MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Xương sống" của nền kinh tế vừa lãnh 2 đòn chí mạng, Saudi khó trả đũa nhưng cũng đừng quá trông chờ vào Mỹ

19-09-2019 - 08:50 AM | Tài chính quốc tế

Sau cuộc chiến kéo dài 5 năm không phân thắng bại, lửa đang được chuyển từ Yemen sang Ả Rập Saudi?

Ngày 14/9/2019, nhà máy lọc dầu Abqaiq lớn nhất thế giới và mỏ dầu khổng lồ Khurais trực thuộc tập đoàn Aramco gần Thủ đô Riyahd của Ả Rập Saudi bị tấn công hư hại nặng. Các cuộc tấn công của Houthi vào Abqaiq và Khurais đã làm sản lượng dầu của Ả Rập Saudi giảm 5,7 triệu thùng/ngày, tức hơn 50% tổng sản lượng dầu mỏ của nước này và 5% nguồn cung dầu của thế giới.

Cuộc tấn công cũng dẫn đến việc ngưng trệ sản xuất khí đốt tự nhiên khoảng 2 ngàn tỷ feet khối mỗi ngày để sản xuất 700 ngàn thùng khí hóa lỏng LNG tức giảm một nửa sản lượng LNG. Các lực lượng Houthi đe dọa sẽ tiếp tục tấn công mạnh mẽ hơn vào các cơ sở kinh tế bên trong lãnh thổ Ả Rập Saudi.

Đây là lần thứ ba trong năm nay các cơ sở dầu mỏ của tập đoàn Aramco bị tấn công. Tháng 5/2019, bảy máy bay không người lái đã tấn công vào ba trạm bơm dầu gần Thủ đô Riyahd. Tháng 8/2019, mỏ dầu lớn al-Sahbiba có sản lượng 500 ngàn thùng/ngày cũng đã bị tấn công.

Cuộc tấn công lần này là lớn nhất, nghiêm trọng nhất trong lịch sử Ả Rập Saudi vì hậu quả của nó không chỉ đánh vào "hệ thần kinh của nền kinh tế Ả Rập Saudi mà còn tác động tiêu cực đối với kinh tế toàn cầu". Nhiều nhà quan sát chính trị trên thế giới coi đây là vụ 11/9 của Ả Rập Saudi.

Ai là người thực hiện cuộc tấn công?

Các lực lượng Houthi ở Yemen nhanh chóng nhận trách nhiệm về vụ tấn công này. Trong khi đó Mỹ và Ả Rập Saudi cáo buộc Iran đứng sau cuộc tấn công và cho rằng nhóm Houthi là công cụ trong tay lữ đoàn Vệ binh cách mạng Hồi giáo (IRGC), nhưng không đưa ra được bất cứ bằng chứng nào.

Các báo cáo của Mỹ nói rằng tính chất chuyên nghiệp và mặc dù khoảng cách từ Sana’a đến hai cơ sở dầu mỏ của Aramco xa hơn 1,300 km, nhưng các máy bay không người lái đã đánh trúng mục tiêu với độ chính xác cao, chứng tỏ các cuộc tấn công không thể xuất phát từ lãnh thổ Yemen. Một số quan chức trong chính quyền Mỹ và Ả Rập Saudi cho rằng, các máy bay này có thể xuất phát từ các căn cứ của lực lượng Hashd Sha’abi thân Iran ở Iraq hoặc của cộng đồng người Shia ở ngay bên trong lãnh thổ Ả Rập Saudi.

Báo Wall Street đưa tin, các quan chức Nhà Trắng đã thông báo cho Ả Rập Saudi rằng, Iran đã phóng 20 máy bay không người lái và một số tên lửa vào các cơ sở dầu mỏ Aramco. Tuy nhiên Ả Rập Saudi cho biết Mỹ đã không cung cấp đầy đủ bằng chứng để có thể kết luận cuộc tấn công được phát động từ Iran và các thông tin của Mỹ là không mang tính quyết định.

Trong khi đó, Nga tuyên bố cần hết sức thận trọng và không nên đưa ra kết luận vội vàng để tránh gây tình hình căng thẳng và mất ổn định ở khu vực.

Phát ngôn viên của lực lượng Houthi, thiếu tướng Turki al-Maliki nói, các loại vũ khí hiện đại Ả Rập Saudi đang sử dụng trong cuộc chiến ở Yemen là do Mỹ sản xuất thì việc người Houthi dùng vũ khí có nguồn gốc Iran cũng là điều bình thường.

Như vậy, đến nay vẫn không thể khẳng định được danh tính người thực hiện cuộc tấn công. Ả Rập Saudi và Mỹ nghi ngờ Iran tiến hành cuộc tấn công này, nhưng vẫn nói phải chờ kết quả điều tra. Chính quyền Ả Rập Saudi đang mời các chuyên gia quốc tế và Liên hợp quốc giúp điều tra để tìm ra thủ phạm. Ngày 18/9/2019, Bộ Quốc phòng Ả Rập Saudi cũng mới chỉ đưa ra các bằng chứng về "sự dính líu" của Iran chứ không khẳng định Iran thực hiện cuộc tấn công.

Không có mối đe dọa lớn đối với thị trường dầu mỏ

Ngay sau cuộc tấn công, giá dầu tăng đột biến 20% chủ yếu do yếu tố tâm lý.

Nhiều người lo ngại rằng những gì đã xảy ra vừa qua có thể dẫn đến sự bất ổn trong thị trường dầu mỏ toàn cầu và giá dầu sắp tới có thể lên tới ngưỡng 100 USD/thùng. Tuy nhiên, Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) cho rằng, mặc dù sản lượng dầu của Ả Rập Saudi tạm thời giảm 5,7 triệu thùng/ngày, lượng dự trữ dầu hiện nay là đủ để ngăn chặn sự biến động của thị trường. Hiện tại không có mối đe dọa nào lớn do việc thiếu hụt nguồn cung cho thị trường dầu mỏ thế giới và giá dầu sẽ sớm trở lại ổn định.

Theo Bloomberg, trong thời gian chờ đợi sửa chữa, khôi phục lại sản xuất của hai cơ sở dầu mỏ bị tấn công, tập đoàn Aramco có thể cung cấp đủ cho khách hàng khối lượng dầu thô lên tới hàng trăm triệu thùng lấy từ mạng lưới các kho dự trữ dầu bên trong lãnh thổ Ả Rập Saudi và ở Rotterdam (Hà Lan), Okinawa (Nhật Bản), Sidi-Kerir (Ai Cập) trên bờ Địa Trung Hải.

Mỹ cũng sẽ mở kho dự trữ dầu mỏ khổng lồ 640 triệu thùng ở bang Texas và Louisiana. Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), đồng minh của Ả Rập Saudi cũng tuyên bố sẽ tăng sản lượng để bù đắp khối lượng thiếu hụt của Ả Rập Saudi.

Ngoài ra, các nước bên ngoài Tổ chức xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) như Nga, Qatar... sẽ tranh thủ lúc giá tăng để tăng sản lượng xuất khẩu.

Trong cuộc họp báo tại Riyadh ngày 18/9/2019, Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Saudi Abdul Aziz bin Salman tuyên bố Aramco sẽ sớm khôi phục sản lượng dầu đạt mức 9,8 triệu thùng/ngày vào tháng 10 và 12 triệu thùng/ngày vào tháng 11 tới.

Như vậy, sự thiếu hụt nguồn cung từ Ả Rập Saudi hoàn toàn có thể được bù đắp nhanh chóng và giá dầu sẽ sớm ổn định.

Ai bị thua thiệt và ai được hưởng lợi từ vụ tấn công vào cơ sở dầu mỏ Aramco?

Ả Rập Saudi sẽ là nước thua thiệt lớn nhất. Nền kinh tế Ả Rập Saudi vốn đã hết sức khó khăn do phải tập trung toàn lực vào cuộc chiến hao người tốn của kéo dài 5 năm tại Yemen bị ảnh hưởng nặng nề nhất, không chỉ về ổn định kinh tế, chính trị và an ninh mà còn niềm tin vào Vương quốc này bị suy giảm.

Đây là một cú đánh rất đau không chỉ vào xương sống của nền kinh tế Ả Rập Saudi mà còn vào toàn bộ Vương quốc. Cuộc tấn công này sẽ gây ra hậu quả tiêu cực to lớn cho đầu tư và bán cổ phiếu của Aramco. Theo dự kiến, Aramco sẽ đưa ra thị trường bán 5% từ 2 ngàn tỷ USD giá trị tài sản của tập đoàn, hy vọng thu về 100 tỷ USD. Tuy nhiên, trong bối cảnh các cuộc tấn công vào các cơ sở dầu mỏ của Aramco có thể sẽ vẫn tiếp tục, các nhà đầu tư đặt câu hỏi liệu ai dám mua cổ phiếu của tập đoàn này? Và ngay cả khi các cổ phiếu này được đưa ra bán thì nó sẽ mất giá bao nhiêu?

Mỹ sẽ là nước được hưởng lợi trực tiếp. Ngay sau cuộc tấn công, Tổng thống D. Trump tuyên bố sẽ mở kho dự trữ dầu thô chiến lược của mình để tung ra thị trường với danh nghĩa bù đắp khối lượng thiếu hụt của Ả Rập Saudi, nhưng sẽ thu về được một nguồn lợi đáng kể do giá dầu tăng. Các công ty dầu mỏ lớn của Mỹ cũng lợi dụng giá dầu tăng để gia tăng sản lượng.

Áp lực của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đối với Iraq và Nigeria phải cắt giảm sản lượng để giữ giá dầu sẽ không còn cần thiết nữa vì hiện tại sản lượng dầu của Ả Rập Saudi đã bị sụt giảm 5,7 triệu thùng/ngày cần phải được bù đắp. Thỏa thuận OPEC+ về việc cắt giảm sản lượng 1,2 triệu thùng/ngày cũng sẽ không còn phải cấp thiết thực hiện. Các nước ngoài OPEC như Nga, Qatar... sẽ có thể tăng sản lượng để xuất khẩu và kiếm được nguồn thu lớn từ việc giá dầu tăng.

Những nước phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu dầu, các nhà máy lọc dầu sẽ phải đối phó với nhiều khó khăn về tài chính do phải chịu một khoản chi phí không được dự toán trước từ ngân sách nếu giá dầu tiếp tục tăng. Và nếu không giữ được giá dầu ổn định thì kinh tế thế giới sẽ lại lâm vào trì trệ và khả năng khủng hoảng tài chính toàn cầu sẽ khó tránh khỏi.

Khả năng Ả Rập Saudi đáp trả cuộc tấn công là hết sức khó khăn

Tình hình khu vực trở nên hết sức phức tạp, không thể loại trừ bất cứ khả năng nào. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay Mỹ và Ả Rập Saudi rất khó có thể mở một cuộc tấn công trả đũa.

Thứ nhất, rất khó có thể tìm ra được ai là người đứng sau vụ tấn công 14/9 vừa qua. Cuộc tấn công đã phơi bày những hạn chế tên lửa phòng thủ của Mỹ trong việc đánh chặn tên lửa đạn đạo và máy bay không người lái. Cho đến nay họ đã không đánh chặn được bất cứ máy bay không người lái và tên lửa nào của Houthi. Hệ thống phòng thủ của Ả Rập Saudi được Mỹ cung cấp hầu như bị tê liệt. Các thiết bị radar cảnh báo sớm, các tổ hợp tên lửa Patriot, các căn cứ quân sự của Mỹ cực kỳ hiện đại đã không phát hiện ra hàng loạt tên lửa và máy bay không người lái tấn công các mục tiêu nằm sâu bên trong lãnh thổ Ả Rập Saudi. Các căn cứ quân sự của Mỹ ở khu vực, các mục tiêu của Ả Rập Saudi đều nằm trong tầm ngắm của tên lửa Iran Trong tình hình như vậy, một cuộc chiến tranh xảy ra sẽ là tai họa cho Mỹ và các đồng minh của Mỹ ở khu vực.

Thứ hai, Mỹ không có Hiệp ước phòng thủ chung với Riyadh nên không có trách nhiệm bảo vệ Ả Rập Saudi khi bị tấn công. Ngày 16/9/2019, Tổng thống Mỹ D. Trump tuyên bố thẳng thừng: "Tôi không hứa bảo vệ Ả Rập Saudi. Các cuộc tấn công 14/9 là nhằm vào Ả Rập Saudi chứ không nhằm vào Mỹ. Mỹ không muốn chiến tranh với Iran. Nếu Ả Rập Saudi muốn Mỹ bảo vệ thì họ phải trả tiền." Nói như vậy, nhưng thậm chí nếu được Ả Rập Saudi trả tiền, Quốc hội Mỹ cũng không cho phép D. Trump tuyên bố chiến tranh và bản thân ông cũng sẽ mất uy tín khi cuộc bầu cử đang đến gần. Quân đội Mỹ trở thành một quân đội đánh thuê!

Thứ ba, cuộc tấn công vừa rồi với quy mô rất nhỏ mà đã gây thiệt hại cho hơn một nửa ngành dầu mỏ của Ả Rập Saudi và gây chấn động thế giới thì một cuộc chiến tranh quy mô lớn hơn sẽ là một tai họa không chỉ cho Vương quốc này mà còn cho cả khu vực và thế giới.

Cuộc tấn công Ả Rập Saudi vừa qua gửi đi một thông điệp về khả năng quân sự của Houthi và Ả Rập Saudi sẽ còn bị tấn công mạnh mẽ hơn nếu không rút quân và chấm dứt phong tỏa Yemen. Cuộc tấn công này cũng là để cảnh báo cuộc xung đột Yemen không thể giải quyết được bằng quân sự, ép các bên liên quan trở lại bàn đàm phán để tìm ra một giải pháp chính trị theo nghị quyết 2216 (2015) của Hội đồng Bảo an LHQ, sáng kiến của các nước vùng Vịnh và Hội nghị đối thoại dân tộc Yemen 2013-2014.

* Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt lại.


Theo Đại sứ Nguyễn Quang Khai - Xử lý ảnh: Đỗ Linh

Trí thức trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên