Xuất khẩu năm 2017 tập trung vào các ngành hàng có thế mạnh
Định hướng điều hành xuất khẩu năm 2017 chú trọng chất lượng và giá trị gia tăng để đạt mức giá cao khi tham gia thị trường thế giới.
- 16-01-2017Đồng bằng sông Cửu Long phấn đấu xuất khẩu hàng hóa đạt 15 tỷ USD
- 10-09-2016Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt trên 112 tỉ USD
- 06-08-2016Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang EU tăng hơn 10 lần
Năm 2016 bức tranh xuất nhập khẩu có nhiều điểm sáng như thặng dư thương mại cao, các nhóm hàng nông - lâm - thủy sản vẫn tăng trưởng mạnh…Với những lợi thế đó đã đưa xuất khẩu của cả nước tăng trưởng theo hướng bền vững. Đại diện Bộ Công Thương cho rằng, tập trung vào các ngành hàng thế mạnh sẽ là trọng tâm của hoạt động xuất khẩu năm 2017 và những năm tiếp theo.
Theo các chuyên gia kinh tế, nếu nhìn cả một quá trình thì hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam đang tăng trưởng ổn định. Đây là nỗ lực lớn trong hoạt động điều hành của Chính phủ và các Bộ, ngành cũng như các doanh nghiệp, hiệp hội, ngành hàng, bởi năm 2016 được xem là năm không thuận lợi của kinh tế thế giới và trong nước.
Nhóm hàng nông sản sẽ là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam năm 2017. (Ảnh minh họa: KT)
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, năm 2017, định hướng điều hành xuất khẩu được các Bộ, ngành chú trọng, tập trung vào những nhóm hàng có thế mạnh, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, nhất là nhóm hàng nông sản, đồng thời sẽ xác định lại định hướng tăng trưởng của các ngành hàng. Thay vì chạy theo số lượng, sản lượng thì phải hướng tới chất lượng và giá trị gia tăng để hàng xuất khẩu đạt mức giá cao khi tham gia thị trường thế giới.
Theo ông Hải, trong thương mại quốc tế đem lại giá trị lớn thường sẽ nằm ở khâu phân phối, thương hiệu, phát triển sản phẩm. Cùng với đó là các khâu trồng trọt, chế biến cũng đem lại giá trị nhưng thường đem lại giá trị thấp hơn hoặc khả năng gia tăng giá trị cộng thêm không được nhiều.
“Gần đây việc tái cơ cấu các ngành kinh tế trong nước cũng sẽ gắn rất chặt với các chính sách về thương mại trong đó có chính sách về xuất khẩu. Ở góc độ ngược lại về nhập khẩu cũng thấy rằng, nhập khẩu sẽ có tác dụng tốt nếu nhập khẩu đáp ứng được các nhu cầu của nền kinh tế cũng như đời sống của chúng ta còn đang thiếu đặc biệt là nguyên liệu”, ông Hải cho biết./.
VOV