MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xuất khẩu ngành nông nghiệp: Hơn 23,6 tỷ USD trong 8 tháng

Toàn ngành nông nghiệp đã xuất siêu 4,5 tỷ USD tính từ đầu năm 2017 đến nay...

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 8/2017 ước đạt 3,1 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu 8 tháng đầu năm lên 23,66 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, giá trị xuất khẩu nhóm nông sản tăng 17,2%; thủy sản tăng 18,1%; lâm sản tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2016.

Giá trị nhập khẩu nông lâm thủy sản trong tháng 8/2017 ước đạt 2,69 tỷ USD, đưa giá trị nhập khẩu toàn ngành trong 8 tháng đầu năm lên 19,17 tỷ USD, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm 2016. Như vậy tính đến thời điểm này, toàn ngành đạt xuất siêu 4,5 tỷ USD.

Cả nông, lâm, thủy sản cùng tăng

Lâm sản tuy vẫn tăng trưởng cao, nhưng thấp nhất khi so với nông sản và thủy sản. Ước giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ tháng 8/2017 đạt 583 triệu USD, đưa kết quả xuất khẩu gỗ và đồ gỗ 8 tháng lên 4,84 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2016.

Hoa Kỳ, Trung Quốc, và Nhật Bản - 3 thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam - chiếm 70,3% tổng giá trị kim ngạch của mặt hàng nay. Các thị trường có giá trị xuất khẩu gỗ tăng mạnh: Hoa Kỳ tăng 18,9%, Trung Quốc tăng 17,7%, Canada tăng 16,4%, Đức tăng 11,1% và Hàn Quốc tăng 8,6%.

Nhóm mặt hàng thủy sản, tháng 8 thu về kim ngạch 749 triệu USD. Lũy kế 8 tháng đầu năm đạt 5,13 tỷ USD, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm 2016. Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam, chiếm 55,6% tổng giá trị kim ngạch thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản tăng mạnh ở các thị trường: Trung Quốc tăng 57,2%, Nhật Bản tăng 30,8%, Anh tăng 30,1%, Hàn Quốc tăng 28,8%, Hà Lan tăng 25,3% và Canada tăng 20,7%.

Xuất khẩu nông sản đang tăng mạnh mẽ, đặc biệt ngành lúa gạo, khi từ tháng 5/2017 đến nay, nhu cầu các hợp đồng mua gạo tập trung từ một số quốc gia trong khu vực tăng cao.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, lượng gạo xuất khẩu 8 tháng đầu năm 2017 ước đạt 3,96 triệu tấn gạo, đem về 1,75 tỷ USD, tăng 19,8% về lượng và tăng 17,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Trung Quốc vẫn tiếp tục đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam với 40,9% thị phần. Malaysia đã trở thành thị trường nhập khẩu gạo lớn thứ hai của Việt Nam với 7,3% thị phần, tăng gấp 2,08 lần về lượng và tăng 78,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.

Các nhà phân tích đưa ra dự báo mới rằng, xuất khẩu gạo của nước ta năm 2017 có thể đạt 6,5-7 triệu tấn, cao hơn 1,5 triệu tấn so với năm 2016 và cao hơn 1 triệu tấn so với kế hoạch mà Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đưa ra từ đầu năm.

Xuất khẩu rau quả cũng đạt mức tăng cao, ước tháng 8/2017 đạt 296 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu rau quả 8 tháng lên 2,32 tỷ USD, tăng 46,5% so với cùng kỳ năm 2016. Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của hàng rau quả Việt Nam, chiếm 85,1% tổng giá trị kim ngạch rau quả.

Các thị trường có giá trị xuất khẩu hàng rau quả tăng mạnh là Nhật Bản (61,7%), Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất (61,4%), Trung Quốc (61,3%), Nga (49,4%), Hoa Kỳ (26,7%), Đài Loan (19,2%) và Hà Lan (12,9%).

Một số mặt hàng vẫn duy trì mức tăng về giá trị

Xuất khẩu cà phê tháng 8/2017 ước đạt 88 nghìn tấn với giá trị đạt 210 triệu USD, đưa kết quả xuất khẩu cà phê 8 tháng đạt 1,02 triệu tấn và 2,33 tỷ USD, giảm 19,9% về lượng nhưng tăng 3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Giá cà phê xuất khẩu bình quân từ đầu năm đến nay đạt 2.273,2 USD/tấn, tăng 29,6% so với cùng kỳ năm 2016. Đức và Hoa Kỳ tiếp tục là hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam với thị phần lần lượt là 15,4% và 13,9%.

Ở mặt hàng cao su, ước tính khối lượng xuất khẩu trong tháng 8 được 160 nghìn tấn với giá trị đạt 243 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu cao su 8 tháng đầu năm lên 795 nghìn tấn và 1,36 tỷ USD, tăng 11,2% về lượng và tăng 52% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.

Trung Quốc, Malaysia và Hàn Quốc là 3 thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam, chiếm thị phần lần lượt 61,6%, 5,5% và 4,4%. Giá cao su xuất khẩu bình quân 8 tháng đạt 1.765,2 USD/tấn, tăng 41,2% so với cùng kỳ năm 2016. Giá cao su xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt trung bình 18.500 Nhân dân tệ/tấn đối với chủng loại SVR 3L; giá các sản phẩm SVR5, SVR L ở mức 18.100 Nhân dân tệ/tấn.

Với ngành hàng điều, khối lượng xuất khẩu tháng 8/2017 ước đạt 35 nghìn tấn với giá trị 351 triệu USD. Lũy kế 8 tháng, xuất khẩu ước đạt 223 nghìn tấn và 2,2 tỷ USD, giảm 1,1% về lượng nhưng tăng 24,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.

Giá hạt điều xuất khẩu bình quân đạt 9.842,5 USD/tấn, tăng 27,2% so với cùng kỳ năm 2016. Hoa Kỳ, Hà Lan và Trung Quốc vẫn duy trì là 3 thị trường nhập khẩu điều lớn nhất của Việt Nam chiếm thị phần lần lượt là 36,7%, 15,6% và 11,7% trong tổng giá trị xuất khẩu hạt điều. Các thị trường có giá trị xuất khẩu hạt điều tăng mạnh là Nga (67,1%), Hà Lan (44,9%), Hoa Kỳ (38,2%), Israen (30%), Anh (22,1%), Thái Lan (17,9%), Úc (17%) và Trung Quốc (12,3%).

Ở ngành hàng tiêu, khối lượng xuất khẩu tháng 8 ước đạt 18 nghìn tấn, với giá trị đạt 79 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu tiêu 8 tháng đầu năm lên 165 nghìn tấn và 889 triệu USD, tăng 21,6% về khối lượng nhưng giảm 19,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Giá tiêu xuất khẩu bình quân giảm 32,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Các thị trường có giá trị nhập khẩu tiêu lớn nhất từ Việt Nam trong 8 tháng qua gồm Hoa Kỳ, Ấn Độ, Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, Pakistan và Đức với 38,9% thị phần.

Theo Chu Khôi

Vneconmy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên