MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xuất khẩu 2 tháng đầu năm: Đằng sau các con số tỷ đô

Trong hai tháng đầu tiên của năm mới, kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng đã cán đích nhiều tỷ đô la Mỹ. Theo các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp, để xuất khẩu đạt mức tăng trưởng tốt và bền vững, các doanh nghiệp phải vừa khai thác thị trường trong nước vừa đa dạng hóa sản phẩm, không để phụ thuộc vào một thị trường.

Đầu năm xuất siêu hơn 1 tỷ USD

Số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê vừa công bố cho thấy, trong hai tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của nước ta đã có sự tăng trưởng khá mạnh trong hai tháng đầu tiên của năm với kim ngạch ước tính đạt 33,6 tỷ USD, tăng 22,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Số liệu của Bộ NN&PTNT cũng cho thấy, chỉ trong hai tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông lâm thủy sản đã đạt 6,1 tỷ USD, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 3,3 tỷ USD, xuất khẩu thuỷ sản ước đạt gần 1,2 tỷ USD, các mặt hàng lâm sản chính ước đạt 1,43 tỷ USD, gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,3 tỷ USD. 

Dù chưa lọt vào nhóm hàng có giá trị xuất khẩu tỷ USD nhưng mặt hàng rau quả cũng đạt con số tới 604 triệu USD, tăng 43,4%. Đặc biệt, xuất nhập khẩu rau quả của nước ta chứng kiến mức tăng mạnh trong thời điểm gần Tết Nguyên đán. Trung bình mỗi ngày xuất khẩu rau quả thu về khoảng 13 triệu USD.

Gạo xuất khẩu trong hai tháng đầu năm theo số liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam đạt 861.000 tấn với giá trị đạt 419 triệu USD, tăng gần 34% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam cũng ghi dấu ấn tăng khá mạnh cả về sản lượng và giá trị xuất khẩu như: Cà phê, chè, hạt điều, rau quả, sắn và các sản phẩm từ sắn. Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, nếu tiếp tục duy trì được đà xuất khẩu đều, mục tiêu kim ngạch xuất khẩu khoảng 40-41 tỷ USD trong năm của ngành nông nghiệp hoàn toàn có thể đạt được.

Về thị trường hàng hóa xuất khẩu, Trung Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu đạt 6,2 tỷ USD, tăng 64,8% so với cùng kỳ năm trước. Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai và tiếp đến là EU, ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc… Như vậy, về cán cân thương mại hàng hóa, tính chung trong hai tháng đầu năm, xuất siêu đã vượt 1,08 tỷ USD.

Phải đi bằng hai chân

Trao đổi với Tiền Phong, ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho hay, cơ hội với ngành dệt may trong năm nay là rất lớn nếu như CPTPP chính thức được ký kết. Việc này sẽ giúp dệt may vào được nhiều thị trường lớn mà trước nay ta chưa vào được, điển hình như thị trường Úc với kim ngạch mỗi năm 1 tỷ USD hay với Nga với kim ngạch 100 triệu USD trong

năm nay.

“Kim ngạch xuất khẩu của nhiều đơn vị ngành dệt may năm qua tăng mạnh nhưng tổng doanh thu không tăng nhiều. Mỗi hiệp định thương mại tự do mở ra cơ hội cho xuất khẩu dệt may. Việt Nam có hiệp định song phương với Nhật Bản nên có CPTPP cũng không gia tăng nhiều xuất khẩu vào thị trường này. Việc thay đổi chiến lược và xuất khẩu dệt may cũng như chiến lược xuất khẩu quốc gia sẽ là việc cần phải tính đến”, ông Trường nói và cho rằng, cùng với xuất khẩu, các doanh nghiệp dệt may cần đầu tư nhiều hơn nữa cho khai thác thị trường trong nước.

Một chuyên gia thuộc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại, Bộ Công Thương cho hay, năm 2018 là năm nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và các nước bắt đầu có hiệu lực. Vì vậy, việc tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) sẽ giúp các doanh nghiệp trong nước tiến bước vào nhiều thị trường một cách dễ dàng hơn. 

Tuy nhiên, để làm được điều này, doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu và xây dựng kế hoạch trong việc điều chỉnh chuỗi cung ứng, các nguyên vật liệu đầu vào để đáp ứng các quy tắc xuất xứ, để có thể thực sự tận dụng được thuế suất ưu đãi khi các FTA có hiệu lực.

“Doanh nghiệp cũng nên nghiên cứu kỹ thông tin để nắm được đặc điểm riêng của từng thị trường nhằm đảm bảo thành công và hiệu quả của việc xuất khẩu”, vị này cho hay.

Về việc thúc đẩy xuất khẩu trong năm 2018, chia sẻ tại hội nghị Tham tán thương mại ngày 28/2, nhiều đại biểu cho hay, các doanh nghiệp Việt cần lưu tâm tới vấn đề xây dựng thương hiệu nếu muốn đưa hàng hóa ra nước ngoài thành công.

Theo ông Đào Việt Anh - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Bắc Kinh (Trung Quốc), gần đây, nhiều sản phẩm Việt Nam như gạo, thanh long và cafe bắt đầu xuất hiện trên thị trường Trung Quốc với thương hiệu Việt Nam. Tuy nhiên, sự chủ động của các doanh nghiệp mới chỉ dừng ở mức bán bằng thương hiệu nhưng chưa chú trọng xây dựng quảng bá và bảo hộ thương hiệu. Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc đã cảnh báo doanh nghiệp về vấn đề này nhưng các doanh nghiệp lại ít quan tâm, chỉ trao đổi về vấn đề tìm đối tác và các thủ tục mở văn phòng đại diện tại nước sở tại.

Theo bà Vũ Việt Nga - Tham tán Thương mại tại Phillipines, tại thị trường này  mặt hàng cá tra và cá ba sa được ưa chuộng. Tuy rằng, khẩu vị của hai loại cá này rất phù hợp với khẩu vị người dân, có mặt khắp nhà hàng và siêu thị tại Phillipines, nhưng thị trường lại không biết đó là sản phẩm của Việt Nam. Thương vụ tại Phillipines đã trao đổi với địa phương và các doanh nghiệp trong nước, tuy nhiên, các hiệp hội và doanh nghiệp lại ít quan tâm tới công tác quảng bá sản phẩm.

Nhằm hỗ trợ xuất khẩu trong năm 2018, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho hay đã giao nhiều đầu việc cho các tham tán thương mại. Người đứng đầu Bộ Công Thương cũng yêu cầu các Thương vụ, Tham tán thương mại cần chuyển mình theo hướng kiến tạo, phục vụ tối đa cho các hoạt động doanh nghiệp, thúc đẩy hàng Việt Nam thâm nhập bền vững vào thị trường nước sở tại.

Kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng đã vượt mức nhiều tỷ USD chỉ trong hai tháng như: điện thoại và linh kiện đạt 6,6 tỷ USD (tăng 41,7%); hàng dệt may đạt 4,3 tỷ USD, điện tử, máy tính và linh kiện đạt 4 tỷ USD, giày dép đạt 2,3 tỷ USD, máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 2,1 tỷ USD, phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 1,3 tỷ USD.


Theo Phạm Tuyên

Tiền phong

Trở lên trên