Xuất khẩu lâm sản năm 2019 đạt mức cao nhất từ trước đến nay
Năm nay, ngành lâm nghiệp đã duy trì được tốc độ tăng trưởng cao trên 5%, kim ngạch xuất khẩu lâm sản ước đạt 11,3 tỷ USD, tăng khoảng 20% so với năm 2018.
- 19-12-2019Xuất hiện mẫu iPhone 12 Pro Max màn hình không "tai thỏ" đẹp miên man
- 18-12-2019Mỹ áp thuế khủng 456% lên thép Việt Nam, Bộ Công Thương nói gì?
- 17-12-2019Nhật Bản chính thức cho phép nhập khẩu quả vải tươi Việt Nam
Thứ trưởng thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Công Tuấn cho biết năm 2019, ngành lâm nghiệp đã duy trì được tốc độ tăng trưởng cao trên 5%, trong đó kim ngạch xuất khẩu lâm sản ước đạt 11,3 tỷ USD, tăng khoảng 20% so với năm 2018 - mức tăng cao nhất trong lịch sử của ngành.
Với kim ngạch xuất khẩu như trên, ngành lâm nghiệp sẽ xuất siêu khoảng 8 tỷ USD, đóng góp quan trọng vào thặng dư thương mại ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho biết kết quả trên có được là nhờ tái cơ cấu ngành đã có sự chuyển biến tích cực, quan trọng. Nhiều diện tích rừng sản xuất đã chuyển mạnh từ sản xuất quảng canh, phủ xanh đất trống đồi núi trọc sang thâm canh, liên kết tạo chuỗi giá trị.
Trong tháng 10, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 3,6 tỷ USD, tăng gần 17% so với tháng 9; trong đó, giá trị xuất khẩu nhóm nông sản chính đạt 1,4 tỷ USD, lâm sản chính đạt gần 1,05 tỷ USD, thủy sản đạt 834 triệu USD và chăn nuôi đạt 55 triệu USD…
Lũy kế 10 tháng, nhóm lâm sản vẫn duy trì sự tăng trưởng mạnh trong xuất khẩu đạt 9,04 tỷ USD, tăng 18,8% và chiếm 27,2% tỷ trọng xuất khẩu.
Theo Tổng cục Lâm nghiệp, trong 11 tháng năm 2019, cả nước khai thác rừng trồng tập trung đạt 192.000 ha, sản lượng tương ứng hơn 18 triệu m3, tương đương 93% kế hoạch năm 2019, tăng trên 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Ước cả năm khai thác rừng trồng tập trung đạt 19,5 triệu m3, đạt 100% kế hoạch.
Đóng góp nguồn nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu gỗ , khai thác gỗ cao su thanh lý 11 tháng đạt 22.000ha với sản lượng khoảng 4,75 triệu m3. Đây được xem là nguồn nguyên liệu lớn, ổn định và đảm bảo về nguồn nguyên liệu hợp pháp, sản phẩm truy xuất được nguồn gốc.
Trong hai tháng còn lại của năm, các hợp đồng xuất khẩu của 2019 đã hoàn tất. Cùng với số liệu thống kê của nhiều năm, đây cũng là thời điểm có giá trị xuất khẩu lâm sản đạt cao nhất.
Đối với các nước, đây là thời điểm nhập khẩu nhiều sản phẩm nội thất ngoài trời và trong nhà. Đây là những cơ sở để ngành có thể khẳng định năm 2019 kim ngạch xuất khẩu lâm sản có thể đạt 11 tỷ USD.
“Đây là con số rất có ý nghĩa với ngành lâm nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển các lĩnh vực khác có liên quan như bảo vệ rừng, trồng rừng, chế biến, phát triển thị trường…,” ông Nguyễn Quốc Trị nhấn mạnh.
Việt Nam với tiềm lực sản xuất và kinh nghiệm truyền thống đang dẫn đầu Đông Nam Á, thứ 2 châu Á và thứ 5 toàn cầu về kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ. Các sản phẩm lâm sản Việt Nam đã được xuất khẩu sang trên 140 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các thị trường xuất khẩu lâm sản chính của Việt Nam gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU và Hàn Quốc, chiếm trên 80% tổng giá trị xuất khẩu lâm sản .
Cả nước có trên 4.500 doanh nghiệp, cơ sở chế biến gỗ và lâm sản; trong đó có trên 1.800 doanh nghiệp trực tiếp tham gia vào xuất khẩu. Cùng với các doanh nghiệp trong khối FDI đã hình thành ngành công nghiệp chế biến gỗ lớn mạnh về quy mô và trình độ công nghệ. Sản phẩm chế biến ngày càng đa dạng về chủng loại, mẫu mã, đáp ứng yêu cầu mở rộng, thâm nhập vào thị trường quốc tế.
Bên cạnh đó, gỗ, sản phẩm gỗ là nhóm hàng được đánh giá sẽ có lợi thế lớn nhờ CPTPP. Hầu hết các quốc gia trong CPTPP đều cam kết loại bỏ thuế quan đối với gỗ và sản phẩm từ gỗ của Việt Nam ngay khi CPTPP có hiệu lực. Điều này kỳ vọng sẽ có làn sóng tăng trưởng mới đối với các doanh nghiệp ngành này.
Trong số 10 nước còn lại trong CPTPP, ngành gỗ Việt Nam đã có quan hệ lâu đời và có thị trường mạnh như Nhật Bản, New Zealand, Australia, Singapore… Những năm gần đây, ngành gỗ Việt Nam cũng đã có quan hệ tốt với Canada, Peru, Chile… Kim ngạch xuất khẩu gỗ vào các nước này cũng rất lớn.
Rất nhiều dòng thuế xuất nhập khẩu các sản phẩm gỗ về bằng 0 sẽ là lợi thế để giảm giá thành sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm gỗ Việt Nam.
“Nhưng thuế với sản phẩm gỗ không quan trọng bằng các thiết bị chế biến gỗ cũng bằng 0. Đây chính là kỳ vọng lớn của các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gỗ với hiệp định này,” ông Quyền cho biết.
Ngoài ra, với CPTPP dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sẽ được mở ra mạnh hơn. Trước đây, thường các nguồn vốn đến với ngành gỗ từ Trung Quốc nhưng nay Nhật Bản đã bắt đầu tìm đến Việt Nam để đầu tư.
Vietnam+