Xuất hiện trò lừa "Bộ Y tế xác thực thông tin đăng ký tiêm vaccine" để đánh cắp tài khoản ngân hàng
Nhiều người dân tại TP.HCM đã nhận được tin nhắn với nội dung họ đủ điều kiện đăng ký tiêm vaccine, yêu cầu cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng để xác thực.
- 08-07-2021Cảnh báo nhiều website giả mạo doanh nghiệp thủy sản Na Uy để lừa đảo
- 07-07-2021‘Vua Bitcoin’ bị bắt với cáo buộc lừa đảo 300 triệu USD
- 29-06-2021Thủ đoạn mới: Thuê sim rác, sim ảo để lừa đảo
Trong hôm nay (29/7), nhiều người tại TP.HCM nhận được tin nhắn từ đầu số lạ với nội dung "Bộ Y tế xin thông báo: Bạn đã đủ điều kiện đăng ký xin trợ cấp. Vui lòng hoàn thành thủ tục đăng ký trực tuyến ngay bây giờ. Thời hạn đến 17.30 hôm nay. Tin nhắn gửi kèm một đường link lạ để người dùng truy cập và tiến hành đăng ký.
Người dân nhận được tin nhắn từ đầu số lạ, yêu cầu nhập thông tin tài khoản ngân hàng để được xác thực đăng ký tiêm vaccine.
Khi thử truy cập vào đường link, trang web thậm chí hiện lên các thông tin về tình hình dịch bệnh, hoạt động của lãnh đạo Bộ Y tế Việt Nam bắt chước cổng thông tin chính thức của Bộ Y tế. Sau đó, trang hiện lên một pop-up, yêu cầu người dùng đăng nhập để được "xác thực thông tin xin trợ cấp tiêm chủng vaccine Covid-19".
Cổng đăng nhập này yêu cầu người dùng cung cấp họ tên, số CMND, số điện thoại cá nhân, đặc biệt là tên đăng nhập và mật khẩu Internet/Mobile banking của người dùng.
Theo các chuyên gia bảo mật, không khó để nhận ra đây là hành vi lừa đảo thường gặp của kẻ xấu, nhằm chiếm đoạt thông tin tài khoản ngân hàng của người dùng với các dấu hiệu dễ nhận thấy gồm: 1. Tin nhắn gửi từ đầu số lạ, không phải cổng thông tin chính thức của cơ quan Nhà nước
2. Nội dung tin nhắn có nhiều lỗi chính tả
3. Tên miền truy cập website lạ
Giao diện website của kẻ xấu được thiết kế giống với website của Bộ Y tế để lừa người dùng.
Chuyên gia bảo mật cảnh báo người dùng rằng mọi thông tin các cơ quan Nhà nước gửi đều qua tin nhắn có tên chứ không phải số điện thoại. Các địa chỉ web của cơ quan Nhà nước có đuôi .gov.vn ở cuối và không yêu cầu người dân cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng hoặc yêu cầu chuyển khoản để nhận đăng ký hoặc trợ cấp.
Thời gian gần đây, lợi dụng thời điểm dịch bệnh, đã có không ít các hoạt động lừa đảo trên mạng diễn ra, mạo danh các hoạt động tình nguyện, trợ cấp, đăng ký tiêm chủng để thu thập thông tin cũng như lừa đảo người dân. Các chuyên gia cảnh báo người dùng nên đặc biệt chú ý, tránh bị "tiền mất tật mang".