MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xuất khẩu ngành hàng tiêu dùng đối mặt nhiều thách thức

Nửa cuối năm nay, xuất khẩu ngành hàng tiêu dùng được dự báo đối mặt nhiều thách thức cả về thị trường lẫn chuỗi cung ứng.

Theo số liệu cập nhật mới nhất, xuất khẩu 6 tháng đầu năm khả quan trên nhiều lĩnh vực công nghiệp. Xuất khẩu dệt may ước đạt 22 tỷ USD, tăng trưởng 23% so với cùng kỳ; đồ gỗ hơn 8 tỷ USD; da giày ước đạt 13 tỷ USD... đều vượt mục tiêu kỳ vọng.

Mặc dù kết quả xuất khẩu nửa đầu năm 2022 đạt được kết quả tích cực, nhưng nửa cuối năm nay, xuất khẩu ngành hàng tiêu dùng được dự báo đối mặt nhiều thách thức cả về thị trường lẫn chuỗi cung ứng khi tình hình lạm phát thế giới khiến sức mua các mặt hàng giảm sút đáng kể, ảnh hưởng đến đơn hàng xuất khẩu.

Nhà máy xuất khẩu đồ gỗ gia dụng (Công ty TNHH Kẻ Gỗ) nhận định nửa cuối năm sẽ khó xuất khẩu hơn khi sức mua hàng của người tiêu dùng thế giới đang có xu hướng giảm trong tình hình lạm phát tăng cao.

"Thị trường chính là châu Âu, nhưng hiện thị trường này đang khó đoán. Các khách hàng truyền thống không có xu hướng ký hợp đồng dài hạn 3 - 6 tháng như trước, mà nhu cầu đến đâu ký đến đó. Suy thoái kinh tế, lạm phát tăng cao, chi phí nhiên liệu tăng khiến sức mua giảm. Xuất sang Nhật, Malaysia, Thái Lan khó khăn vì tỷ giá tăng cao. Điều đó khiến hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang các nước này bằng đồng USD cao hơn so với hàng họ mua trong nước hoặc từ một số thị trường", ông Trịnh Đức Kiên, Phó Giám đốc Công ty TNHH Kẻ Gỗ, cho biết.

Xuất khẩu ngành hàng tiêu dùng đối mặt nhiều thách thức - Ảnh 1.

Nửa cuối năm nay, xuất khẩu ngành hàng tiêu dùng được dự báo đối mặt nhiều thách thức. (Ảnh minh họa - Ảnh: PLO)

Còn với ngành dệt may, theo Tập đoàn Dệt may Việt Nam, khảo sát tháng 5 tại Mỹ cho thấy, dù lạm phát ở mức cao và nhiều hàng hóa tăng giá, nhưng hàng dệt may dẫn đầu trong các mặt hàng bị giảm giá với mức 9% và đơn đặt hàng đang có chiều hướng đi xuống.

"4 tháng vừa rồi nhập khẩu rất lớn, bình quân hàng năm Mỹ chỉ tăng nhập khẩu dệt may khoảng 3%, như vậy có thể nhìn thấy dự báo sức quá mua giai đoạn đầu năm dẫn đến giảm mua cuối năm", ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), cho hay.

Còn ngành hàng da giày chỉ ra những khó khăn về chi phí logistics quốc tế tăng cao, dẫn đến giá nguyên vật liệu tăng khoảng 20%. Ngành này xuất khẩu 70% sang Mỹ và EU, nhưng tổng cầu cũng đang bắt đầu giảm nhẹ.

"Nếu tốc độ xuất khẩu như đầu năm duy trì được, ngành có thể đạt 25 tỷ, nhưng với tình hình dự báo 6 tháng sau không khả quan như đầu năm nên dự kiến chúng tôi sẽ đạt khoảng 23 tỷ", bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam (LEFASO), thông tin.

Đơn hàng bị giãn, các doanh nghiệp sẽ đối mặt với những vấn đề như tồn kho cao, quá mùa hàng... Chuỗi cung ứng sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng từ áp lực chi phí nguyên liệu, logistics, nhân công và sự cạnh tranh trên thị trường lao động. Nỗ lực duy trì mức giá cạnh tranh để tạo lợi thế xuất khẩu lúc này sẽ làm giảm biên lợi nhuận của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp lên giải pháp để đạt mục tiêu xuất khẩu 6 tháng cuối năm

Những lo lắng về triển vọng xuất khẩu trong chặng đường cuối năm 2022 cũng đang được các hiệp hội, ngành hàng kiến nghị lên Chính phủ, các bộ và các cơ quan có liên quan trong các buổi họp chuyên ngành. Các giải pháp tháo gỡ khó khăn nhằm hỗ trợ sản xuất kinh doanh 6 tháng cuối năm đã được đề xuất. Bên cạnh đó, mỗi ngành cũng đã chủ động lên giải pháp để tháo gỡ khó khăn, đạt mục tiêu xuất khẩu của cả năm.

Đứng trước những khó khăn như giá gỗ nhập khẩu tăng cao, khoảng 20% so với cuối năm ngoái, sức mua nhiều mặt hàng gỗ giảm sút, ngành gỗ lên phương án cắt giảm chi phí trong các khâu sản xuất và đổi mới sản phẩm.

"Nâng cao năng lực quản trị để giảm chi phí, đưa đầu tư trang thiết bị công nghệ để giảm chi phí sản xuất năng suất; đồng thời đưa ra một số sản phẩm để làm mới thị trường, giữ chân khách hàng. Ngoài ra, xây dựng phát triển rừng trồng bền vững, bảo đảm sản xuất để giảm chi phí về gỗ nhập khẩu", ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam, cho biết.

Xuất khẩu ngành hàng tiêu dùng đối mặt nhiều thách thức - Ảnh 2.

Mỗi ngành hàng đã chủ động lên giải pháp để tháo gỡ khó khăn, đạt mục tiêu xuất khẩu của cả năm. (Ảnh minh họa - Ảnh: VGP)

Về vấn đề thị trường, tiếp tục phát triển các thị trường mới là một giải pháp được ngành da giày và túi xách hướng đến.

"Mỹ và EU gần như là thị trường lớn và thị trường truyền thống của Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang hội nhập và tham gia nhiều FTA, việc mở sang các thị trường khác đang rất tốt, ví dụ chúng ta đã mở sang thị trường Canada, Mexico, là những thị trường chúng ta chưa có hiệp định bao giờ, ngoài ra là các thị trường mới nữa", bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam (LEFASO), nhận định.

Theo Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, tác động của vấn đề tỷ giá, giá nguyên liệu khiến các quốc gia đang trên đà phục hồi sản xuất, xuất khẩu có thể sẽ có lợi thế hơn Việt Nam về khả năng cạnh tranh.

"Đàm phán với khách hàng về việc đưa mức giá theo mặt bằng chung của giá thế giới là điều chúng ta cần tính đến. Nếu không thì chúng ta sẽ bị sức ép ở đầu chi phí, đầu vào tăng, còn đầu ra không có mức tăng tương ứng", ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, cho hay.

Cũng theo Cục Xuất nhập khẩu, trong bối cảnh hoạt động xuất khẩu đối mặt nhiều thách thức, doanh nghiệp cần những hỗ trợ tạo thuận lợi thương mại, cải cách hành chính, thủ tục đầu tư... để giúp doanh nghiệp giảm bớt chi phí, hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian tới.

Theo Trịnh Huyền

VTV.VN

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên