MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xuất siêu nhờ tỷ trọng các mặt hàng thiết yếu lớn

Trong 9 tháng đầu năm 2019, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam đạt 8,2% so với cùng kỳ và là điểm sáng của nền kinh tế.

Trong khi hoạt động thương mại hàng hóa ra nước ngoài của nhiều quốc gia tăng trưởng chậm lại, nhiều thị trường trong khu vực vốn có hoạt động xuất khẩu mạnh như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Singapore… thì 9 tháng đầu năm 2019 đều ghi nhận tăng trưởng xuất khẩu ở mức rất thấp (chỉ trên dưới 2%); Thì tăng trưởng xuất khẩu 9 tháng của Việt Nam đạt 8,2% so với cùng kỳ được ghi nhận là điểm sáng của nền kinh tế.

Đây là cơ sở để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu cả năm. Mặc dù vậy, cả cơ quan quản lý và chuyên gia đều khẳng định, vẫn còn nhiều khó khăn trong hoạt động xuất khẩu những tháng cuối năm.

Xuất siêu nhờ tỷ trọng các mặt hàng thiết yếu lớn - Ảnh 1.

Hàng dệt may của Việt Nam tăng trưởng xuất khẩu đạt 10,4% trong 9 tháng qua. (Ảnh minh họa)


Xuất khẩu tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế 9 tháng qua khi cùng lúc cho cả 3 kết quả hết sức tích cực. Thứ nhất, đó là đạt mức tăng trưởng 8,2% - cao hơn mức tăng trưởng xuất khẩu bình quân cả năm nay phải đạt (theo chỉ tiêu của Quốc hội yêu cầu là từ 7-8%); Thứ 2 là cán cân thương mại có thặng dư  - với giá trị xuất siêu gần 6 tỷ USD; Và thứ 3 là khu vực kinh tế trong nước tăng trưởng tới 16,4% so với cùng kỳ, tăng cao hơn nhiều so với tốc độ tăng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (chỉ đạt 5%).

Ông Nguyễn Trung Tiến - Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Thống kê (kiêm Vụ trưởng Vụ Thống kê thương mại) lý giải về nguyên nhân chính dẫn đến sự chênh lệch này là do doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng xuất nhập khẩu lớn (gần 70%) nhưng tốc độ tăng trưởng các mặt hàng trong khu vực đầu tư nước ngoài không cao (như mặt hàng như điện thoại, linh kiện điện thoại chỉ tăng trưởng hơn 5%), trong khi đó khối doanh nghiệp trong nước như dệt may, da giày, đá quý, đồ gỗ… đã có sự tăng trưởng mạnh, ở mức 2 con số.

Theo ông Tiến, hàng dệt may của Việt Nam, tăng trưởng về XK là 10,4%, mặt hàng giày dép là 13,5%. Đặc biệt là mặt hàng đá quý, Việt Nam XK tăng hơn 3 lần so với năm trước. Một mặt hàng nữa mà DN trong nước sản xuất cũng tăng cao đó là sản xuất nội thất từ chất liệu khác gỗ, tăng tới 46,4%...

Cùng với việc giữ được sự ổn định các thị trường xuất khẩu trọng yếu thì rất nhiều thị trường mới đã bước đầu được doanh nghiệp khai thác có hiệu quả nhờ vào các ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do đã được ký kết. Cụ thể, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch tăng hơn 25% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là thị trường EU, Trung Quốc và ASEAN.

Đáng ghi nhận là tất cả các nhóm thị trường mà Việt Nam có ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) và đang thực thi đều tăng trưởng tốt, cho thấy các ưu đãi từ các FTA cơ bản đã được doanh nghiệp của ta tận dụng có hiệu quả.

Trong đó, xuất khẩu sang các thị trường là thành viên của Hiệp định Thương mại Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đạt mức tăng tốt, thể hiện bước đầu tận dụng hiệu quả các cam kết từ Hiệp định này để thúc đẩy và đa dạng hoá thị trường xuất khẩu.

Xuất siêu nhờ tỷ trọng các mặt hàng thiết yếu lớn - Ảnh 2.

Trong bối cảnh này, một mặt doanh nghiệp trong nước cần cẩn trọng để tránh bị lợi dụng xuất xứ hàng hóa, đồng thời, tìm kiếm cơ hội xuất khẩu. (Ảnh minh họa)


Ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Thương mại đa biên, Bộ Công Thương cho biết: "Sau khi hiệp định được đi vào thực thi thì về cơ bản các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường CPTPP đều tăng trưởng khá tốt, chủ yếu tăng mạnh ở các mặt hàng điện thoại, linh kiện, máy móc thiết bị, thủy sản, dệt may.. Đây đều là những mặt hàng Việt Nam có thế mạnh.

Về giá trị xuất khẩu thể hiện rõ việc XK sang các thị trường Việt Nam chưa có FTA ví dụ xuất khẩu sang Canada tăng khoảng 33%, XK sang Mexico cũng đạt tốt, tăng khoảng gần 24%. Ngoài ra, một số thị trường mà chúng ta đã có FTA tăng trưởng cũng rất tốt, ví dụ như Nhật Bản chẳng hạn, tăng khoảng 9,9% so với cùng kỳ năm ngoái...".

Theo dự báo, xuất khẩu những tháng cuối năm của Việt Nam tiếp tục xu hướng tăng cao, bởi theo chu kỳ xuất khẩu hàng hóa thường tăng trong những tháng cuối năm là thời kỳ cao điểm cho mua sắm tiêu dùng trong các dịp lễ, Tết.

Tuy nhiên, cả cơ quan quản lý và chuyên gia đều cảnh báo còn nhiều yếu tố cản trở đà tăng trưởng xuất khẩu trong thời gian tới, trong đó cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục diễn biến khó lường với mức độ ngày càng gia tăng. 

Theo chuyên gia thương mại - PGS. TS. Phạm Tất Thắng, trong bối cảnh này, một mặt doanh nghiệp trong nước cần cẩn trọng để tránh bị lợi dụng xuất xứ hàng hóa, đồng thời, tìm kiếm cơ hội xuất khẩu các mặt hàng mà Trung Quốc đang khan hiếm như sản phẩm thịt lợn chẳng hạn.

"Cần phải thấy rằng là Trung Quốc đang thiếu nghiêm trọng một số mặt hàng thực phẩm, lương thực thực phẩm, nhất là thịt lợn. Đây là một trong những điều kiện mà chúng ta có thể tận dụng nếu như chúng ta có thịt lợn đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Tuy nhiên cái điều này chúng ta cũng phải thấy rằng là trong tình hình như hiện nay thì cung cầu của thị trường thịt lợn của chúng ta hiện nay cũng đang gặp khó khăn thì cần phải có một giải pháp như thế nào đó cho phù hợp..." - PGS. TS. Phạm Tất Thắng cho biết.

Cũng theo ông Thắng, nhờ vào lợi thế các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đều là các mặt hàng thiết yếu phục vụ tiêu dùng, do vậy, dẫu có bị ảnh hưởng ít nhiều bởi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung thì Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục xuất siêu.

Song “khó bền” là cảnh báo được chuyên gia này đưa ra bởi Việt Nam đang là thị trường thu hút đầu tư nên việc nhập khẩu máy móc, thiết bị đang còn lớn. Vấn đề là làm sao để tránh được “bẫy” đầu tư khi các nhà đầu tư nước ngoài chuyển giao công nghệ cũ hoặc lợi dụng xuất xứ hàng hóa Việt Nam.../.


Theo Nguyên Long

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên