếu lớn, có mức tăng giá mạnh trong thời gian qua nên hiện tượng nhiều cổ phiếu có thể giảm 10-15% trong vòng 1-2 tuần diễn ra khá phổ biến.
Vì vậy, nhà đầu tư cần thận trọng quan sát kỹ các cổ phiếu này trước khi quyết định giải ngân.
Ông Trần Xuân Bách-Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt
Tôi vẫn giữ nguyên quan điểm về vấn đề margin của thị trường như nhận định lần trước. Trong bối cảnh hiện tại khi rất nhiều công ty chứng khoán đã tăng vốn hoặc phát hành trái phiếu thành công nhằm hạn chế những tác động của Thông tư 36, thị lượng margin trên thị trường hoàn toàn có thể tiếp tục gia tăng và đạt đỉnh cao mới.
Hơn nữa, một phần không nhỏ lượng margin trên đã chảy vào các mã vốn hóa lớn như VNM, FPT, HSG, VCB, HPG... và về mặt nguyên lý sẽ đỡ rủi ro hơn so với các dòng cổ phiếu mang tính đầu cơ cao như xu hướng của các năm trước.
Mặc dù vậy, đây vẫn là một thông số cần phải tiếp tục theo dõi sát sao bởi lượng vốn margin sử dụng càng tăng thì rủi ro điều chỉnh của thị trường sẽ càng hiện hữu.
Ông Lê Đức Khánh-Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Chiến lược đầu tư, Chứng khoán Maritime (MSI)
Tôi chưa bao giờ quan tâm đến lượng margin trên thị trường thế nào. Tôi quan tâm nhiều đến triển vọng, giá trị của từng cổ phiếu riêng lẻ để nắm giữ. Tâm lý nhà đầu tư luôn bất ổn khi theo dõi nhiều tín tức tiêu cực trên thị trường.
Nguyễn Hoàng
Nếu hiện tại anh chị lựa chọn cơ hội để tích lũy cổ phiếu cơ bản cho quý 4, anh chị sẽ nhắm đến những cổ phiếu/nhóm cổ phiếu nào dựa trên kỳ vọng kết quả kinh doanh tới đây?
Ông Lê Hoàng Tân-Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS
Như đã chia sẽ tại thời điểm cuối tháng 9, trong năm 2016 và cả nửa đầu năm 2017 tôi rất quan tâm đến các cổ phiếu thuộc ngành xây dựng, vật liệu xây dựng; ngành nhựa; hóa chất; tiêu dùng và dịch vụ.
Đây là những ngành tôi cho rằng sẽ được hưởng lợi lớn nhất trong điều kiện kinh tế vĩ mô hiện nay. Chính vì vậy danh mục của tôi cũng xoay quanh ở những ngành này và có xu hướng nắm giữ lâu dài, các cổ phiếu mà tôi lựa chọn là các cổ phiếu đầu ngành chẳng hạn như: CTD, HPG, BMP, CSV, VNM, KDC, FPT và MWG. Đây cũng là các cổ phiếu sẽ cho kết quả kinh doanh khả quan nhất trong quý 4 và đầu năm sau.
Ông Lê Đức Khánh-Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Chiến lược đầu tư, Chứng khoán Maritime (MSI)
Tôi vẫn có chiến lược mua và tiếp tục nắm giữ nhóm cổ phiếu thép, vật liệu xây dựng, bảo hiểm, dược, cảng biển.
Bà Hồ Huyền-Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Chứng khoán VNDIRECT
Tôi mong chờ kết quả khả quan của nhóm bất động sản. Nhóm cao su có thể có triển vọng do quý 4 thường cho sản lượng cao su cao nhất. Ngoài ra cũng nên để mắt đến nhóm dầu khí.
Ông Trần Hữu Phúc-Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS
Một lần nữa tôi lại nhấn mạnh lại việc lựa chọn các cổ phiếu đầu ngành trong năm nay thật sự là một chiến thuật sáng suốt và chúng tôi không rời mắt khỏi nhóm danh mục các cổ phiếu đầu ngành như đã nhắc đến ở trên : VCB, VNM, HPG, DHG, BMP, CTD.
Ông Trần Xuân Bách-Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt
Tôi cho rằng, nhà đầu tư có thể quan tâm đến các nhóm ngành như bất động sản, xây dựng và vật liệu xây dựng, ngân hàng, dầu khí và công nghệ thông tin trong quý 4.
Nguyễn Hoàng
Thanh khoản thực sự thấp ở những phiên VN-Index rơi sát ngưỡng 670 điểm cũng có nghĩa là không nhiều nhà đầu tư đủ dũng cảm bắt đáy. Anh chị có tăng mua hay không và mức nắm giữ hiện là bao nhiêu?
Ông Lê Đức Khánh-Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Chiến lược đầu tư, Chứng khoán Maritime (MSI)
Tôi không giải ngân thêm trong tuần qua và vẫn giữ nguyên tỷ trọng cổ phiếu/tiền mặt với tỷ lệ 60%/40%.
Giai đoạn điều chỉnh lên xuống không bất ngờ và có thể đi ngang tiếp do đó việc đợi thị trường bứt phá khỏi ngưỡng này tôi sẽ gia tăng giải ngân.
Ông Trần Xuân Bách-Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt
Tuần qua, tôi tiếp tục thực hiện các hoạt động trading quay vòng cho phần danh mục ngắn hạn, tuy nhiên, tỷ trọng danh mục tổng của tôi vẫn được giữ nguyên ở mức 80% (trong đó, phần danh mục trung hạn chiếm 20% cổ phiếu).
Tôi dự kiến sẽ vẫn áp dụng chiến lược giao dịch này cho phần danh mục ngắn hạn của mình chừng nào chỉ số vẫn còn duy trì trong kênh dao động đi ngang 670-690 điểm.
Bà Hồ Huyền-Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Chứng khoán VNDIRECT
Tôi giữ tỷ lệ cổ phiếu 50%, đợi tín hiệu tăng điểm có độ rộng và thanh khoản cải thiện sẽ gia tăng lên 70%.
Ông Trần Hữu Phúc-Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS
Thanh khoản sụt giảm thể hiện sự suy yếu trầm trọng của lượng cung ở mức giá thấp khi về sát ngưỡng 670 điểm. Chúng tôi vẫn kiên trì chiến thuật tích lũy cổ phiếu khi thị trường ở vùng thấp 670-675 điểm và giảm bớt tỷ trọng cổ phiếu khi tiệm cận vùng 680-685 điểm.
Ông Lê Hoàng Tân-Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS
Trong tuần qua mặc dù thị trường có nhiều biến động nhưng tôi vẫn giữ nguyên kế hoạch của mình là không tăng hay giảm tỷ trọng, hành động chủ yếu vẫn là trading các cổ phiếu có sẵn trong danh mục để kiếm thêm lợi nhuận ngắn hạn.
Tỷ trọng nắm giữ cổ phiếu hiện nay của tôi vẫn duy trì ở mức 70 - 80% danh mục và theo kế hoạch tôi sẽ xem xét lại vấn đề này trong 2 tuần đầu tháng 11.
VnEconomy