Xuất khẩu điện thoại, máy tính Made-in-Vietnam tăng trưởng hai chữ số
Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực đã lấy lại đà tăng trưởng so với trước Covid-19.
- 06-05-2021Việt Nam vượt Trung Quốc trở thành nhà xuất khẩu đồ nội thất lớn nhất sang Mỹ
- 06-05-2021Sản xuất Macbook, iPad và tiềm năng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng điện tử, máy tính toàn cầu
Mặc dù dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2021 vẫn ghi nhận đà tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2020 với tốc độ tăng cao nhất trong vòng 10 năm qua.
Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 4 tháng đầu năm nay ước tính đạt 206,51 tỷ USD, tăng 29,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 103,9 tỷ USD, tăng 28,3%; nhập khẩu đạt 102,6 tỷ USD, tăng 30,8%. Cán cân thương mại hàng hóa 4 tháng đầu năm ước tính xuất siêu 1,29 tỷ USD.
Theo báo cáo của Bộ Công thương, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 04/2021 ước tính đạt 25,5 tỷ USD, giảm 14% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 6,69 tỷ USD, giảm 11,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 18,8 tỷ USD, giảm 14,9%.
So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 04 tăng 44,9%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 23,8%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 54,2%.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 103,9 tỷ USD, tăng 28,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 25,77 tỷ USD, tăng 12,8%, chiếm 24,8% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 78,14 tỷ USD, tăng 34,4%, chiếm 75,2%.
Nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục là động lực thúc đẩy xuất khẩu Việt Nam. Tính chung 4 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến đạt 89,73 tỷ USD, tăng 31,2% so với cùng kỳ, chiếm 86,4% tổng kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước.
Trong nhóm hàng này, kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực đạt mức tăng trưởng hai chữ số như: Điện thoại các loại và linh kiện đạt 18,4 tỷ USD, tăng 19,4% so với 4 tháng năm 2020; Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 15,85 tỷ USD, tăng 30,8%; Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đạt 12 tỷ USD, tăng tới 76,9%; Gỗ và sản phẩm gỗ đạt 4,9 tỷ USD, tăng 50,5%; Sắt thép các loại tăng 87,9%...
Xuất khẩu các mặt hàng may mặc, giày dép vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 cũng cho thấy sự phục hồi tốt trong 4 tháng đầu năm 2021. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc tăng 9% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 9,5 tỷ USD; giày dép các loại tăng 18,7%, đạt 6,39 tỷ USD; Xơ, sợi dệt các loại tăng 43,4%, đạt 1,64 tỷ USD; Nguyên phụ liệu dệt may, da giày tăng 14,1%, đạt 642 triệu USD.
Như vậy hầu hết các mặt hàng kể trên đều đã bằng hoặc lấy lại đà tăng trưởng so với thời điểm trước khi xảy ra đại dịch Covid-19. Điều này sẽ góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy xuất khẩu chung của Việt Nam trong năm 2021.
Về thị trường xuất khẩu, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm nay với kim ngạch đạt 30,26 tỷ USD, tăng 50,1% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc đạt 16,84 tỷ USD, tăng 32,4%. Thị trường EU đạt 12,55 tỷ USD, tăng 18,1%. Thị trường ASEAN đạt 8,75 tỷ USD, tăng 13,3%. Hàn Quốc đạt 6,9 tỷ USD, tăng 12,1%. Nhật Bản đạt 6,5 tỷ USD, tăng 1,5%.