Xuất khẩu cao su vào EU sẽ khó khăn
Việc EU đưa cao su tự nhiên vào danh sách nguyên liệu “đặc biệt quan trọng” đã tác động đến Việt Nam.
- 24-09-2017Nhập khẩu cao su: Tăng vọt có đáng lo?
- 21-09-2017Sốt giá, nông dân 'ồ ạt' thanh lý cây cao su già
- 20-09-2017Những yếu tố nào đang tác động lên giá cao su thế giới?
Giá cao su xuất khẩu tăng
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, tháng 9/2017 có khoảng 174 nghìn tấn cao su được xuất khẩu, trị giá 279 triệu USD, tăng 1,7% về lượng và tăng 6,4% về trị giá, giá xuất bình quân 1603,4 USD/tấn, tăng 4,6% so với tháng 8. Lũy kế 9 tháng xuất khẩu cao su đạt 979 nghìn tấn, trị giá 1,66 tỷ USD, tăng 13,3% về lượng và tăng 52,7% về trị giá, giá xuất bình quân 1695,6 USD/tấn, tăng 34,7% so với cùng kỳ năm 2016.
Cùng với giá xuất khẩu, giá thu mua cao su tại thị trường nội địa cũng tăng, giá bình quân trong tháng đạt 14.375 đồng/kg mủ chén dây khô và 10.050 đ/kg mủ chén ướt, tăng lần lượt 9,7% và 15,3% so với tháng 8/2017. Theo hệ thống cung cấp giá tại địa phương, giá mủ cao su nguyên liệu tại Bình Phước tăng nhẹ từ 295 đồng/độ lên 305 đồng/độ. Tại Đồng Nai, giá thu mua mủ cao su dạng nước giữ ở mức 12.500 đ/kg.
Dự báo, giá cao su xuất khẩu sẽ tiếp tục xu hướng tăng từ nay đến cuối năm, khi cung-cầu cao su trên toàn cầu tiếp tục thâm hụt. Theo Báo cáo thống kê và khuynh hướng cao su tự nhiên tháng 8/2017 của ANRPC, cao su tự nhiên thế giới trong 8 tháng đầu năm 2017 thâm hụt hơn 500.000 tấn, trong khi sản lượng chỉ đạt 8.038 triệu tấn, so với mức tiêu dùng 8.544 triệu tấn. Bên cạnh đó, các yếu tố khác như diễn biến trong ngành dầu mỏ, dự trữ tại các thị trường tương lai khu vực, các đồng tiền mạnh lên và căng thẳng địa chính trị là những yếu tố sẽ tác động đến giá cao su tăng trong thời gian tới.
Trong 8 tháng đầu năm 2017, cao su Việt Nam xuất chủ yếu sang thị trường Trung Quốc, chiếm 69%, đạt 509,5 nghìn tấn, trị giá 867 triệu USD, tăng 25,82% về lượng và tăng 73,05% về trị giá, giá xuất bình quân 1701,5 USD/tấn, tăng 37,5% so với cùng kỳ năm 2016. Giá cao su thiên nhiên SVR 3L vẫn giữ mức ổn định 18.500 NDT/tấn. Đứng thứ hai là thị trường Malaysia (chiếm 7%) và Hàn Quốc (chiếm 4%). Ngoài ba thị trường chủ lực kể trên, cao su của Việt Nam còn xuất sang các thị trường khác như: Mỹ, Phần Lan, Thụy Điển… Đáng chú ý, xuất sang thị trường Singapore tuy chỉ đạt 198 tấn, trị giá 297,7 nghìn USD, nhưng so với cùng kỳ lại có mức tăng mạnh vượt trội, tăng gấp hơn 4,4 lần về lượng và gấp hơn 5,2 lần về trị giá, giá xuất bình quân 1503,5 USD/tấn, tăng 18,8%.
Xuất khẩu cao su sang EU sẽ gặp khó
Đối với thị trường EU, tuy lượng cao su xuất sang thị trường này chỉ đạt 62,4 nghìn tấn trong 8 tháng 2017, trị giá 111 triệu USD, tăng 15,43% về lượng và tăng 64,44% về trị giá so với cùng kỳ với giá xuất bình quân 1780 USD/tấn, nhưng tới đây xuất khẩu cao su sang thị trường này sẽ gặp phải không ít khó khăn, khi EU vừa thông báo chính thức về việc đưa cao su thiên nhiên vào danh sách “hàng hóa nguyên liệu thô đặc biệt quan trọng” và nhấn mạnh sự cần thiết phải “đảm bảo nguồn cung an toàn, bền vững và giá cả phải chăng” cho ngành sản xuất công nghiệp tại EU.
Cao su tự nhiên là nguyên liệu thô hữu cơ duy nhất trong số 27 loại nguyên liệu được đề xuất để EU đánh giá thông qua, theo European Tyre & Rubber Manufacturers’ Association. “Cao su tự nhiên sẽ nhận được sự quan tâm chính trị đúng đắn và qua đó nhận được hỗ trợ khi gặp các vấn đề liên quan tới nguồn cung”, theo thư ký ETRMA Fazilet Cinaralp cho biết.
Sự gia nhập của cao su tự nhiên vào danh sách này có thể giúp tăng cường khả năng cạnh tranh của ngành cao su và thúc đẩy sản xuất cao su tự nhiên, ngoài các nước sản xuất truyền thống. Việc lập ra danh sách có thể giúp tăng nhận thức về các rủi ro nguồn cung nguyên liệu thô và hỗ trợ các nỗ lực của Ủy ban châu Âu khi đàm phán các thỏa thuận thương mại, nhằm chống lại các chính sách gây bóp méo thương mại toàn cầu. Danh sách bắt đầu có hiệu lực trong vòng 3 năm, tính từ ngày 13/9 và cũng được sử dụng để triển khai Chương trình tiến đến 2030 về Phát triển bền vững và Các mục tiêu phát triển bền vững.
Như vậy, cao su Việt khi xuất sang thị trường này sẽ phải cạnh tranh với những đối thủ như: Thái Lan nước sản xuất cao su tự nhiên đứng số 1 trên thế giới, chiếm 32% tổng nguồn cung; Indonesia chiếm 26% (đứng thứ hai sau Thái Lan), Ấn Độ chiếm 8% (đứng thứ ba). Đối với Việt Nam, EU chỉ xem là nước sản xuất cao su tự nhiên đứng thứ 4 trên thế giới chiếm 8% tổng nguồn cung. Hơn thế nữa, EU cũng nhấn mạnh rằng Indonesia là nguồn cao su tự nhiên lớn nhất của châu Âu, chiếm 32% nguồn cung cho nhu cầu tiêu dùng tại đây, theo sau là Malaysia (20%), Thái Lan(7%) và Bờ Biển Ngà (12%).
Vậy để tăng cường xuất khẩu và nâng cao năng lực cạnh tranh của cao su Việt trên thị trường thế giới, các doanh nghiệp xuất khẩu cần chủ động tìm hiểu và xây dựng kế hoạch trong việc điều chỉnh chuỗi cung ứng, các nguyên liệu đầu vào để đảm bảo đáp ứng các quy tắc xuất xứ, qua đó mới có thể thực hiện sự tận dụng được thuế suất ưu đãi khi EVFTA có hiệu lực.
Hơn nữa, các doanh nghiệp cũng cần nghiên cứu thông tin để nắm bắt được đặc điểm riêng từng thị trường nhằm đảm bảo cho thành công và hiệu quả của việc xuất khẩu; đảm bảo nguồn gốc xuất xứ để tránh bị điều tra, hoặc bị áp dụng những hình thức phòng vệ thương mại...