Xuất khẩu thủy sản còn nhiều dư địa cho tăng trưởng
Năm 2017 thủy sản tiếp tục được kỳ vọng còn nhiều “dư địa” về tăng trưởng nhờ phát huy lợi thế về tôm nước lợ và cá tra.
- 10-01-2017DN xuất khẩu thủy sản hưởng lợi khi Trung Quốc giảm thuế nhập khẩu
- 09-01-2017Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản bị lừa hàng trăm nghìn USD
- 30-12-2016Kim ngạch xuất khẩu thủy sản 2016 đạt 7 tỷ USD
Đóng góp lớn nhất vào kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp trong năm qua với 7,1 tỉ USD, năm 2017 thủy sản tiếp tục được kỳ vọng còn nhiều “dư địa” về tăng trưởng nhờ phát huy lợi thế về tôm nước lợ và cá tra.
Phóng viên VOV phỏng vấn ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về vấn đề này.
PV: Thưa ông, năm 2017 ngành thủy sản sẽ lựa chọn đột phá nào tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng trong tăng trưởng nông nghiệp?
Ông Vũ Văn Tám: Trong năm nay, thủy sản sẽ tiếp tục khai thác lợi thế trong lĩnh vực nuôi để phát triển mạnh hơn. Cụ thể đối với sản phẩm tôm nước lợ đây là lợi thế còn có nhiều “dư địa” để khai thác.
Ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Hiện nay, cả nước có 700.000 ha tôm nước lợ nhưng mới có 95.000 ha nuôi tôm công nghiệp. Còn lại hơn 600.000 ha là nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến. Theo đó, nâng mức bình quân trên 1 đơn vị diện tích của tôm quảng canh cũng như là tôm lúa, tôm sinh thái, mỗi ha có thể tăng 300 - 500 kg.
Đối với cá tra, năm 2017 sẽ có đột phá về thị trường trong nước, với hơn 90 triệu người dân để khuyến khích tiêu thụ những sản phẩm do chính chúng ta sản xuất ra. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tổ chức hội chợ chuyên về sản phẩm cá tra tại Hà Nội để giới thiệu và xúc tiến thương mại ngay thị trường trong nước.
PV: Bên cạnh thế mạnh về tôm nước lợ và cá tra, ngành sẽ chú trọng đối với những sản phẩm thủy sản là lợi thế của mỗi địa phương, thưa ông?
Ông Vũ Văn Tám: Chúng ta quên mất là có những sản phẩm đặc sản và khách hàng tại nội địa có tiềm năng rất lớn. Mỗi vùng đều có 1 sản phẩm có giá trị kinh tế cao, khối lượng không lớn nhưng đó cũng chính là lợi thế.
Vì vậy, năm 2017, bên cạnh sản xuất và xuất khẩu những sản phẩm chính cá tra và tôm nước lợ, chúng ta phải tập trung phát triển những sản phẩm có nhiều lợi thế trong nước để phát triển đồng đều ở các vùng miền.
PV: Để đạt được mục tiêu đề ra tăng trưởng đạt hơn 7 tỉ USD, ngành thủy sản sẽ tập trung chỉ đạo, điều hành như thế nào trong năm nay, thưa ông?
Ông Vũ Văn Tám: Chúng ta phải kiểm soát tốt về dịch bệnh trên tôm và làm tốt mở rộng thị trường, xúc tiến thương mại. Về cá tra, tập trung vào thực hiện sửa đổi Nghị định 36 để tạo hành lang pháp lý kết hợp với xử lý tốt những vấn đề về rào cản kỹ thuật của các thị trường nhập khẩu.
Về lâu dài, cần xây dựng Chiến lược về sản phẩm Quốc gia cá da trơn. Trong đó sẽ tạo ra dòng sản phẩm chất lượng cao, xây dựng thương hiệu và nâng cao uy tín, chất lượng cá tra Việt Nam.
Bên cạnh việc phát triển cá tra phi lê, sẽ tạo ra dòng sản phẩm chất lượng cao và gia tăng những sản phẩm có giá trị gia tăng cao từ con cá tra.
PV: Xin cảm ơn ông!./.
VOV