Xuất khẩu nông sản: Cần thông tin thông suốt
Việt Nam đang xuất khẩu khoảng 30% lượng hàng nông, lâm, thủy sản sang thị trường Trung Quốc. Vì vậy, những thay đổi từ thị trường này có sự tác động rất lớn đến sản xuất nông nghiệp Việt Nam.
- 06-08-2016Xuất khẩu nông sản vào Trung Quốc tăng mạnh
- 26-07-2016Xuất khẩu nông lâm thủy sản 7 tháng qua ước đạt 17,8 tỷ USD
- 29-06-2016Anh rời khỏi EU có tác động gì tới xuất khẩu nông sản nước ta?
Nhiều mối lo từ thị trường truyền thống
Với dân số đứng hàng đầu thế giới và vị trí địa lý sát ngay Việt Nam, thị trường Trung Quốc đang “hút” hầu hết các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam. Tuy nhiên, thị trường truyền thống này có nhiều chính sách biên mậu khiến nông sản Việt nhiều phen lao đao, hàng hóa “dội chợ” và sụt giá thê thảm.
Điển hình nhất là mặt hàng gạo. Gạo Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 54% thị phần của thị trường này, tuy nhiên thương nhân Trung Quốc hầu hết thu mua tiểu ngạch để tránh thuế nên việc xuất khẩu của ta gặp nhiều rủi ro.
Theo bà Bùi Thị Thanh Tâm, Tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Bắc, những năm trước, xuất khẩu gạo tiểu ngạch qua Trung Quốc rất lớn, nhưng năm nay rất khó khăn, vì chính sách nhập khẩu của Trung Quốc có sự thay đổi lớn, họ chuyển hướng sang nhập gạo từ Campuchia, Thái Lan, Myanma.
Bà Tâm cũng nhìn nhận, chính sách nhập khẩu chính ngạch của Trung Quốc cũng rất khác biệt và chuyển đổi nhanh chóng. Năm 2015, muốn có đươc hạn ngạch xuất khẩu thì chúng ta phải cam kết đồng thời nhập khẩu lại hàng hóa của bạn bao nhiêu. Nhưng năm nay, khi họ chuyển chính sách nhập khẩu hàng từ Campuchia thì lại có những chính sách khác hẳn.
Trong ngành chăn nuôi, ông Nguyễn Xuân Dương, Cục Phó Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) mô tả câu chuyện gần đây khi các xe tải nối hàng, mỗi xe chở cả trăm con lợn mỡ xuất tiểu ngạch qua Trung Quốc. Càng xuất khẩu được thì hàng đổ về cửa khẩu càng nhiều. Nhưng nếu đột ngột cửa khẩu nước bạn hạn chế nhập khẩu thì các chủ xe phải lùa lợn xuống... “đi bộ” qua lối đường mòn và phải bán tống bán tháo. Lợn gãy chân, chết dọc đường khá nhiều trong khi vẫn còn hàng dài xe chở lợn mỡ chờ thông quan.
Câu chuyện tương tự cũng xuất hiện ở ngành hàng cá tra khi gần đây các thương nhân Trung Quốc tâp trung thu mua cá cỡ lớn (khoảng trên 1kg/con). Cá tra cỡ lớn không phải là “gu” nhập khẩu của các thị trường nhập khẩu có giá trị lớn như châu Âu . Chính vì thế, các doanh nghiệp trong nước cũng không nhập loại cá tra cỡ lớn để chế biến. Nguy cơ cuối cùng người nuôi sẽ gánh chịu.
Theo bà Dương Phương Thảo, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), nhìn vào số liệu thống kê của Hải quan thì Trung Quốc đang là thị trường chiếm 28,5% tổng lượng xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam. “Tuy nhiên thống kê này vẫn chưa đầy đủ vì thực tế xuất khẩu tiểu ngạch rất lớn, nên có thể ước tính lượng hàng nông sản nói chung của chúng ta đang xuất sang Trung Quốc là nhất là khoảng 30%”, bà Thảo khẳng định.
Lượng hàng thì chiếm khoảng 30% xuất sang Trung Quốc, nhưng với thực tế sản xuất nông nghiệp hiện nay thì những biến động trong chính sách thu mua nông sản của Trung Quốc lại tác động rất lớn đến sản xuất của từng hộ nông dân Việt Nam.
Cần khơi mạch thông tin
Ông Nguyễn Quang Sơn, Trưởng Phòng Hàng hóa xuất nhập khẩu thương mại (Cục Giám sát quản lý, Tổng cục Hải quan) là người có kinh nghiệm nhiều năm công tác tại các cửa khẩu giáp Trung Quốc chia sẻ: “Nhiều năm tôi ở biên giới thấy thương lái Trung Quốc tuy thu mua độc lập nhưng lại rất thống nhất về giá. Ví dụ, họ cùng thống nhất mua 3 tệ/kg hàng hóa là đúng 3 tệ, không thấy ai mua hơn, mua kém dù số lượng và chất lượng hàng nông sản Việt Nam như thế nào. Sau đó họ sẽ rút dần xuống còn 2 tệ hoặc 1,5 tệ nhưng cũng rất đồng loạt.
Còn về phía Hải quan của Trung Quốc thì không có vấn đề gì, nhưng các đơn vị chức năng kiểm soát chất lượng thì tùy theo chính sách biên mậu của họ mà khi thì gắt gao khi thì lại thoáng trong vấn đề nhập nông sản.
Ông Sơn cũng nhìn nhận thêm: “Tuy ở cấp cao chúng ta đã bàn thảo, ký kết để tạo thuận lợi cho xuất khẩu nông sản Việt Nam nhưng việc thực hiện chính sách biên mậu của các địa phương có biên giới chung lại rất linh hoạt. Chính vì vậy, việc nắm bắt thông tin ngay tại vùng biên giới là yếu tố rất quan trọng để điều tiết lượng hàng xuất khẩu sang Trung Quốc”.
Còn bà Dương Phương Thảo cho biết: “Chúng tôi đã cử đoàn sang làm việc với Trung Quốc, họ ghi nhận và hứa tạo điều kiện tối đa cho hàng nông sản Việt Nam. Nhưng thông điệp của họ là sẽ siết chặt hoạt động xuất tiểu ngạch để chống buôn lậu, đồng thời họ sẽ tăng cường giám sát chất lượng, kiểm soát đầu mối được phép nhập vào Trung Quốc, giám sát nhà máy chế biến, sản xuất. Do vậy, điều cần thiết nhất vẫn là chúng ta phải cải thiện chất lượng nông, lâm, thủy sản”.
Không những phải thông suốt thông tin từ thị trường đến người sản xuất, một mạch thông tin khác cũng cần được khơi nguồn đó là khúc mắc của doanh nghiệp đến với các đơn vị quản lý.
Bà Thảo thẳng thắn nhìn nhận từ giữa năm 2015, Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT đã ký hợp tác để tăng cường xuất khẩu với những nội dung rất cụ thể, nhưng việc này vẫn chỉ “ở trên giấy”.
Theo đề xuất của bà Thảo, sau các cuộc làm việc liên bộ hoặc các cuộc làm việc với doanh nghiệp, các hiệp hội ngành hàng cần có những biên bản chỉ rõ đơn vị sẽ xử lý các vấn đề nảy sinh và thời hạn giải quyết cụ thể; tránh trường hợp, nhiều khi những khúc mắc của doanh nghiệp được nêu trên khắp các diễn đàn, thậm chí lên đến cấp cục, vụ... Nhưng đến khi lãnh đạo Bộ chủ trì các cuộc họp tiếp theo thì vấn đề lại như mới tinh hoàn toàn.
Chinhphu.vn