MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xuất khẩu lô mắc ca đầu tiên sang Nhật

10-11-2022 - 15:33 PM | Thị trường

Chiều 9-11, UBND huyện Krông Năng (Đắk Lắk) đã làm lễ xuất chuyến container mắc ca chính ngạch đầu tiên qua thị trường Nhật Bản - một trong những thị trường tiêu thụ mắc ca lớn trên thế giới hiện nay.

Chuyến hàng gồm hơn 2.200 thùng sản phẩm hạt mắc ca sấy, với tổng trọng lượng hơn 6 tấn, do Công ty CP Damaca Nguyên Phương (Krông Năng) ký kết hợp tác phân phối độc quyền tại thị trường Nhật Bản với đối tác là Công ty Olty.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Otsuka Tokuro, giám đốc Công ty Olty, cho biết vô tình biết hạt mắc ca Việt Nam thông qua trợ lý người Việt có quê hương tại Đắk Lắk.

"Lần đầu tiên được thấy hạt mắc ca có vỏ, khi bỏ hạt vào miệng nhai thử thấy giòn tan kèm hương vị thơm bùi của sữa", ông Otsuka Tokuro nói về ấn tượng với hạt mắc ca Đắk Lắk.

Theo ông Otsuka Tokuro, sau khi nhập trước một số lượng nhỏ để giới thiệu đến thị trường Nhật Bản và được chấp nhận nên hai bên đi đến ký kết lô container hạt mắc ca đầu tiên này. Ngày 1-12 tới đây, sản phẩm mắc ca sẽ được Công ty Olty phân phối độc quyền tại 180 chuỗi siêu thị lớn tại Nhật Bản.

Dự kiến tháng 2-2023, Công ty Olty sẽ đưa hạt mắc ca này tham gia triển lãm về thực phẩm lớn nhất tại Nhật Bản; công ty sẽ giới thiệu và phân phối hạt mắc ca Việt Nam đến nhiều nhà bán lẻ khác trên khắp lãnh thổ Nhật Bản.

"Sự cạnh tranh sẽ ngày càng lớn nên cần luôn duy trì chất lượng, không ngừng nỗ lực để đưa đến tay khách hàng sản phẩm tốt nhất", ông Otsuka Tokuro đề cập.

Theo ông Lưu Văn Khôi - giám đốc Sở Công Thương Đắk Lắk, việc xuất khẩu chính ngạch thành công sản phẩm mắc ca sang thị trường nổi tiếng khó tính là Nhật Bản sẽ là tiền đề mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp của tỉnh Đắk Lắk. "Điều này cũng giúp người nông dân thu được lợi nhuận cao hơn từ loại quả đặc sản này", ông Khôi nói.

Thu nhập ròng 120 triệu đồng/ha

Xuất khẩu lô mắc ca đầu tiên sang Nhật - Ảnh 1.

Nông dân Đắk Lắk có cơ hội làm giàu từ mắc ca - Ảnh: THẾ THẾ


Theo UBND huyện Krông Năng, cây mắc ca được triển khai trồng ở huyện từ những năm 2003 theo mô hình trồng khảo nghiệm do Tổng cục Lâm nghiệp đầu tư tại xã Đliê Ya và Phú Lộc với hình thức xen canh trong vườn cà phê với diện tích xấp xỉ 4ha.

Đến nay, diện tích mắc ca ở huyện hơn 2.363ha (khoảng hơn 250ha trồng tập trung, còn lại trồng xen). Trong đó, diện tích cho sản phẩm khoảng hơn 1.000ha, năng suất ước đạt 17,9 tạ/ha, sản lượng ước đạt hơn 1.700 tấn.

Với giá mắc ca từ 95.000 đến 105.000 đồng/kg hạt tươi, thu nhập của nông hộ sau khi trừ chi phí chăm bón vào khoảng 120 triệu đồng/ha. Với lô hàng xuất khẩu chính ngạch đầu tiên, sản phẩm mắc ca sẽ có đầu ra tốt, giá cả sẽ cao hơn và thu nhập của nông dân sẽ tăng lên.

Theo Trung Tân

Tuổi trẻ

Trở lên trên