MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xuất khẩu năm 2020: Cách nào để đạt 300 tỷ USD?

2020 là năm cuối cùng thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, chuẩn bị và tạo đà cho kế hoạch 5 năm, 10 năm tiếp theo. Đây cũng là năm cả nước tổ chức nhiều sự kiện, kỷ niệm những ngày lễ lớn. Tuy nhiên, tình hình khu vực, thế giới dự báo tiếp tục có những biến động khó lường. Do đó, Việt Nam cần chuẩn bị sẵn sàng tâm thế...

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, năm 2020, kinh tế thế giới chưa có dấu hiệu khởi sắc, chủ nghĩa bảo hộ vẫn diễn biến phức tạp, tác động mạnh tới xuất khẩu (XK) của nước ta.

Phát triển thị trường trong nước

Trong nước, năng suất lao động trong nhiều lĩnh vực còn thấp, năng lực cạnh tranh của một số sản phẩm công nghiệp còn hạn chế, do đó ngành Công Thương không chỉ cần nỗ lực, quyết tâm cao mà còn phải sáng tạo hơn, đổi mới hơn, khẩn trương, quyết liệt và trách nhiệm để hoàn thành các mục tiêu kế hoạch được Chính phủ và Thủ tướng giao.

Thủ tướng đã giao Bộ Công Thương chỉ tiêu XK trong năm 2020 phải chạm mốc 300 tỷ USD, đi liền với số đó là xuất siêu đạt 15-17 tỷ USD.

Để đạt được các yêu cầu này, Bộ Công Thương sẽ tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng nâng cao hàm lượng khoa học công nghệ, phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn, có tiềm năng, lợi thế và giá trị gia tăng cao. Đồng thời, phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ, tăng kết nối với các doanh nghiệp FDI và tham gia ở mức cao hơn, sâu hơn vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

Trọng tâm thứ hai, ngành sẽ khắc phục những tồn tại để bảo đảm nguồn năng lượng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm không để xảy ra thiếu điện phục vụ sản xuất và đời sống.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương tập trung phát triển thị trường trong nước, kích cầu nội địa, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong hoạt động thương mại, phát triển mạnh thương mại điện tử và gắn kết với các loại hình hoạt động thương mại truyền thống.

“Việt Nam sẽ thực hiện tốt vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 để nâng cao hơn nữa uy tín và vị thế của đất nước trên trường quốc tế, tập trung hoàn tất phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam - EU (Hiệp định EVFTA và Hiệp định IPA) và có chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp nắm bắt được cơ hội do hiệp định này tạo ra”, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định.

Nông nghiệp phải đạt kim ngạch 42 tỷ USD

Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho ngành Nông nghiệp phải đạt kim ngạch xuất khẩu năm 2020 từ 41,5- 42 tỷ USD.

Để hoàn thành mục tiêu trên, ông Cường cho biết, Bộ sẽ chỉ đạo các đơn vị, cũng như phối hợp tốt với các địa phương và các thành phần kinh tế “phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu ít nhất từ 42 tỷ USD trở lên”.

Theo ông Cường vấn đề phát triển thị trường sẽ quyết định tăng trưởng của ngành nông nghiệp nói riêng và tăng trưởng nền kinh tế nói chung. Bên cạnh các thị trường EU, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, cần đặc biệt coi trọng hướng tới thị trường ASEAN.

“Xuất khẩu nông sản năm 2020 sẽ vẫn đối mặt với nhiều cam go. Chiến tranh thương mại toàn cầu khiến các quốc gia có xu hướng quay trở lại đầu tư vào nông nghiệp, phát triển nông sản tại chỗ, tạo ra áp lực cho các nước xuất khẩu nông sản, đặc biệt là Việt Nam, quốc gia xuất khẩu lớn về nông sản”, ông Cường nói.

Trong tái cơ cấu nông nghiệp, các nhóm sản phẩm phải coi trọng ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ 4.0, đây là một trong những giải pháp quyết định… Cùng đó, ngành sẽ tiếp tục phát triển các chuỗi khép kín, từ sản xuất, chế biến, thương mại.

Theo Bộ trưởng NN&PTNT, tác động của biến đổi khí hậu đã và sẽ hiện hữu ngay đầu năm 2020. Tại các tỉnh phía Bắc, trước mắt, khoảng 546 nghìn ha lúa vụ Đông Xuân sắp tới của 11 tỉnh Đồng bằng sông Hồng, trung du miền núi phía Bắc khó khăn về nước tưới. Đặc biệt, cả 3 hồ chứa lớn cung cấp nước cho các tỉnh phía Bắc là Sơn La, Lai Châu và Hòa Bình đang thiếu nước 40 - 55%.

Tương tự, khô hạn, thiếu nước diễn ra căng thẳng ở nhiều tỉnh miền Trung. Các tỉnh ĐBSCL dự báo sẽ đối mặt với hạn mặn gay gắt trong năm 2020. “Chưa năm nào, ĐBSCL thiếu hụt nguồn nước ở thượng nguồn lên tới 65%”, ông Cường nói.

Liên quan dịch tả lợn châu Phi, dù đang ở giai đoạn xuống đáy, tuy nhiên nguy cơ vẫn còn rất cao và chưa đảm bảo an toàn. Chưa kể, dịch sâu keo mùa thu năm 2019 đã xảy ra ở 14 tỉnh và vẫn còn nguy cơ tái bùng phá trong thời gian tới…

Tới nay, Việt Nam đã tham gia đàm phán và ký kết 17 hiệp định tự do thương mại song phương và đa phương (FTA). Trong đó, 13 FTA đã đi vào thực thi (bao gồm Hiệp định CPTPP); 1 FTA đã ký kết và chờ phê chuẩn (FTA Việt Nam - EU) và 3 FTA đang đàm phán.

Năm 2019, ở tất cả các thị trường mà Việt Nam có ký FTA đều ghi nhận tăng trưởng vượt trội. Việt Nam đã xuất siêu chủ yếu vào thị trường các nước phát triển, có yêu cầu khắt khe đối với hàng hóa NK như Hoa Kỳ, EU.

Kim ngạch XK sang các thị trường là thành viên CPTPP tăng trưởng tốt, thể hiện bước đầu tận dụng hiệu quả các cam kết từ Hiệp định này để thúc đẩy XK, đa dạng hoá thị trường (XK sang Canađa đạt 3,86 tỷ USD, tăng 28,2%; sang Mexico đạt 2,84 tỷ USD, tăng 26,8%).


Theo Nguyễn Tuấn - Nam Khánh

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên